Ủy ban Thường vụ Quốc hội Trung Quốc hôm 22/1 thông qua Luật Hải cảnh.
Theo dự luật được công bố trước đó, lực lượng hải cảnh Trung Quốc được phép sử dụng "mọi phương tiện cần thiết" để ngăn ngừa hoặc ngăn chặn các mối đe dọa từ tàu nước ngoài.
Luật cũng nêu rõ từng trường hợp hải cảnh có thể sử dụng những loại vũ khí khác nhau, bao gồm vũ khí cầm tay, phóng từ tàu hay từ trên không.
Ngoài ra, lực lượng hải cảnh Trung Quốc cũng sẽ được phép phá hủy các công trình do những nước khác xây dựng trên các bãi đá ngầm mà Bắc Kinh có yêu sách chủ quyền cũng như lên tàu nước ngoài kiểm tra. Luật Hải cảnh mới cho phép Bắc Kinh tạo ra các vùng cấm tạm thời trên biển "khi cần thiết" để ngăn chặn tàu bè và công dân nước khác đi vào các khu vực đó.
Phức tạp hóa thêm tình hình Biển Đông
Các chuyên gia đều nhất trí rằng động thái mới của Trung Quốc có thể làm phức tạp hóa thêm tình hình tại những vùng biển có tranh chấp như Biển Đông.
Trao đổi với VTC News, ông Gregory Poling - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ) cho biết hầu hết các lực lượng hải cảnh, tuần duyên các nước đều có quy định cho phép sử dụng vũ khí trong trường hợp cần thiết. Vấn đề ở đây là Trung Quốc xác định vùng biển của mình một cách rất mơ hồ.
Gregory Poling - chuyên gia Trung tâm Nghiên cứu quốc tế và chiến lược (CSIS-Mỹ). (Ảnh: Rappler)
"Mục tiêu của luật này là tăng cường quyền kiểm soát với Trung Quốc đối với các vùng biển tranh chấp", ông Poling cho hay.
Tiến sĩ Hosoda Takashi, chuyên gia an ninh châu Á tại Đại học Charles (CH Séc) và là nhà nghiên cứu tại Trung tâm Đối ngoại Tokyo (Nhật Bản) chú ý tới hai điểm trong dự luật.
Thứ nhất, Luật Hải cảnh cho phép Trung Quốc hoặc yêu cầu tàu nước ngoài bị cho là xâm nhập trái phép cái Trung Quốc gọi là lãnh hải của mình phải rời đi. Điều này đồng nghĩa Trung Quốc có thể dừng, di chuyển hoặc kéo các tàu hải quân Mỹ nếu các tàu này đi vào cái gọi là “đường 9 đoạn” Trung Quốc tự vẽ ra mà không được quốc gia nào thừa nhận.
Ông Takashi nhận định đây đều là các kịch bản xấu có thể làm leo thang nghiêm trọng căng thẳng trong khu vực. Tuy nhiên, vị chuyên gia nhấn mạnh việc xây dựng luật và thực thi luật là khác nhau. Nó phụ thuộc vào tính toán liên quan tới các yếu tố trong nước, môi trường an ninh quốc tế….
Về thời điểm Trung Quốc thông qua dự luật ngay sau lễ nhậm chức của ông Biden, ông Takashi cho rằng việc công bố nó phụ thuộc nhiều vào quy trình xây dựng luật trong nước của Trung Quốc thay vì các sự kiện bên ngoài.
"Tuy nhiên, việc Trung Quốc công bố luật này vào thời điểm hiện tại cũng có thể xuất phát từ hai yếu tố. Một mặt, Bắc Kinh muốn tránh leo thang thêm căng thẳng với chính quyền Trump và chờ đợi ông rời nhiệm sở. Mặt khác, Trung Quốc cũng muốn cảnh báo chính quyền mới của ông Biden ngừng can thiệp", ông Takashi nêu quan điểm.
Theo ông Takashi, mặc dù giới chức Trung Quốc luôn nhìn nhận sự bắt đầu của một chính quyền mới là cơ hội thiết lập lại quan hệ song phương, thông điệp mà Bắc Kinh “gửi gắm” thông qua luật mới cho thấy sự tự tin ngày càng gia tăng của Trung Quốc trong việc sử dụng quyền lực cứng, bao gồm cả quân sự và kinh tế.
Ngoài ra Bắc Kinh dường như cũng đang muốn chứng minh rằng họ vẫn có thể giữ mọi thứ ở trạng thái bình thường trong bối cảnh cạnh tranh giữa các nước lớn và đại dịch COVID-19.
Chia sẻ cùng quan điểm, ông James Kraska - chuyên gia Luật Hàng hải quốc tế từ Trung tâm Luật quốc tế Stockton (Đại học Hải chiến Mỹ) nhận định luật này là một phép thử đối với cách tiếp cận của chính quyền Biden với Trung Quốc.
"Đạo luật này làm gia tăng căng thẳng trong khu vực và cung cấp một công cụ mới để Trung Quốc đe dọa các nước láng giềng", ông Kraska nêu quan điểm.
Tương lai của Biển Đông
Bất chấp đại dịch COVID-19, hải cảnh và hải quân Trung Quốc năm 2020 vẫn tiếp tục gia tăng các hành động gây hấn bất chấp sự phản đối của quốc tế.
Ông Poling tin xu hướng này sẽ tiếp tục trong năm 2021, khiến tình hình trở nên căng thẳng hơn.
Trong khi đó, chuyên gia Takashi dự đoán sẽ có những cuộc chiến qua lại bằng lời. Cùng với đó, Trung Quốc sẽ tìm cách thắt chặt kiểm soát với các hoạt động đánh bắt cá, nghiên cứu đại dương và phát triển tài nguyên của các nước khác trên Biển Đông. Bắc Kinh có thể sẽ tiếp tục thêm các hoạt động quân sự và các cuộc tập trận tại vùng biển này.
Cùng với việc gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc phản đối yêu sách của Trung Quốc trên Biển Đông, Mỹ nhiều lần điều chiến hạm áp sát các thực thể Trung Quốc chiếm đóng phi pháp tại vùng biển này.
Tiếp nối đà này, ông Kraska tin rằng chính quyền Biden sẽ vẫn duy trì chính sách cứng rắn với Bắc Kinh.
Đồng quan điểm, ông Poling cũng dự đoán Biden và nhóm của ông sẽ cứng rắn với Trung Quốc như chính quyền Trump, nhưng sẽ tiếp cận một cách chiến lược hơn và có sự phối hợp nhiều hơn với các đồng minh và đối tác.
Một tàu hải cảnh Trung Quốc hoạt động trên Biển Đông. (Ảnh: Reuters)
Tuy nhiên, ông Poling lo ngại bất chấp phản ứng từ Mỹ, Trung Quốc vẫn sẽ tiếp tục các hành động ngang ngược của mình. Các động thái này có thể leo thang thành một cuộc xung đột lớn hơn mà không ai mong muốn.
"Hoặc sự kết hợp giữa răn đe quân sự và áp lực quốc tế có thể thuyết phục Bắc Kinh tìm kiếm một thỏa hiệp để các bên “chung sống” hòa thuận hơn. Đó là tương lai duy nhất được các bên có tranh chấp trên Biển Đông và các nước ngoài khu vực như Mỹ chấp nhận, nhưng không phải là tương lai mà chúng ta đang hướng tới", ông Poling cho hay.
Về phần mình, chuyên gia Takashi lưu ý chiến lược thực tế mà ông Biden áp dụng với Bắc Kinh sẽ phụ thuộc vào các động thái của Trung Quốc. Ông Takashi cũng cho rằng cần phải chuẩn bị cho các kịch bản tồi tệ nhất để ngăn chặn các hành động có thể xảy ra trước khi Bắc Kinh thực hiện chúng.
"Tôi hy vọng Biden sẽ cứng rắn với Trung Quốc. Việc Trung Quốc tiếp tục leo thang căng thẳng trong khu vực sẽ khiến các quốc gia xích lại gần nhau hơn để đối đầu và kiềm chế một Trung Quốc ngày càng ngang ngược", ông chia sẻ.