Giới chuyên gia hàng hải khẳng định với báo Stars and Stripes (Mỹ) rằng đạo luật là một minh chứng cho thấy Bắc Kinh ngày càng hung hăng trong vấn đề tranh chấp Biển Đông, đặc biệt là khi các nước láng giềng và Mỹ đang căng mình chống đại dịch Covid-19. Nói cách khác, Trung Quốc - nền kinh tế lớn duy nhất tăng trưởng trong đại dịch - đang lợi dụng Covid-19 để đẩy mạnh mưu đồ độc chiếm Biển Đông.
Theo nhà phân tích khoa học chính trị Ian Chong của Trường Đại học Quốc gia Singapore, Bắc Kinh nhiều khả năng không hành động quân sự trong các cuộc tranh chấp lãnh thổ hàng hải nhưng có thể triển khai những chiến lược bắt nạt hung hăng hơn trong thời gian tới, bởi giờ đây "họ có thể cảm thấy mình đang ở một vị trí thuận lợi hơn so với Mỹ và các nước có cùng tuyên bố chủ quyền".
Với đạo luật mới, ông Chong không loại trừ đây là "một chiến thuật đàm phán" giữa lúc các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) bị trì hoãn.
Luật mới do Trung Quốc đặt ra cho phép Hải cảnh Trung Quốc triển khai mọi biện pháp cần thiết, kể cả sử dụng vũ khí. Ảnh: REUTERS
Trong khi đó, chuyên gia Greg Poling của Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - trụ sở Washington) cảnh báo luật mới của Trung Quốc có thể khiến căng thẳng Biển Đông leo thang, bởi đây là "công cụ bổ sung" dành cho một lực lượng vốn "hành xử bạo lực, hung hăng và phi pháp".
Để đối phó với đạo luật nói riêng và những hành động ngang ngược của Trung Quốc nói chung trên Biển Đông, ông Poling kêu gọi các nước có tuyên bố chủ quyền ở vùng biển này hợp tác với Mỹ lẫn châu Âu để gây sức ép ngoại giao, kinh tế hoặc thậm chí là triển khai các biện pháp trừng phạt nhằm vào Bắc Kinh.
Tương tự, chuyên gia luật hàng hải Jay Batongbacal của Trường Đại học Philippines hôm 31-1 kêu gọi Manila cùng các quốc gia khác trong khối ASEAN chung tay phản đối Trung Quốc thực thi đạo luật gây tranh cãi.
Cùng ngày, Thượng nghị sĩ Francis Tolentino kêu gọi chính quyền Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tranh thủ sự ủng hộ của các quốc gia khác để phản đối luật mới của Trung Quốc. Ông Tolentino nhấn mạnh rằng các quốc gia bị ảnh hưởng có thể tổ chức một cuộc họp không chính thức và nhất trí thông qua nghị quyết khẳng định lập trường chung.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 31-1 cũng thể hiện sự lo ngại đối với Luật Hải cảnh Trung Quốc, nói rằng đạo luật này "có thể làm lung lay trật tự dựa trên luật pháp quốc tế".
Theo NLĐ