Trên thực tế, “bằng rởm” cũng là bằng thật, nhưng lại được cấp bởi “trường rởm, hoặc do một số trường tư thục bán ra. Trong muôn vàn cách để nhanh chóng thăng tiến trong sự nghiệp, thì việc mua những "bằng rởm" là một phương án hữu dụng và được một bộ phận “ưa thích”.
Chẳng cần phải đến những lớp học, chẳng cần ôn bài mệt mỏi, mà chỉ cần bỏ ra một lượng tiền nhất định, người ta sẽ có ngay một tấm bằng cần thiết, tùy ý sử dụng. Dần dà việc tiếp thu kiến thức không còn quá quan trọng đối với một bộ phận người trong xã hội.
Trên thực tế, việc học hành nghiêm chỉnh để có cho mình một tấm bằng như ý phải trải qua một chặng đường dài. Việc học ở đây không chỉ tốn kinh phí và thời gian, mà người học cần phải thêm vào đó nhiều sự cố gắng. Cho nên, bằng cấp chính là hình thức ghi nhận thành quả của những nỗ lực đó. Tấm bằng cũng được coi là điều kiện cần để có thể tìm được một vị trí tốt hơn trong công việc cũng như trong xã hội.
Việc sử dụng “bằng rởm” ngày càng lan rộng và thực sự trở thành mối nguy hiểm cho xã hội. (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, một bộ bận trong xã hội không đủ khả năng và kiên nhẫn để đi theo con đường học hành chính đáng, nên cứ vung tiền ra để lấy được bằng cấp. Và dĩ nhiên, có cầu ắt có cung.
Câu chuyện phát hiện các trường hợp mua “bằng rởm” tại trường Đại học nọ thực tế không còn quá mới mẽ trong xã hội hiện nay. Tuy nhiên, việc khiến dư luận chú ý đó là nhiều cá nhân ở đây sử dụng bằng cấp ấy cho việc làm luận án mới chính là mấu chốt của vấn đề. Bởi khi mọi sự trót lọt, những cá nhân ấy có thể trở thành những nhân vật có tầm ảnh hưởng trong xã hội, đó chính là mối nguy.
Danh xưng thạc sĩ, tiến sĩ... luôn được người đời nể trọng bởi vì đây là những cá nhân có thành tích học xuất sắc. Trước khi đạt được danh hiệu đó, người ta đã bỏ nhiều công sức cho việc học hành. Thế mà, giờ đây mọi sự lại gói gọn trong việc mua và bán.
Và thật trớ trêu khi biết nhiều cơ quan, ban ngành hiện tại sở hữu một số lượng lớn các thạc sĩ, tiến sĩ,... kiểu như vậy. Thậm chí có những vị học hàm cao vút, nhưng thực tế mới chỉ học qua bậc tiểu học.
Lấy một ví dụ đơn giản, việc bổ nhiệm trong một cơ quan dựa theo kinh nghiệm, thời gian làm việc và kiến thức. Bên cạnh đó, những cá nhân có học vị cao hơn sẽ là ứng cử viên sáng giá. Cho nên, việc sở hữu một tấm bằng học vị là vô cùng có ý nghĩa. Điều này đã tạo ra "cơn sốt" bằng cấp học vị cao.
Nhưng cũng có một vấn đề tồn đọng rằng, nhiều thạc sĩ, tiến sĩ không thể áp dụng được luận án của mình vào thực tiễn. Nhiều người làm luận án còn chẳng liên quan đến công việc của mình, mà mục đích chính chỉ để thuận tiện cho việc thăng tiến.
Một sự thật đáng quan ngại rằng việc sử dụng “bằng rởm” ngày càng lan rộng và thực sự trở thành mối nguy hiểm cho xã hôi. Đáng lo khi những thạc sĩ, tiến sĩ đứng trên những “bằng rởm” ấy áp dụng những kiến thức mình không có vào cuộc sống. Hay nghiêm trọng hơn, có những vị lại được mời đi giảng dạy, truyền đạt kiến thức cho học sinh, sinh viên hoặc đồng nghiệp...
Việc dễ dãi trao chứng chỉ, học vị đã khiến dư luận dần mất niềm tin vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực. (Ảnh minh họa).
Như thế, các lỗ hổng cứ lớn dần, ngành Giáo dục và Đào tạo lại thêm nhiều tiêu cực mới. Nền tảng đào tạo nguồn nhân lực lại trở thành nơi bắt nguồn của những sai lầm.
Ngày càng có nhiều cá nhân mang học vị cao khiến cho xã hội nghi ngờ về chất lượng của giáo dục, những cấp bậc học vị hiện nay. Việc dễ dãi trao chứng chỉ, học vị cũng đã khiến dư luận dần mất niềm tin vào công cuộc đào tạo nguồn nhân lực.
Trong công cuộc cải cách, ngành Giáo dục hiện nay cần có nhiều thay đổi. Trong đó, đi đầu phải là chống tiêu cực, đừng để mọi sự khi vỡ lẽ rồi lại quay sang trách nhau thiếu trách nhiệm, rồi lại xử lý và rút kinh nghiệm sâu sắc.
Còn đối với những cá nhân sử dụng những loại "bằng rởm” ấy cũng nên tự hổ thẹn bởi vì mình thực sự không xứng đáng!
Theo DĐDN