"Việt Nam ủng hộ duy trì hòa bình, ổn định trong khu vực, an ninh, an toàn, tự do hàng hải và hàng không, tôn trọng nguyên tắc thượng tôn pháp luật trên các vùng biển và đại dương, phù hợp với quy định của luật pháp quốc tế và Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển năm 1982", người phát ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 4/2, trả lời câu hỏi của VnExpress về thông cáo chung về Biển Đông của các Bộ trưởng Anh và Nhật Bản.
"Hoạt động của các bên ở Biển Đông cần đóng góp vào mục tiêu chung này", bà Hằng nói thêm.
Người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng trong cuộc họp báo trực tuyến ngày 4/2. Ảnh: Vũ Anh.
Bộ trưởng Ngoại giao Nhật Bản Toshimitsu Motegi, Bộ trưởng Quốc phòng Nobuo Kishi cùng hai người đồng nhiệm Anh Dominic Raab và Ben Wallace hôm 3/2 ra thông cáo chung, trong đó "tái khẳng định tầm quan trọng của duy trì tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế, hạn chế các hoạt động có khả năng gia tăng căng thẳng".
Anh cũng tuyên bố tăng cường hợp tác quốc phòng và an ninh với Nhật Bản và dự kiến triển khai tàu sân bay HMS Queen Elizabeth tới Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương cuối năm nay.
Trung Quốc đơn phương vạch ra "đường lưỡi bò", yêu sách phi lý đòi chủ quyền với gần như toàn bộ diện tích Biển Đông. Nước này bồi đắp đảo nhân tạo trái phép và tiến hành các hoạt động quân sự hóa ở Biển Đông, đi ngược lại luật pháp quốc tế cũng như cam kết về ổn định khu vực.
Tại biển Hoa Đông, Trung Quốc tuyên bố chủ quyền với quần đảo Điếu Ngư, quần đảo mà Nhật Bản kiểm soát và gọi là Senkaku, gây căng thẳng nhiều năm cho quan hệ song phương.