Khu vực dự kiến thành lập TP.Thủ Đức đảm bảo đạt tiêu chí đô thị loại 1 - Ảnh: Người Lao động
Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Lê Vĩnh Tân, qua hơn 20 năm phát triển, trên địa bàn 3 quận đã đạt được những kết quả quan trọng với nhiều thành tựu vượt bậc; đời sống vật chất, tinh thần của người dân không ngừng được nâng cao, hạ tầng cơ sở có nhiều phát triển. Hình thành nhiều cơ sở kinh tế, giáo dục đào tạo, hạ tầng mới có ý nghĩa quan trọng với phát triển.
Năm 2019, 3 quận phát triển với tốc độ cao, đóng góp 1/3 tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) của Thành phố, tương đương khoảng 7% tổng sản phẩm nội địa (GDP) cả nước. Giai đoạn 2016 - 2019, thu ngân sách đạt 37.158 tỷ đồng, chi ngân sách đạt 11.174 tỷ đồng. Thành phố Hồ Chí Minh đã lựa chọn xây dựng đô thị sáng tạo, tương tác cao trên địa bàn Quận 2, Quận 9, quận Thủ Đức với 8 trung tâm.
Cũng theo ông Tân, sự phát triển mạnh mẽ về tài chính ngân hàng, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, du lịch và tốc độ đô thị hóa đã dẫn tới dân cư tập trung với mật độ cao; yêu cầu cần tập trung quản lý Nhà nước thống nhất trên địa bàn 3 quận, tạo điều kiện để kinh tế xã hội tiếp tục phát triển, xây dựng nơi đây trở thành một đô thị sáng tạo, tương tác cao, là động lực phát triển của Thành phố Hồ Chí Minh và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Điều đó đòi hỏi phải tổ chức lại đơn vị hành chính thông qua việc sáp nhập 03 quận thành một đơn vị hành chính, xây dựng chính quyền đô thị đủ mạnh, phù hợp.
Vì vậy, việc sáp nhập Quận 2, Quận 9 và quận Thủ Đức để thành lập thành phố Thủ Đức là cần thiết, tạo tiền đề pháp lý tổ chức mô hình chính quyền đô thị, đáp ứng yêu cầu quản lý hành chính nhà nước trên địa bàn; phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng về tinh gọn bộ máy hành chính Nhà nước, giảm biên chế và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của chính quyền các cấp. Từ đó, Thành phố Hồ Chí Minh có thể đóng góp nhiều hơn nữa cho cả nước và có điều kiện hỗ trợ phát triển vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, xứng tầm là một thành phố lớn trong khu vực và quốc tế.
Ủng hộ chủ trương này, các đại biểu Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, đây là việc cụ thể hoá chủ trương, thu gọn đầu mối, góp phần đổi mới trong hệ thống chính trị, được làm thử nghiệm tại TP.HCM. Quá trình thực hiện sẽ vừa làm vừa rút kinh nghiệm, để sau này sẽ làm cơ sở tính tiếp với các thành phố khác. Đây cũng là Nghị quyết thứ 3 mà Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành cho TP.HCM.
Theo TPO