Ấn tượng Việt Nam 2020

Thứ năm, 11/02/2021, 08:33
“Việt Nam - Một ngoại lệ trong đại dịch Covid-19”, “Việt Nam - Điều thần kỳ mới của châu Á?”. Đó là hai tiêu đề nổi bật trên Asia Times của Hồng Kông và New York Times của Mỹ, trong hàng loạt bài viết mà giới truyền thông quốc tế nhìn về thành quả ấn tượng của Việt Nam trong phát triển kinh tế và phòng chống đại dịch năm 2020.

Nhưng, với Việt Nam năm qua, nói về thử thách, Covid-19 là chưa đủ. Dồn dập những cơn bão dị thường, những trận lũ quét và sạt lở đất khốc liệt đè nặng thêm nỗ lực phục hồi.

“Nhưng, những lúc khó khăn nhất, gai góc nhất là dịp để mỗi chúng ta thể hiện bản sắc của tinh thần dân tộc, sự đoàn kết, 'đồng thanh tương ứng, đồng khí tương cầu', tô điểm cho bản lĩnh, ý chí, khí chất của con người Việt Nam”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhìn lại, khi phát biểu tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020.

Ngày 23/01/2020, Việt Nam phát hiện ca nhiễm Covid-19 đầu tiên. Ngay lập tức, Thủ tướng Chính phủ có công điện hỏa tốc triển khai các biện pháp chủ động kiểm soát và ngăn chặn.

“Ngày 28 Tết, khi mà cả nước đang chuẩn bị đón năm mới, Thường trực Chính phủ họp khẩn. Chính phủ đã vào cuộc rất nhanh. Vì chúng ta biết hệ lụy và sức chống đỡ của mình thế nào nếu để dịch lây lan trong cộng đồng. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc quyết liệt ngay từ đầu”, TS. Nguyễn Đức Kiên, Tổ trưởng Tổ Tư vấn Kinh tế của Thủ tướng nhìn nhận khi trao đổi với BizLIVE.

Với thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19, theo tất cả các chuẩn mực, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng Covid-19.

Báo cáo của World Bank

Chủ động và quyết liệt, Việt Nam từng bước đúc kết kinh nghiệm, củng cố các giải pháp đề lần lượt vượt qua các biến cố như tại Hạ Lôi, tại Bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng… Cả nước đã trải qua hai làn sóng bùng phát Covid-19 trong cộng đồng, gắn với giãn cách xã hội từ cuối tháng 1 đến tháng 4, trong tháng 7 và 8, để rồi thiết lập được trạng thái bình thường mới. Không những thế, hàng trăm chuyến bay đã được triển khai để đón công dân Việt Nam về nước an toàn.

“Vô cùng hiệu quả”, “đáng kinh ngạc”, “ngọn hải đăng Việt Nam”…, truyền thông quốc tế đã ấn tượng như vậy khi viết về kết quả phòng chống dịch của Việt Nam. Nhiều tổ chức quốc tế đánh giá Việt Nam là một hình mẫu trước thử thách này.

Tại một diễn đàn cuối năm 2020, ông Jacques Morriset, Chuyên gia Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), cho rằng Chính phủ Việt Nam ngay từ đầu đã biết cần phải làm gì, đã xây dựng ban chỉ đạo ngay từ đầu tháng 2/2020. Ngoài ra, năng lực cũng đóng vai trò rất quan trọng, và Việt Nam sẵn sàng phân bổ các nguồn lực tài chính để giải quyết khủng hoảng này.

Ông Morriset đánh giá cao việc Chính phủ Việt Nam có nhiều cơ chế để báo cáo số liệu ca nhiễm cũng như ca tử vong gần như theo thời gian thực, qua đó tạo minh bạch và đẩy mạnh chia sẻ thông tin. Việt Nam cũng đã sử dụng tốt các nền tảng điện tử, nền tảng số để tạo ra động lực tốt trong cuộc chiến chống dịch Covid-19.

“Sự kết hợp của các yếu tố động lực và chế tài rất quan trọng giúp thay đổi hành vi của người dân trong thời kỳ bình thường mới. Nhờ vậy công tác chống dịch của Việt Nam đã vô cùng hiệu quả”, ông Morriset nói.

Kiểm soát dịch hiệu quả, Việt Nam hoàn tất mục tiêu kép năm qua với tăng trưởng GDP đạt 2,91%, trở thành điểm sáng trong bức tranh kinh tế toàn cầu.

Kết quả ấn tượng đó gắn với các cân đối vĩ mô cơ bản được giữ ổn định; lạm phát kiểm soát trong mục tiêu; xuất siêu cao nhất trong 5 năm; dự trữ ngoại hối quốc gia liên tiếp nâng kỷ lục; đầu tư công trở thành động lực mạnh nhất 10 năm; cân đối ngân sách vẫn được đảm bảo…

Đặc biệt, 2020 đánh dấu một năm nổi bật vị thế Việt Nam trên thế giới, khi đảm nhiệm thành công vai trò Chủ tịch ASEAN 36 và Chủ tịch AIPA 41; tích cực triển khai Hiệp định CPTPP; mở loạt “đường cao tốc” hội nhập qua ký kết Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA), Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực RCEP, Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - Vương quốc Anh (UKVFTA).

Với những thành quả đó, tại Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương ngày 28/12/2020, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc khẳng định: Việt Nam đã đạt được mục tiêu kép trong phòng chống Covid-19 và duy trì tăng trưởng kinh tế.
“Mức độ thành công được xác định không chỉ bởi những gì chúng ta đã đạt được, mà bởi cả những trở ngại chúng ta đã vượt qua. Năm 2020 phải được xem là năm thành công nhất của nước ta trong 5 năm qua về tinh thần và ý chí vươn lên trong mọi khó khăn, thử thách”, Thủ tướng nói.

Trước đó, trong báo cáo công bố ngày 21/12/2020, WB cũng nhấn mạnh rằng: “Nền kinh tế Việt Nam đã đạt được kết quả vững chắc, trái ngược hoàn toàn với những diễn biến kinh tế ảm đạm đang ảnh hưởng đến thế giới. Với thành tích gần như độc nhất vô nhị trong khủng hoảng Covid-19, theo tất cả các chuẩn mực, Việt Nam đã và đang kiểm soát rất tốt khủng hoảng Covid-19”.

Không phải đến kết năm, ngay ở thời điểm Việt Nam vừa trải qua hai làn sóng Covid trong cộng đồng, tháng 8/2020, Tạp chí The Economist đã xếp Việt Nam trong Top 16 nền kinh tế mới nổi thành công nhất thế giới. Hai tháng sau, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng xếp nền kinh tế Việt Nam đứng thứ 4 khu vực Đông Nam Á, vượt Singapore và Malaysia.

Và gần đây nhất, Báo cáo Thương hiệu Quốc gia năm 2020 (Nation Brands 2020) của hãng định giá thương hiệu Anh quốc Brand Finance xác định giá trị thương hiệu quốc gia của Việt Nam đã tăng 29% so với năm 2019, lên mức 319 tỷ USD. Theo đó, Việt Nam đã tăng 9 bậc lên vị trí thứ 33 trong Top 100 thương hiệu quốc gia giá trị nhất thế giới.

Mặc dù bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng của Covid-19 nhưng Việt Nam vẫn là một trong số ít những nền kinh tế có tăng trưởng dương. Đây là điểm sáng. Điều quan trọng hơn đằng sau điểm sáng ấy cho thấy được sức chống chịu của nền kinh tế Việt Nam trước một cú sốc lớn.

Có bốn nhân tố quan trọng tạo ra được sức chống chịu ấy.

Thứ nhất, nhiều năm qua Việt Nam đã nỗ lực để ổn định kinh tế vĩ mô và chính điều này là nền tảng tốt cho khả năng chống chịu; lạm phát tương đối thấp, dự trữ ngoại tệ tăng cao, thâm hụt ngân sách còn nhưng đã bắt đầu có dự phòng ngân sách…

Bên cạnh đó, Việt Nam có khu vực nông nghiệp vừa tiếp tục khả năng sản xuất đảm bảo nhu cầu thiết yếu trong đại dịch, vừa là bệ đỡ cho lực lượng lao động phi chính thức. Ngoài ra, dung lượng của thị trường nội địa đã khá lớn, khi khả năng chống dịch tốt là điều kiện để cho sản xuất kinh doanh phục vụ trong nước tiếp tục.

Thứ hai, Việt Nam về cơ bản đã khống chế dịch tương đối tốt. Điều này thể hiện ở điểm ngay từ đầu mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của người dân đã được đặt lên hàng đầu và được coi như một tiền đề quan trọng để đời sống, tiêu dùng, sản xuất kinh doanh có thể vận hành được một cách tương đối bình thường.

Thứ ba là sự linh hoạt, khả năng chuyển đổi của doanh nghiệp Việt. Đại đa số doanh nghiệp vẫn cầm cự, bươn chải và sống sót, có khả năng cải tổ lại mình để chờ đón thời gian phục hồi, bắt nhịp với xu thế mới tốt hơn.

Thứ tư là vấn đề hỗ trợ chính sách, Chính phủ và nhiều bộ ngành đã vào cuộc từ sớm, đưa ra các chính sách hỗ trợ rất kịp thời và khá cụ thể. Tuy nhiên, đáng tiếc là việc thực thi chưa được quyết liệt, đồng bộ và còn rất chậm. Đây là một bài học khá đau xót, việc thực thi chậm làm giảm rất nhiều ý nghĩa của việc hỗ trợ chính sách này.

Việt Nam được đánh giá là đã xử lý cuộc khủng hoảng Covid-19 tốt hơn hầu hết các quốc gia khác trên toàn cầu. Cách Việt Nam xử lý khủng hoảng cũng đồng nghĩa với việc nhiều dự báo cho rằng khi thế giới thoát ra khỏi khủng hoảng, Việt Nam sẽ là một hình ảnh đại diện từ những điều chúng ta đã làm xuyên suốt mùa dịch. Điều này còn được thể hiện qua những dự báo kinh tế khả quan cho năm tới.

Mặc dù Việt Nam là một ngôi sao sáng về tăng trưởng, tôi nhìn thấy một số rủi ro cho Việt Nam nếu chúng ta không kịp thời hành động và nắm bắt thời cơ.

Thứ nhất là mặc dù đã có nhiều tiến bộ đáng được ghi nhận, Chính phủ cần tiếp tục đẩy mạnh việc cổ phần hóa các công ty nhà nước. Bởi nguy cơ cổ phần hóa tiến triển chậm rất có thể là một yếu tố làm giảm khả năng tăng trưởng của Việt Nam trong tương lai.

Thứ hai, theo World Bank, đầu tư cơ sở vật chất tính theo phần trăm GDP của Việt Nam nằm trong nhóm thấp nhất khu vực ASEAN. Điều này tạo ra những thách thức đối với sự phát triển liên tục của các dịch vụ cơ sở hạ tầng hiện đại cần thiết cho giai đoạn tăng trưởng tiếp theo.

Thứ ba, đầu tư trực tiếp nước ngoài FDI tăng trưởng bền vững là một trong những điểm đáng tự hào, nhưng sẽ tốt hơn rất nhiều nếu Việt Nam cải thiện được các thủ tục thuế quan và hành chính vốn đang là yếu tố cản trở sự phát triển của khu vực này.

Cuối cùng là vấn đề tăng trưởng bền vững. Nhu cầu cấp thiết là phải đẩy nhanh quá trình chuyển đổi năng lượng sạch. Điều tích cực là Chính phủ đã nhận thức tầm quan trọng của vấn đề và đang nỗ lực giảm thiểu tác động của tăng trưởng lên môi trường và thích ứng với biến đổi khí hậu một cách hiệu quả.

Đối mặt với đại dịch Covid-19, tôi cho rằng Việt Nam có mức tăng trưởng đáng nể và là một trong số các quốc gia hiếm hoi trên thế giới có GDP tăng trưởng dương trong năm nay. Thành tựu này phần lớn là nhờ nỗ lực tích cực nhằm kiểm soát đại dịch của Chính phủ và quy trình truy vết hiệu quả được áp dụng ngay từ những ngày đầu. Việc này cũng đã giúp người dân Việt Nam trở thành một trong những người tiêu dùng tự tin và lạc quan nhất thế giới, từ đó dẫn đến sự hồi phục mạnh mẽ của nền kinh tế.

Thế giới đã ca ngợi rất nhiều và sẽ tiếp tục ca ngợi thành công của Việt Nam trong việc ngăn chặn các ca lây nhiễm và tử vong bởi Covid-19 trong cộng đồng. Các hoạt động kinh tế tích cực chắc chắn sẽ phản ánh thành công này.

Chính phủ đã thực hiện rất tốt công việc việc kiểm soát Covid-19 và kết quả là người dân Việt Nam có thể thụ hưởng một nền kinh tế tương đối bình ổn và đang phát triển, chỉ ngoại trừ một số lĩnh vực bị ảnh hưởng nặng nề trên toàn thế giới.

Tôi cho rằng Chính phủ nên mở rộng thêm nguồn lực nhằm hỗ trợ các lĩnh vực này, chẳng hạn như ngành hàng không và các doanh nghiệp thuộc ngành du lịch.

Tôi cũng nghĩ rằng các khoản đầu tư tích cực vào cơ sở hạ tầng tận dụng lợi thế lãi suất thấp sẽ giúp nền kinh tế tiếp tục ổn định và tăng trưởng, đồng thời giúp tạo ra công ăn việc làm thay thế cho người lao động bị mất việc trong các lĩnh vực bị ảnh hưởng bởi Covid-19.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn