Phát biểu tại Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X sáng 10/12, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đưa ra chỉ đạo nêu trên, và nhấn mạnh việc tiếp tục đổi mới toàn diện, phát huy tinh thần sáng tạo trong tổ chức phong trào thi đua sao cho thật bổ ích, thiết thực, tránh hình thức lối mòn, nhàm chán, tẻ nhạt.
Bên cạnh những kết quả đạt được, lãnh đạo Đảng, Nhà nước cũng chỉ rõ một số hạn chế cần khắc phục trong công tác thi đua, khen thưởng. Đó là, nhiều mô hình, gương điển hình tiên tiến ở một số địa phương, cơ quan, đơn vị chưa được phát hiện, bồi dưỡng kịp thời và nhân rộng có hiệu quả. Việc tuyên truyền, tổ chức học tập, áp dụng mô hình mới còn ít được quan tâm.
Công tác khen thưởng có lúc, có việc chưa kịp thời; khen thưởng cho công nhân, nông dân, người lao động trực tiếp chưa nhiều.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X, sáng 10/12. Ảnh: Giang Huy
Thời gian tới, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước nói phong trào thi đua yêu nước cần cổ vũ các bộ, ban, ngành, địa phương và nhân dân cả nước vượt qua mọi khó khăn, thách thức, tận dụng tốt các cơ hội, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xu hướng dịch chuyển đầu tư, thương mại, chuyển đổi số, sự phát triển của các mô hình kinh doanh mới, sự thay đổi phương thức sản xuất, tiêu dùng và giao tiếp trên toàn cầu...
Đồng thời, các cấp ủy, chính quyền cần tiếp tục quán triệt, thực hiện thật tốt các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thi đua, khen thưởng, nhất là quán triệt sâu sắc tư tưởng thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
"Tăng cường phát hiện các điển hình tiên tiến để động viên, khen thưởng kịp thời. Khen thưởng phải phù hợp với thành tích và kết quả đạt được", Tổng bí thư, Chủ tịch nước nói và đề nghị sau Đại hội, hơn 2.000 đại biểu là điển hình tiên tiến, anh hùng, chiến sĩ thi đua tiếp tục phát huy năng lực, trí tuệ, tích cực tham gia và làm nòng cốt các phong trào thi đua yêu nước tại cơ quan, địa phương, đơn vị.
Trước đó, phát biểu khai mạc Đại hội Thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương, cho hay so với 9 kỳ đại hội trước, số lượng đại biểu tham dự Đại hội thi đua yêu nước lần thứ X đông nhất với 2.300 người.
"Số lượng đại biểu thể hiện phong trào thi đua yêu nước của chúng ta ngày càng lan tỏa mạnh mẽ, những tấm gương thi đua điển hình ngày càng nhiều", ông nói.
Theo Thủ tướng, thực hiện lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, trải qua 26.480 ngày kể từ 11/6/1948, "không ngày nào nhân dân ta không thi đua yêu nước". Ngày nay, cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của Việt Nam có được là kết tinh của nhiều phong trào thi đua sôi nổi, bao gồm cả những cống hiến và hi sinh thầm lặng ở mọi cấp, mọi ngành, mọi tầng lớp xã hội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu khai mạc Đại hội sáng 10/12. Ảnh: Giang Huy
Trong 5 năm qua, phong trào thi đua yêu nước đã phát triển ngày càng mạnh mẽ và sâu rộng. Nhiều hình ảnh cảm động, nhân văn, những tấm gương đa dạng trong nhiều lĩnh vực, từ người chiến sĩ lực lượng vũ trang đến người dân, người già, trẻ nhỏ đều có tấm lòng đối với đất nước trong lúc khó khăn, dịch bệnh.
"Thi đua giờ đây trở thành điều rất quen thuộc trong đời sống hàng ngày, tinh thần thi đua, vượt lên chính mình chính là cội nguồn sức mạnh của sự phát triển", Thủ tướng nói.
Ông cho hay, liên tiếp trong 4 năm (2016 - 2019), Việt Nam đã thi đua hoàn thành xuất sắc các mục tiêu kinh tế - xã hội đề ra, đứng trong tốp 10 nước tăng trưởng cao nhất thế giới, là một trong 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất.
Năm 2020, đại dịch Covid-19 gây ra những tác hại vô cùng lớn đến kinh tế và sự xáo trộn trong đời sống xã hội của hầu hết các nền kinh tế trên thế giới. Tuy nhiên, "chúng ta đã thi đua và giành thắng lợi trong việc thực hiện mục tiêu kép, vừa phòng chống dịch Covid-19, vừa phát triển kinh tế".
Theo Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh, phong trào thi đua yêu nước trong 5 năm qua phát triển sâu rộng trên tất cả các lĩnh vực; xuất hiện ngày càng nhiều các tập thể, cá nhân tiêu biểu xuất sắc, điển hình tiến tiến. Trong đó, hơn 1.000 đại biểu dự đại hội là những gương điển hình trực tiếp đang lao động, học tập trên các lĩnh vực.
Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh. Ảnh: Giang Huy
Trên lĩnh vực kinh tế, các tập thể, cá nhân đã có nhiều đổi mới, sáng tạo để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả trong lao động, học tập, công tác, sản xuất, kinh doanh. Điển hình như ông Nguyễn Trọng Thái, Tổ trưởng Tổ sản xuất, Công ty cổ phần Than Hà Lầm; ông Vũ Đình Chương, Công nhân Xưởng sửa chữa Công ty Xi măng Vicem Hoàng Thạch... đã có nhiều sáng kiến, cải tiến kỹ thuật, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
Nhiều anh hùng, chiến sĩ thi đua đã xây dựng được những mô hình sản xuất, kinh doanh hiệu quả, sáng tạo, áp dụng kỹ thuật mới trong trồng trọt, chăn nuôi đạt năng suất và hiệu quả cao; tiêu biểu như ông Trần Mạnh Báo, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng Giám đốc công ty cổ phần tập đoàn ThaiBinh Seed (tỉnh Thái Bình) là tác giả của 10 giống lúa quốc gia, trong đó có 2 giống lúa được tặng Giải thưởng "Bông Lúa Vàng Việt Nam"; bà Phạm Thị Huân, Giám đốc Công ty CP Ba Huân vượt qua nhiều khó khăn, phát triển thành công doanh nghiệp sản xuất trứng gia cầm đạt năng suất cao, là đại diện duy nhất của Việt Nam nhận giải thưởng "Nông dân điển hình" khu vực châu Á - Thái Bình Dương năm 2016.
Trong lĩnh vực y tế, giáo dục, đào tạo, khoa học, công nghệ, nhiều tấm gương tiêu biểu về về sự năng động, sáng tạo, có tinh thần phấn đấu vươn lên, khắc phục khó khăn, để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Những tấm gương sáng trong học tập, nghiên cứu, chăm sóc sức khỏe và phục vụ nhân dân, nâng cao chất lượng giáo dục, đào tạo như: Đại học Quốc gia TP.HCM; Đại học Y dược TP.HCM, Quỹ bảo trợ trẻ em Việt Nam; Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội; Tập thể cán bộ, bác sĩ Bệnh viện nhiệt đới Trung ương; ông Trần Ngọc Lương, Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương, người đầu tiên áp dụng thành công phẫu thuật nội soi vào phẫu thuật tuyến giáp với kỹ thuật đơn giản, nhanh, an toàn, hiệu quả, rẻ hơn nhiều so với các kỹ thuật khác trên thế giới.
Để tạo ra những sản phẩm phục vụ sản xuất và đời sống của nhân dân, nhiều nhà khoa học đã ngày đêm miệt mài nghiên cứu, thử nghiệm, thực hiện thành công nhiều đề tài nghiên cứu khoa học, sáng tạo. Đó là Viện Kỹ thuật công trình đặc biệt, Học viện kỹ thuật quân sự đã chủ trì thực hiện nhiều dự án, đề tài nghiên cứu phục vụ chiến lược biển đảo, biên giới, bảo vệ vững chắc chủ quyền, lãnh thổ quốc gia.
Viện vệ sinh dịch tễ Trung ương nghiên cứu, phân lập thành công nCoV, góp phần đưa Việt Nam trở thành một trong 4 nước trên thế giới phân lập thành công virus, là tiền đề tiên quyết để phát triển các sinh phẩm chẩn đoán cũng như phát triển vaccine phòng bệnh...
Trong lĩnh vực văn hóa, đóng góp xây dựng cộng đồng, xã hội, nhiều tập thể, cá nhân điển hình đã kết hợp hài hòa lợi ích của cá nhân với lợi ích của tập thể, của cộng đồng xã hội; bằng tấm lòng nhân ái, đóng góp công sức, tiền của để tạo thêm việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, xóa đói, giảm nghèo, đền ơn đáp nghĩa, lo học tập, chữa bệnh cho người nghèo. Điển hình như họa sĩ Đặng Thị Ái Việt, đã đi qua khắp mọi miền đất nước để vẽ chân dung các Mẹ Việt Nam anh hùng; hàng nghìn doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân ủng hộ, đóng góp xây dựng "Quỹ đền ơn, đáp nghĩa", "Quỹ vì người nghèo", "Quỹ chất độc da cam", "Quỹ bảo trợ trẻ em"...
Trong lĩnh vực xây dựng thể chế, cải cách hành chính, đã có những tấm gương về sự mẫn cán của những cán bộ, công chức, viên chức có trình độ, bản lĩnh, đã không ngừng nghiên cứu, sáng tạo, đổi mới, chuyên nghiệp, hiện đại, đáp ứng yêu cầu thực thi công vụ trong tình hình mới...
Trong lĩnh vực đối ngoại, quốc phòng an ninh, nhiều chiến sĩ là những tấm gương tiêu biểu về sự hy sinh quên mình để bảo vệ Tổ quốc, giữ vững chủ quyền đất nước, vì cuộc sống bình yên của nhân dân như: Binh chủng đặc công; Cục phòng chống ma túy và tội phạm biển, Bộ đội biên phòng; Bệnh viện Trung ương Quân hội 108; Phòng cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, công an tỉnh Lào Cai; Lữ đoàn Đặc công 126, Quân chủng Hải quân; Lữ đoàn Phòng không 210, Quân Khu 1; Đội K52, Phòng Chính trị, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Gia Lai...
Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ X có chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc", diễn ra trong hai ngày 9 và 10/12.
2.300 đại biểu về dự Đại hội, trong đó có 280 đại biểu khách mời; 2.020 đại biểu chính thức, được lập thành 133 đoàn.
Tại Đại hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát động phong trào thi đua yêu nước giai đoạn 2021 - 2025 với chủ đề "Đoàn kết, sáng tạo, thi đua xây dựng và bảo vệ Tổ quốc".