Chia sẻ tầm nhìn vào những ngày đầu năm với Zing, Bộ trưởng Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT) Nguyễn Chí Dũng nhiều lần nhắc đến cụm từ “cuộc chơi mới” để nói về cơ hội của Việt Nam trong thời gian tới. “Cuộc chơi mới” vừa là cơ hội, cũng vừa là thách thức để Việt Nam vươn lên, từ vị thế một nước có thu nhập trung bình thấp như hiện tại.
Ông nói rằng "cuộc chơi mới" sẽ mang đến "thời cơ mới" mà Việt Nam không thể bỏ lỡ, không đứng ngoài, không đi sau. Do đó, việc biến thách thức thành cơ hội, hay chắt chiu những cơ hội dù là nhỏ nhất để vươn lên là nhiệm vụ quan trọng không chỉ của ngành KHĐT mà còn cả những nhà quản lý, hoạch định chính sách trong thời gian tới.
Nếu chắt chiu những cơ hội, Việt Nam không chỉ phá được “bẫy thu nhập trung bình”, đưa đất nước phát triển nhanh, mà còn có thể vươn lên trở thành nước phát triển trong tương lai.
Bước sang năm mới Tân Sửu, cũng là đầu năm 2021, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói rằng thách thức có nhiều, nhưng cơ hội cũng không ít, vấn đề là việc tận dụng cơ hội, biến thách thức thành cơ hội ra sao.
Nói về các thách thức, ông cho rằng bối cảnh thế giới còn nhiều bất định, dịch Covid-19 vẫn còn diễn biến khó lường. Trong khi đó, căng thẳng thương mại, địa chính trị vẫn còn phức tạp. Nhiều quốc gia bị thâm hụt ngân sách, nợ công tăng cao làm gia tăng rủi ro, có thể dẫn đến khủng hoảng tài chính trong tương lai.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng. Ảnh: Hiếu Công. |
Thế và lực của Việt Nam dù đã lớn mạnh hơn, nhưng nguy cơ rơi vào “bẫy thu nhập trung bình” vẫn còn hiện hữu. Nền kinh tế còn nhiều nút thắt trong phát triển, chưa thực sự được giải phóng, khơi thông, năng lực cạnh tranh vẫn ở mức trung bình trên thế giới, nhất là các chỉ số quan trọng, ảnh hưởng đến sự phát triển trong tương lai.
Một thách thức là sự cạnh tranh giữa các đô thị ngày càng lớn, nhất là cạnh tranh trong việc trở thành các trung tâm tài chính, trung tâm khởi nghiệp, trung tâm đổi mới sáng tạo. Trong khi đó, các vấn đề về xã hội gây áp lực lớn đến sự phát triển như già hóa dân số, chênh lệch giàu nghèo, chênh lệch trình độ phát triển, vấn đề khai thác tài nguyên thiên nhiên…
Cuối cùng, ông nhấn mạnh đến những thách thức của biến đổi khí hậu tăng lên, nhất là việc Việt Nam được dự báo là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng tiêu cực nhất của biến đổi khí hậu và nước biển dâng.
|
Tuy nhiên, người đứng đầu ngành KHĐT nhấn mạnh đi kèm thách thức là những cơ hội, đặc biệt khi thế giới đang bước vào một "cuộc chơi mới", mà ông gọi đó là “thời cơ mới”.
Việt Nam đang đứng trước một bối cảnh phát triển mới, đặc biệt là bối cảnh hậu dịch Covid-19. Ông cho rằng qua dịch Covid-19 đã thấy rõ thách thức đi kèm cơ hội khi có sự thay đổi về cấu trúc kinh tế thế giới, xu hướng dịch chuyển đầu tư, sản xuất. Việt Nam có thể tận dụng những xu hướng mới này để vươn lên.
"Cuộc chơi mới" còn là Cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, ở đó Việt Nam có thể đi nhanh bắt kịp với các quốc gia phát triển. Ngoài ra, Việt Nam còn có cơ hội mạnh mẽ từ 13 hiệp định thương mại tự do, và cơ hội từ thời kỳ dân số vàng…
“Thời cơ mới đang tạo ra cơ hội rất lớn trong việc chuyển đổi mô hình tăng trưởng, chuyển đổi số, chuyển đổi phát triển nhanh, bền vững và bao trùm. Do đó, phải hành động nhanh, mạnh mẽ và quyết liệt để không bỏ lỡ cơ hội, dù là nhỏ nhất”, ông nói.
Để tận dụng được “thời cơ mới”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng cần có một tư duy mới, cách tiếp cận mới, bắt kịp xu thế của thời đại. Phải thay đổi tư duy quản lý từ chủ yếu là kiểm soát, cho phép (tiền kiểm), sang chủ yếu là phục vụ, thúc đẩy (hậu kiểm). Qua đó phải bảo vệ những người dám nghĩ, dám làm.
Bộ trưởng nhấn mạnh thời gian luôn là vàng, cũng vừa là kẻ thù. “Muốn đi nhanh thì phải có chính sách đúng đắn. Không thể để một lần nữa là đứng ngoài, đi sau, đi theo một cuộc chơi mới, sân chơi mới, một cuộc chơi mới sắp diễn ra”, ông nói.
Thời gian tới, Bộ KHĐT, với tư cách là một cơ quan tham mưu tổng hợp của Chính phủ, sẽ kiên trì, tiên phong và đẩy nhanh thông điệp cải cách, nghiên cứu định hướng chính sách tái cơ cấu nền kinh tế, hoàn thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, đẩy nhanh chuyển đổi số, đổi mới sáng tạo, tranh thủ nguồn lực con người để phát triển đất nước.
Người đứng đầu ngành KHĐT cũng cho rằng phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, đổi mới mô hình tăng trưởng, nhấn mạnh đến đổi mới sáng tạo, khoa học công nghệ là động lực quan trọng. Việt Nam cần quan tâm đến nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, tính tự chủ và cạnh tranh của nền kinh tế.
Việc hoàn thiện các khuôn khổ pháp lý về các loại hình kinh tế mới, kinh tế số, kinh tế chia sẻ, kinh tế ban đêm, sắp tới là kinh tế tuần hoàn cũng sẽ được quan tâm. Ngoài ra, phải có chính sách khuyến khích để doanh nghiệp quan tâm đến đổi mới sáng tạo, đẩy nhanh chuyển đổi số.
Bộ trưởng cho rằng trong năm 2021, chuyển đổi số sẽ được quan tâm đặc biệt, không chỉ phạm vi quốc gia mà còn ở tầm doanh nghiệp.
Để tận dụng “thời cơ mới”, thì cần tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư kinh, chú trọng phát triển doanh nghiệp tư nhân Việt Nam, làm sao trở thành động lực cho tăng trưởng và phát triển. Ông cho rằng cần xem xét định hướng lại việc phát triển doanh nghiệp tập trung vào một số lĩnh vực trọng yếu nào, loại hình ra sao trong bối cảnh hiện nay.
Ông cũng đề xuất cần có chương trình khuyến khích các chuyên gia, cán bộ quản lý đang làm việc ở doanh nghiệp nước ngoài tại Việt Nam tách ra thành lập doanh nghiệp của Việt Nam. Bộ trưởng cho rằng đội ngũ này là những người có kinh nghiệm, kiến thức, vận hành được các dây chuyền công nghệ, có mối quan hệ kinh doanh… Khi họ lập doanh nghiệp sẽ đi nhanh nhất và dễ thành công.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đóng vai trò rất quan trọng trong việc nắm bắt "thời cơ mới". Ảnh: Việt Hùng. |
Người đứng đầu ngành KHĐT cũng nói đến tầm quan trọng của việc lập quy hoạch trong việc nắm bắt “thời cơ mới”. Việc đẩy nhanh tiến độ lập quy hoạch sẽ giúp huy động và phân bổ nguồn lực một cách hiệu quả nhất.
Bộ trưởng cho biết Bộ KHĐT đã tham mưu Chính phủ từ nay đến năm 2025, phải cố gắng hoàn thành toàn bộ tuyến cao tốc Bắc - Nam từ Lạng Sơn đến Cà Màu. Ngoài ra, phải hoàn thành một số đoạn đường ven biển quan trọng như đoạn từ Quảng Ninh đến Nghệ An, từ Tiền Giang đến Kiên Giang bao bọc Đồng bằng sông Cửu Long.
Việc hoàn thành những tuyến đường này sẽ giúp các tỉnh ứng phó biến đổi khí hậu và mở rộng thêm không gian phát triển.
|
“Việc hoàn thiện các tuyến đường trên là nhiệm vụ khó khăn nhưng không thể chậm trễ hơn. Các địa phương cũng cần đầu tư tập trung, không dàn trải, ra tấm ra món, lan tỏa hiệu quả”, ông chia sẻ.
Cuối cùng, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng vẫn cần tiếp tục nâng cao hiệu quả và phát triển nguồn nhân lực, đổi mới sáng tạo, tận dụng cơ hội của thời kỳ dân số vàng. “Cơ hội vàng chỉ còn 10 năm, nếu không tận dụng sẽ rơi vào cảnh già hóa dân số, đất nước chưa giàu đã già, mất hết cơ hội của đất nước”, ông chia sẻ.
Theo Zing