Luận tội 2 lần: Chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ
Chỉ còn hơn 1 tuần nữa, Tổng thống Donald Trump sẽ kết thúc nhiệm kỳ và ông đang đứng trước nguy cơ trở thành Tổng thống đầu tiên trong lịch sử nước Mỹ bị Hạ viện luận tội 2 lần.
Tổng thống Trump. (Ảnh: Getty Images)
Hạ viện dự kiến sẽ bỏ phiếu ngày 13/1 để luận tội Tổng thống Trump, đúng 1 tuần sau cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội và 1 tuần trước khi nhiệm kỳ của ông Trump kết thúc.
Ít nhất về ngắn hạn, việc luận tội Tổng thống Trump được coi là sự trừng phạt mang tính biểu tượng sau những cáo buộc chưa có bằng chứng của ông về gian lận bầu cử trên diện rộng. Để chấm dứt nhiệm kỳ Tổng thống của ông Trump trước thời hạn, cần phải có 2/3 thành viên Thượng viện bỏ phiếu buộc tội ông. Tuy nhiên, đây là khả năng không thể xảy ra trước Ngày Nhậm chức (20/1) của ông Biden.
Đảng Dân chủ khẳng định rằng cần phải có một vài hình thức trừng phạt những hành vi bất cẩn của ông Trump. Họ cho rằng bất kỳ nỗ lực nào nhằm đoàn kết đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa chỉ có thể diễn ra sau khi những người kích động cuộc bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội phải chịu trách nhiệm.
"Ông Trump đã kích động cuộc nổi dậy bạo lực và vì thế, ông ta phải chịu luận tội. Chừng nào người đàn ông này còn đương nhiệm, chừng đó ông ta còn là mối đe dọa nghiêm trọng với quốc gia", nghị sĩ đảng Dân chủ Adam Schiff nhận định trên Twitter.
Việc ông Trump bị luận tội lần 2 (nếu xảy ra) là điều chưa từng có tiền lệ trong lịch sử nước Mỹ. Khi đảng Dân chủ lần đầu tiên luận tội ông Trump, nhiều người trong đảng lo ngại rằng động thái này có thể gây phản tác dụng và "dọn đường" cho nhiệm kỳ thứ hai của ông. Điều đó đã không xảy ra và thậm chí đã không còn là lý do khiến họ lo ngại về bất kỳ phản ứng chính trị tiêu cực nào vào thời điểm này khi cuộc bầu cử giữa kỳ còn 2 năm nữa sẽ diễn ra.
Một cuộc khảo sát công bố ngày 11/1 của Đại học Quinnipiac cho thấy đa số người Mỹ (52%) ủng hộ việc bãi miễn ông Trump.
“Cái giá” phải trả của Biden và đảng Dân chủ
Hiện tại, cách duy nhất để việc luận tội ông Trump diễn ra là sau khi ông Biden nhậm chức. Tuy nhiên, đây sẽ là một quy trình phức tạp và cũng có thể đem tới không ít "phiền toái" cho những người khởi xướng động thái này.
Mặc dù thể hiện sự phẫn nộ với các hành động của Tổng thống Trump nhưng Tổng thống đắc cử Joe Biden dường như khá thờ ơ với chủ đề luận tội bởi ông lo ngại điều này sẽ làm xao lãng các ưu tiên chính sách trong những ngày đầu tiên ông nhậm chức.
Ông Biden đã nêu ra những trọng tâm quan trọng, nhấn mạnh đến những điều chính quyền của ông sẽ đạt được trong 100 ngày đầu tiên. Tổng thống đắc cử muốn thúc đẩy việc phân phối vaccine COVID-19, vốn đang "dậm chân tại chỗ" so với kế hoạch, và nhanh chóng thông qua một gói kích thích kinh tế nữa nhằm giảm nhẹ tác động của đại dịch.
Phiên tòa luận tội Tổng thống Trump tại Thượng viện cũng sẽ tốn không ít thời gian mà lẽ ra Tổng thống đắc cử Joe Biden có thể tận dụng quãng thời gian này để thông qua các dự luật, khởi động nội các và điều hành chính phủ. Động thái trên cũng khiến các thành viên đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ trong Hạ viện ngày càng chia rẽ vào thời điểm mà ông Biden muốn mở ra một kỷ nguyên mới cho sự đoàn kết lưỡng đảng ở Washington.
Đó là lý do tại sao ông Biden nói rằng ông muốn "chia đôi" thời gian của Thượng viện để tránh vì luận tội Tổng thống Trump mà trì hoãn các chương trình nghị sự của ông. Ở viễn cảnh này, Thượng viện sẽ dành nửa ngày để thảo luận về việc luận tội và nửa ngày còn lại dành cho các vấn đề khác, chẳng hạn như gói cứu trợ COVID-19.
Đảng Dân chủ có những tính toán riêng để luận tội Tổng thống Trump nhưng khi họ quyết tâm tiến hành kế hoạch này cũng đồng nghĩa với việc họ sẽ phải đối mặt với những "cái giá" không hề nhỏ.
Theo nhà quan sát Simon Jenkins nhận định trên The Guardian, có những lý do mà đảng Dân chủ không nên luận tội Tổng thống Trump. Trước tiên, việc này sẽ làm xao lãng sự chú ý khỏi chiến thắng của ông Biden cũng như quá trình chuyển giao quyền lực. Ngoài ra, đảng Dân chủ cũng phải đối mặt những rủi ro lớn.
Điều đáng chú ý nhất trong cuộc bầu cử vào tháng 11 năm ngoái là Tổng thống Trump đã giành thêm 11 triệu phiếu phổ thông so với số phiếu ông từng giành được năm 2016, tăng từ 63 triệu lên 74 triệu phiếu. Mặc dù nhiều người không hài lòng với các phát ngôn và hành động của Tổng thống nhưng rõ ràng ông Trump đang ngày càng trở nên nổi tiếng trong nền tảng cử tri của ông. Theo các cuộc thăm dò dư luận, sự ủng hộ dành cho ông Trump trong số nhóm cử tri gốc Phi và Mỹ Latin cũng tăng lên.
Các nhà phân tích có thể có nhiều lập luận để đưa ra những cách giải thích khác nhau về những con số này nhưng rõ ràng, đây là những số liệu thực tế không thể phủ nhận. Cuộc bạo loạn tuần trước ở Tòa nhà Quốc hội có thể đã gây ra những tác động nhất định với hình ảnh của Tổng thống Trump nhưng liệu việc này có hủy hoại sự ủng hộ của các cử tri dành cho ông hay không vẫn cần phải xem xét.
Việc chống lại Tổng thống Trump không chỉ đơn giản là chống lại một cá nhân mà còn là chống lại quan điểm và những người ủng hộ ông, những cử tri đã bỏ phiếu cho ông, trung thành với những lập trường của ông và coi ông là người phát ngôn của họ. Do đó, luận tội hay bãi miễn Tổng thống Trump có thể vô tình khiến các cử tri thể hiện sự ủng hộ ông ngày càng mạnh mẽ hơn. Theo nhà quan sát Simon Jenkins, cách phản ứng hợp lý nhất hiện nay là phớt lờ ông Trump và đếm ngược từng ngày nhà lãnh đạo này rời Nhà Trắng.