'Ông Hai Nghĩa - người kiến tạo nền móng cải cách tư pháp'

Thứ bảy, 20/02/2021, 11:51
Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng "luôn trăn trở về quyền lợi của người dân, thấy người dân khiếu kiện ông rất xót xa, nên đã quyết liệt cải cách hệ thống tư pháp".

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng qua đời lúc 3h25 ngày 19/2, hưởng thọ 79 tuổi, tại nhà riêng ở ấp Lương Thuận, xã Lương Quới, huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre.

Nhắc đến ông, nhiều người từng trực tiếp làm việc đều bày tỏ sự kính trọng về nhiệt huyết, trách nhiệm và những đóng góp to lớn của ông trong công cuộc cải cách tư pháp; phòng, chống tham nhũng...

Ông Nguyễn Văn Quyền, Chủ tịch Hội luật gia Việt Nam, nguyên Phó trưởng ban Nội chính Trung ương, chia sẻ "những đóng góp của anh Hai Nghĩa (tên thường gọi của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng) trong lĩnh vực Nội chính đến nay vẫn để lại dấu ấn sâu đậm và còn nguyên giá trị".

Ông Trương Vĩnh Trọng đảm nhiệm cương vị Trưởng ban Nội chính Trung ương giai đoạn 2001 - 2007, và đã cùng với tập thể Ban trực tiếp tham mưu cho Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Trung ương Đảng nhiều chủ trương, chính sách lớn trong lĩnh vực được giao.

Năm 2002, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 08 về một số nhiệm vụ trọng tâm công tác tư pháp thời gian tới.

Nghị quyết này thẳng thắn nêu rõ "tình hình vi phạm pháp luật, tội phạm và các tranh chấp xảy ra nghiêm trọng, diễn biến phức tạp". Công tác tư pháp tuy đạt được nhiều kết quả..., nhưng chất lượng nói chung "chưa ngang tầm với yêu cầu và đòi hỏi của nhân dân; còn nhiều trường hợp bỏ lọt tội phạm, làm oan người vô tội, vi phạm các quyền tự do, dân chủ của công dân, làm giảm sút lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp"...

Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại một sự kiện ở TP HCM tháng 1/2020. Ảnh:Quỳnh Trần

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng tại một sự kiện ở TP.HCM tháng 1/2020. Ảnh:Quỳnh Trần

Từ xác định tình hình như trên, Nghị quyết 08 đề ra nhiều chủ trương lớn và nhiệm vụ trọng tâm lúc đó nhằm nâng cao chất lượng công tác điều tra; thúc đẩy viện kiểm sát các cấp thực hiện tốt chức năng công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật trong hoạt động tư pháp...

Nghị quyết nêu rõ "tăng cường công tác kiểm sát việc bắt, giam, giữ, bảo đảm đúng pháp luật; những trường hợp chưa cần bắt, tạm giữ, tạm giam thì kiên quyết không phê chuẩn lệnh bắt, tạm giữ, tạm giam".

Trên cơ sở của Nghị quyết này, Ban Nội chính Trung ương đã tham mưu cho Bộ Chính trị quyết định nhiều nội dung quan trọng trong các dự án luật liên quan đến lĩnh vực nội chính và cải cách tư pháp, như: Điều chỉnh chức năng của Viện kiểm sát nhân dân vào việc tập trung thực hiện quyền công tố và kiểm sát hoạt động tư pháp; chuyển giao nhiệm vụ quản lý Tòa án địa phương (từ Bộ Tư pháp) về Tòa án nhân dân tối cao; chủ trương tăng thẩm quyền xét xử cho Tòa án cấp huyện; thu gọn đầu mối các cơ quan điều tra; nâng cao chất lượng tranh tụng tại phiên tòa, đề cao vai trò của người bào chữa...

Ba năm sau khi Nghị quyết 08 được ban hành, Ban Nội chính Trung ương tiếp tục tham mưu để Bộ Chính trị ban hành nghị quyết 49 về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020.

"Khó khăn nhất với anh Hai Nghĩa cũng như chúng tôi ngày đó là làm sao giải trình để Bộ Chính trị đồng ý ban hành Nghị quyết 49, bởi mới trước đó đã ban hành Nghị quyết 08. Anh luôn trăn trở và nói với chúng tôi phải xây dựng Nghị quyết 49 đầy đủ, toàn diện hơn, đồng thời, phải trình bày, giải trình được những điểm mới với Bộ Chính trị", ông Quyền nhớ lại.

Với tinh thần quyết tâm, Ban Nội chính Trung ương đã chủ trì xây dựng nghị quyết 49 đầy đủ, đề cập nhiều nội dung trong công cuộc cải cách tư pháp đặt ra thời gian đó, như: Xây dựng thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật; xây dựng tổ chức bộ máy, chức năng nhiệm vụ và giám sát hoạt động tư pháp...

Nhờ sự chuẩn bị công phu, tâm huyết của ông Trương Vĩnh Trọng và tập thể Ban Nội chính Trung ương nên nghị quyết đã được Bộ Chính trị đồng ý ban hành. Nhiều tư tưởng mới được đưa vào nghị quyết, như khẳng định trọng tâm trong việc xét xử là căn cứ vào tranh tụng tại tòa và chứng cứ. Từ đó, vai trò của luật sư được nâng lên so với trước đây, trách nhiệm của cơ quan điều tra được làm rõ. Vị thế của khối tư pháp được xác định rõ hơn, cơ sở vật chất, nguồn lực được đầu tư nhiều hơn.

"Nghị quyết 49 cũng là cơ sở để thành lập Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, do Chủ tịch nước làm trưởng ban hoạt động từ đó đến nay. Đến bây giờ, nhiều tư tưởng của nghị quyết vẫn đang phát huy hiệu quả", ông Quyền nói và khẳng định, "công cuộc cải cách tư pháp ở Việt Nam có dấu ấn sâu đậm của anh Hai Nghĩa".

Theo Chủ tịch hội Luật gia Việt Nam, đóng góp lớn thứ hai của nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng là về phòng, chống tham nhũng. Ông Hai Nghĩa đã cùng tập thể Ban Nội chính Trung ương tham mưu, xây dựng, trình Bộ Chính trị báo cáo Ban chấp hành Trung ương (tại Hội nghị lần thứ 3, khóa X, năm 2006) ban hành Nghị quyết về "tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng, chống tham nhũng, lãng phí". Đây là nghị quyết chuyên đề đầu tiên về lĩnh vực này.

Nghị quyết nêu mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, lãng phí; tạo bước chuyển biến rõ rệt để giữ vững ổn định chính trị, phát triển kinh tế - xã hội; củng cố lòng tin của nhân dân; xây dựng Đảng, Nhà nước trong sạch, vững mạnh; đội ngũ cán bộ, công chức kỷ cương, liêm chính...

"Nghị quyết này là một trong những cơ sở để về sau thành lập Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, trực thuộc Bộ Chính trị, đến nay vẫn hoạt động rất hiệu quả", ông Nguyễn Văn Quyền nhận định.

Theo ông Quyền, cùng với việc đề xuất ban hành nghị quyết quan trọng nêu trên, ông Hai Nghĩa cũng là người được giao chủ trì chỉ đạo giải quyết rất nhiều vụ án lớn lúc đó, như vụ án Năm Cam, vụ Vũ Xuân Trường, vụ Lã Thị Kim Oanh, vụ PMU18...; một số vụ việc liên quan đến an ninh, trật tự xảy ra tại Tây Nguyên, Tây Nam Bộ.

Nguyên Phó thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn đoàn khách đến từ TP HCM thăm khu vườn cây ăn trái tại nhà ở Bến Tre, năm 2018. Ảnh: Hữu Khoa

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng dẫn đoàn khách đến từ TP.HCM thăm khu vườn cây ăn trái tại nhà ở Bến Tre, năm 2018. Ảnh: Hữu Khoa

Bà Lê Thị Thu Ba - nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội, nhận định ông Hai Nghĩa là người góp phần quan trọng kiến tạo nền móng của cải cách tư pháp ở Việt Nam, tính từ những năm đầu thập niên 2000.

"Anh Trương Vĩnh Trọng luôn biết lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học và mọi người, nên đã tham mưu xây dựng được nghị quyết có tầm quan trọng", bà Thu Ba nói và cho rằng những tư tưởng trong nghị quyết 49 là tiền đề quan trọng để sửa đổi Hiến pháp năm 2013 với nhiều điểm tiến bộ, nhất là về cải cách tư pháp; xác định tư pháp độc lập; xác định quyền lực nhà nước là thống nhất, có sự phân công, phối hợp, kiểm soát giữa các cơ quan nhà nước trong việc thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp, tư pháp...

"Khi còn đương chức, điều trăn trở nhất của anh Trương Vĩnh Trọng là về quyền lợi của người dân. Nhìn thấy cảnh bà con đi khiếu kiện, ông rất xót xa. Những trăn trở ấy thôi thúc, khiến ông quyết tâm cải cách tư pháp, khiến ông đau đáu việc làm sao nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ tư pháp, để người dân được tôn trọng, được hài lòng", bà Thu Ba nhớ lại.

Ông Đỗ Ngọc Thịnh - Chủ tịch liên đoàn Luật sư Việt Nam, nhớ về anh Hai Nghĩa là tấm gương mẫu mực trong công việc.

"Ông không chỉ thể hiện sự nhiệt tình, trách nhiệm mà luôn tỏa sáng bằng tấm lòng chân thành với công việc được giao, nên quy tụ được đội ngũ cán bộ, chuyên gia để đóng góp vào công việc chung của đất nước", ông Thịnh bày tỏ.

Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng cũng là người đã chỉ đạo thành lập Liên đoàn Luật sư Việt Nam năm 2009, góp phần quan trọng thúc đẩy sự phát triển của đội ngũ luật sư và nghề luật sư.

"Bằng tấm lòng trong sáng, vì việc công, ông đã góp phần quan trọng xây dựng đội ngũ luật sư, tạo cơ hội cho những người luật sư hành nghề chân chính, có thể mưu sinh, đóng góp cho đất nước", ông Thịnh bày tỏ.

Hay tin ông Hai Nghĩa từ trần, từ sáng sớm 19/2, căn nhà riêng của gia đình ở xã Lương Quới (huyện Giồng Trôm) đã có hàng trăm người đến viếng.

Ông Chín Phương (Võ Thanh Phương, 62 tuổi), một hàng xóm đã có hơn 40 năm gắn bó với ông Hai Nghĩa nhớ lại, ông Hai với người dân Lương Quới thân thiết như là người cha, người chú trong gia đình. Trước đây, do điều kiện công tác nên hai người ít khi gặp nhau. Sau khi về hưu, ông Hai Nghĩa sống cùng vợ tại căn nhà riêng ở quê nhà, hai người con ông kinh doanh tại TP.HCM vẫn đi lại thường xuyên thăm nom. 10 năm nay, ông dành nhiều thời gian uống trà, gặp gỡ nói chuyện với bà con trong xóm ấp.

Ông Hai Nghĩa còn là một nông dân chính hiệu, hơn 5.000m2 vườn nhà luôn rợp bóng bưởi, cam, chuối, mảng cầu xanh tốt, dưới ao cá luôn sẵn có. Buổi sáng, ông Hai Nghĩa ăn đạm bạc, thường là cơm nguội hâm lại với cá kho. Những ngày sức khỏe đã yếu dần, ông vẫn lạc quan, vui vẻ, thường ra vườn chăm sóc cây cối. Ông bảo mình sống không được bao lâu nữa, còn thời gian lúc nào thì tranh thủ làm, không để lãng phí.

"Nhà ở kế bên nên tôi thường qua uống trà với chú. Ba tháng trước, có lần ngồi ăn sáng, chú gắp hết thịt trong tô mì bỏ qua cho tôi, nói tụi con ăn đi, chú lớn rồi ăn ít lắm", ông Chín cảm động nhớ lại.

Những khi đi đâu gặp giống cây tốt, ông hay mua về tặng bà con hàng xóm mỗi người vài nhánh. Đặc biệt, mỗi khi Tết về, ông tự tay trồng hoa rồi mang đến từng nhà tặng cho hàng xóm.

"Sau thời gian điều trị bệnh, cách đây khoảng 20 ngày, từ TP.HCM chú về lại nhà một hôm, bảo lần này chú về là để từ biệt, vì sợ bà con không có điều kiện đến thành phố thăm chú được. Đó là lần cuối cùng hai chú cháu gặp nhau", ông Chín kể.

Ông Nguyễn Huỳnh Phụng, Chủ tịch xã Lương Quới chia sẻ, thời gian về hưu, ông Hai Nghĩa vẫn tích cực tham gia các hoạt động xã hội hỗ trợ địa phương, vận động kinh phí xây đường, trường, trạm, kinh phí hỗ trợ người nghèo, xây nhà tình thương.

"Ông luôn gần gũi địa phương, quan tâm nhắc nhở anh em cán bộ phải tận tâm làm tốt công tác để người dân được lợi", ông Phụng nói.

Lễ tang Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng được tổ chức theo nghi thức cấp Nhà nước. Ban lễ tang gồm 21 thành viên, do Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh làm trưởng ban.

Linh cữu Nguyên Phó Thủ tướng Trương Vĩnh Trọng quàn tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre.

Để phòng chống Covid-19, lễ viếng ông được tổ chức đồng thời tại hội trường lớn UBND tỉnh Bến Tre từ 8h đến 19h ngày 21/2; tại Nhà tang lễ quốc gia (số 5, Trần Thánh Tông, Hà Nội), từ 8h đến 11h ngày 21/2. Lễ truy điệu vào 9h ngày 22/2 tại hội trường UBND tỉnh Bến Tre; lễ an táng cùng ngày tại nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Bến Tre


Theo VNE

Các tin cũ hơn