Thách thức với Biden ở Đông Nam Á

Thứ năm, 04/02/2021, 13:25
Liên minh lung lay, đối tác hoài nghi về Mỹ và một Trung Quốc ngày càng trỗi dậy là thách thức mà Biden đối mặt trong chính sách với Đông Nam Á.

Chỉ vài giờ sau khi bắt đầu nhiệm kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken đã điện đàm với những người đồng cấp Mexico và Canada, cũng như các đồng minh châu Á quan trọng như Hàn Quốc và Nhật Bản.

Tuy nhiên, những cuộc trao đổi giữa Blinken với các quốc gia Đông Nam Á mới thực sự quan trọng, khi nó báo hiệu đường hướng chung trong chiến lược của chính quyền Joe Bidenở châu Á. Chính tại Đông Nam Á, "đấu trường" mới của cuộc cạnh tranh giữa các siêu cường, chính sách đối ngoại của Washington sẽ được thử thách.

Ngoại trưởng Blinken sẽ phải đối mặt với nhiều chướng ngại lớn, như các đồng minh cứng rắn, các đối tác chiến lược đang bị dao động, và một Trung Quốc ngày càng gia tăng ảnh hưởng thông qua việc mang lại lợi ích kinh tế rõ ràng cho nhiều láng giềng Đông Nam Á.

Joe Biden (trái) đứng cạnh Antony Blinken tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng tháng 11/2013. Ảnh: Reuters.

Joe Biden (trái) đứng cạnh Antony Blinken tại Phòng Bầu dục ở Nhà Trắng tháng 11/2013. Ảnh: Reuters.

Trong cuộc điện đàm với Ngoại trưởng Philippines Teodoro Locsin, Blinken đã "tái khẳng định rằng một liên minh Mỹ - Philippines mạnh mẽ là điều rất quan trọng đối với khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở", đồng thời "nhấn mạnh tầm quan trọng của Hiệp ước Phòng thủ chung đối với an ninh hai nước".

Nhắc lại chính sách cứng rắn của chính quyền tiền nhiệm đối với Trung Quốc, Ngoại trưởng Blinken nhấn mạnh "Mỹ bác bỏ các yêu sách của Trung Quốc ở Biển Đông khi chúng vượt quá phạm vi vùng biển mà Trung Quốc được phép đưa ra các yêu sách theo luật quốc tế như đã quy định trong Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển 1982".

"Nhìn chung, chúng ta có thể sẽ chứng kiến Biden tiếp nối các chính sách từ chính quyền tiền nhiệm hơn là từ bỏ. Thực tế, không chỉ riêng Biden có lập trường cứng rắn hơn với Trung Quốc trong năm qua khi mà phe Dân chủ trở nên diều hâu hơn, 4 lựa chọn lớn trong nội các của ông cũng báo hiệu một phiên bản chính sách châu Á của Trump được chắt lọc hơn", chuyên gia phân tích chính trị Richard Heydarian nhận định.

Blinken từng nói ông tin rằng Tổng thống Donald Trumpđã đúng khi chọn cách tiếp cận cứng rắn hơn với Trung Quốc. "Tôi nghĩ điều đó thực sự hữu ích cho chính sách đối ngoại của chúng tôi", Blinken nói.

Tuy nhiên, chính quyền Biden sẽ có những điểm khác với chính quyền tiền nhiệm về mặt chiến thuật, đặc biệt là dựa vào mối quan hệ với các đồng minh và đối tác chiến lược để kiềm chế tham vọng của Trung Quốc. Nhưng theo Heydarian, ở Đông Nam Á, Mỹ sẽ phải đối mặt ba thách thức lớn.

Đầu tiên là tương lai liên minh Mỹ - Philippines không chắc chắn, đặc biệt sau tuyên bố chấm dứt Thỏa thuận Các lực lượng Thăm viếng (VFA) của Tổng thống Rodrigo Duterte hồi tháng 2 năm ngoái do những bất đồng về vấn đề nhân quyền.

Tuy nhiên, Blinken sẽ chỉ còn từ giờ tới tháng 5 để ngăn chặn việc hủy bỏ vĩnh viễn thỏa thuận VFA, trong đó cho phép quân đội Mỹ tham gia các cuộc tập trận quy mô lớn ở Philippines.

Chuyên gia Heydarian cho rằng vấn đề có thể phức tạp thêm khi các nhà lập pháp và thành phần cấp tiến của đảng Dân chủ trong chính quyền Biden có thể thúc đẩy các lệnh trừng phạt cứng rắn hơn chống lại quan chức Philippines, gồm cả Tổng thống Duterte, người phát động cuộc chiến chống ma túy đang bị Tòa án Hình sự Quốc tế điều tra.

"Chính quyền Biden có thể gặp khó khăn để xây dựng mối quan hệ ổn định với chính quyền Philippines, trừ khi một Tổng thống thân thiện hơn với Mỹ lên nắm quyền sau cuộc bầu cử năm 2022", Heydarian nhận định.

Thách thức thứ hai mà chính quyền Biden phải đối mặt là sự hoài nghi từ các đối tác trong khu vực, vốn không thấy chắc chắn về tương lai chính sách đối ngoại của Mỹ. Không chỉ đối mặt với các thách thức lớn trong nước như cuộc khủng hoảng y tế - kinh tế chưa từng thấy, Tổng thống Biden cũng đối mặt nhiều câu hỏi về việc ông có tái tranh cử Tổng thống năm 2024 hay không, khi đã ở tuổi 82.

Nhiều người lo ngại chủ nghĩa dân túy của Trump sẽ trở lại, ngay cả khi cựu Tổng thống Mỹ không trở lại nắm quyền sau 4 năm tới. Do đó các quốc gia Đông Nam Á như Indonesia, Singapore và Malaysia sẽ chọn chuẩn bị "đường lui" bằng cách duy trì mối quan hệ hữu nghị với cả hai cường quốc, thay vì nghiêng theo Mỹ để đối đầu với Trung Quốc.

Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Joe Biden (trái) bắt tay Chủ tịch Tập Cận Bình tại Trung Quốc hồi năm 2013. Ảnh: AP.

Triển vọng về ngoại giao kinh tế khu vực của Biden không rõ ràng là thách thức cuối cùng. Yếu tố quan trọng hàng đầu đối với những khu vực như Đông Nam Á là việc mang lại các lợi ích rõ ràng về thương mại hay đầu tư, điều mà Trung Quốc ngày càng làm rất tốt.

Chính quyền Biden có thể thu hẹp quy mô chiến tranh thương mại của Trump với Trung Quốc và tạo ra một liên minh với các nước có cùng chí hướng ở châu Âu và châu Á. Sau khi Thỏa thuận Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) được ký kết hồi cuối năm ngoái, Biden đã báo hiệu các cam kết về thương mại quốc tế, nhằm khiến Trung Quốc không thể trở thành "bên quan trọng duy nhất" trong khu vực.

Nhưng bất kỳ nỗ lực nào để phục hồi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương thời chính quyền cựu Tổng thống Barack Obama hay thúc đẩy một phiên bản mới của thỏa thuận đều sẽ vấp phải những phản ứng gay gắt ở Mỹ, gồm cả những người theo chủ nghĩa dân túy kinh tế ở cả hai đảng Dân chủ và Cộng hòa, theo chuyên gia Heydarian.

Chính Ngoại trưởng Blinken cũng đã thừa nhận những thách thức của Mỹ về chính sách đối ngoại ngay sau khi được Thượng viện phê chuẩn chức vụ. "Đã có quá nhiều thay đổi. Thế giới đã thay đổi... Chúng tôi chưa từng ở trong tình thế như thế này trước đây", ông nói.

"Điều này hoàn toàn đúng với thực tế hiện tại ở Đông Nam Á", Heydarian nhận định.

Theo VNE

Các tin cũ hơn