Gần 112 triệu ca Covid-19, Fauci cảnh báo dân Mỹ đeo khẩu trang tới 2022

Thứ hai, 22/02/2021, 10:52
Toàn cầu ghi nhận gần 112 triệu ca nhiễm, hơn 2,4 triệu ca tử vong vì nCoV, Tiến sĩ Fauci cảnh báo dân Mỹ có thể đeo khẩu trang tới năm sau.

Thế giới đã ghi nhận 111.931.492 ca nhiễm nCoV, trong đó 2.477.282 người đã chết, tăng lần lượt 291.695 và 5.798 ca. 87.249.350người đã bình phục, theo trang thống kê thời gian thực Worldometers.

Chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ Anthony Fauci hôm 21/2 cảnh báo người dân có thể phải đeo khẩu trang tới năm 2022 để phòng ngừa nguy cơ lây nhiễm nCoV, trong bối cảnh ca nhiễm và tử vong do virus ở nước này lần lượt là 28.755.678 và 510.988 trường hợp, tăng 48.237 và 1.113 người trong 24 giờ qua.

Theo Tiến sĩ Fauci, người Mỹ vẫn cần phải đeo khẩu trang tới năm sau, ngay cả khi tình hình Covid-19 ở nước này có thể đạt "mức độ bình thường đáng kể" vào cuối năm nay. Tuy nhiên, Fauci cho biết thêm các biện pháp hạn chế nhằm ngăn đại dịch có thể ngày càng được nới lỏng khi có thêm nhiều loại vaccine hơn.

Theo Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Mỹ, đeo khẩu trang là biện pháp rất quan trọng để làm chậm sự lây lan của nCoV, thêm rằng khẩu trang có thể bảo vệ cả người đeo và những người xung quanh họ khỏi nguy cơ nhiễm virus.

Tuyên bố của chuyên gia dịch tễ hàng đầu nước Mỹ được đưa ra khi quốc gia này đã trải qua cuộc chiến chống đại dịch Covid-19 gần một năm và vẫn là vùng dịch lớn nhất thế giới.

Mỹ báo cáo số ca nhiễm mới nCoV đã giảm 5 tuần liên tiếp, song mức giảm này chưa hẳn phản ánh đúng thực tế, vì thời tiết mùa đông khắc nghiệt đã buộc các quan chức phải đóng cửa các trạm xét nghiệm, ảnh hưởng đến việc thu thập dữ liệu quan trọng.

Ấn Độ, vùng dịch lớn thứ hai thế giới, báo cáo thêm 13.980 ca nhiễm và 79 ca tử vong, nâng tổng số người nhiễm và chết vì nCoV lên lần lượt 11.005.071 và 156.418.

Bang Maharashtra phía tây của Ấn Độ hôm 21/2 thông báo sẽ áp đặt các hạn chế mới liên quan đến nCoV ở bốn quận do những lo ngại về làn sóng lây nhiễm lần hai và việc triển khai vaccine chậm trễ.

Lãnh đạo y tế bang Maharashtra Uddhav Thackeray cho biết số ca nhiễm mới hàng ngày ở nước này đã tăng từ khoảng 2.000 ca lên khoảng 7.000 ca hồi đầu tháng này. "Làn sóng lây nhiễm thứ hai đã và đang gõ cửa. Liệu nó có bùng phát hay không sẽ được xác nhận từ 8-15 ngày tới", Thackeray nói.

Bộ Y tế Ấn Độ cũng yêu cầu Maharashtra và một số bang khác theo dõi chặt chẽ các biến thể của nCoV. Một số nhà dịch tễ học cho rằng số ca nhiễm mới tăng đột biến hiện nay có thể là do các chủng mới gây ra.

Nhân viên lấy vaccine AstraZeneca/Oxford Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng tạm thời ở Hampshire, Anh, hôm 4/2. Ảnh: AFP.

Nhân viên lấy vaccine AstraZeneca/Oxford Covid-19 tại một trung tâm tiêm chủng tạm thời ở Hampshire, Anh, hôm 4/2. Ảnh: AFP.

Brazil, vùng dịch lớn thứ ba thế giới, ghi nhận thêm 498 người chết, nâng tổng số ca tử vong lên 246.504. Số ca nhiễm nCoV tăng 29.026 trong 24 giờ qua, lên 10.168.174.

Chính quyền Brazil đang hứng chỉ trích vì triển khai chiến dịch tiêm chủng vaccine Covid-19 chậm chạp và hỗn loạn. Một tháng sau khi triển khai, Brazil mới tiêm cho khoảng 6,2 triệu người trong 212 triệu dân.

Tổng thống Brazil Jair Bolsonaro kiên quyết không tiêm vaccine và bị cáo buộc "dẫn đầu chiến dịch chống tiêm chủng", bất chấp việc quốc gia này là nơi bắt nguồn một biến chủng nCoV mới dễ lây lan hơn.

Anh, vùng dịch lớn thứ năm thế giới, ghi nhận thêm 9.834 ca nhiễm và 215 trường hợp tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 4.115.509 và 120.580.

Thủ tướng Anh Boris Johnson dự kiến đưa ra kế hoạch giảm bớt phong tỏa vì Covid-19 vào ngày 22/2, trong một nỗ lực dần mở cửa lại nền kinh tế trị giá ba nghìn tỷ USD khi nước này đang triển khai những đợt tiêm chủng vaccine Covid-19 nhanh nhất trên thế giới.

Sau gần hai tháng sống dưới lệnh phong tỏa, Thủ tướng Anh có thể nới lỏng các biện pháp hạn chế theo từng giai đoạn, trong đó ưu tiên mở cửa trở lại trường học và các tiếp xúc xã hội ngoài trời.

Nước Anh đã tiến nhanh hơn phần lớn phương Tây để đảm bảo nguồn cung cấp vắc xin và đã nhanh chóng tiêm chủng cho người dân kể từ tháng 12, một chiến lược đã thúc đẩy thị trường đồng bảng Anh và chứng khoán tăng cao hơn với hy vọng kinh tế phục hồi.

Khoảng 17,6 triệu người trong tổng 67 triệu dân số của Anh đã được tiêm liều vaccine Covid-19 đầu tiên. Chính phủ nước này đặt mục tiêu hoàn tất tiêm liều vaccine đầu tiên cho tất cả người trưởng thành vào cuối tháng 7.

Pháp, vùng dịch lớn thứ sáu thế giới, ghi nhận thêm 22.046 ca nhiễm và 159 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm và tử vong lên lần lượt 3.605.181 và 84.306.

Hơn 3,3 triệu người Pháp đã tiêm vaccine Covid-19. Bộ Y tế yêu cầu cơ quan y tế khu vực và các bệnh viện "kích hoạt chế độ khủng hoảng" từ ngày 18/2, để chuẩn bị cho đợt gia tăng ca nhiễm do biến chủng virus dễ lây lan hơn. Chế độ này đòi hỏi tăng số giường bệnh hiện có, trì hoãn phẫu thuật không khẩn cấp và huy động mọi nhân sự y tế.

Đức, vùng dịch lớn thứ mười thế giới, hiện ghi nhận 2.394.515 ca nhiễm và 68.443 ca tử vong do nCoV, tăng lần lượt 6.098 và 100 trường hợp so với một ngày trước đó.

Các chuyên gia cảnh báo Đức có thể đối mặt làn sóng lây nhiễm Covid-19 lần ba do các biển chủng nCoV. Bất chấp các biện pháp hạn chế nghiêm ngặt, số ca nhiễm mới hàng ngày ở Đức gần như không giảm trong thời gian gần đây. Chuyên gia lo ngại điều này là do xuất hiện nhiều biến chủng virus dễ lây lan hơn.

Các trường học tại 10 bang của Đức sẽ mở cửa trở lại vào ngày 22/2, làm dấy lên cuộc tranh luận về việc liệu giáo viên và những người hoạt động trong ngành giáo dục có được ưu tiên tiêm chủng hay không. Thủ tướng Đức Angela Merkel và các quan chức liên bang trong cuộc họp gần đây đã yêu cầu Bộ Y tế kiểm tra liệu những người làm trong ngành giáo dục có thể được đưa vào danh sách ưu tiên tiêm vaccine hay không.

Tại Đông Nam Á, Indonesialà vùng dịch lớn nhất khu vực với 1.278.653 ca nhiễm, tăng 7.300, trong đó 34.489 người chết, tăng 173. Tuy nhiên, giới chuyên gia nhận định số ca nhiễm trên thực tế tại Indonesia có thể cao gấp 3 lần.

Indonesia đã triển khai chương trình tiêm chủng vaccine kể từ tháng 1, song nhiều nhóm địa phương đã từ chối tiêm, làm tăng thêm thách thức với chương trình tiêm chủng của chính phủ. Một nghiên cứu mới nhất chỉ ra rằng với tốc độ tiêm vaccine hiện tại, Indonesia sẽ mất hơn 10 năm để hoàn thành kế hoạch tiêm chủng.

Nước này hôm 17/2 đã khởi động chiến dịch tiêm chủng đại trà thứ hai, tập trung vào những người tiếp xúc nhiều với công chúng như người buôn bán ở chợ, giáo viên, cảnh sát, công chức và người trên 60 tuổi. Giai đoạn tiêm chủng đại trà đầu tiên ở Indonesia trước đó tập trung vào nhân viên y tế.

Philippines, vùng dịch lớn thứ hai Đông Nam Á, ghi nhận 561.169 ca nhiễm và 12.088 ca tử vong, tăng lần lượt 1.888 và 20 ca.

Từ vị trí một trong những quốc gia phát triển nhanh nhất châu Á trước đại dịch, Philippines phải hứng chịu đợt suy giảm kinh tế tồi tệ nhất vào năm 2020, do lệnh phong tỏa nghiêm ngặt buộc các doanh nghiệp đóng cửa và đẩy hàng triệu người vào cảnh thất nghiệp.

Tổng thống Rodrigo Duterte tuần này sẽ đưa ra quyết định về việc liệu có tiếp tục nới lỏng các biện pháp hạn chế ngăn Covid-19 ở thủ đô Manila, để cho phép nhiều hoạt động kinh tế hơn hay không.

Theo VNE

Các tin cũ hơn