Dự án Nhà máy vật liệu bán dẫn United States Enterprises ở TP.Đà Nẵng
Theo số liệu Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH&ĐT) trong tháng 1/2021, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (FDI) đạt gần 2,02 tỷ USD, bằng 37,8% so với cùng kỳ 2020.
Nguyên nhân chính khiến tổng vốn FDI đăng ký trong tháng 1/2021 giảm mạnh do trong tháng 01/2020 có dự án đặc biệt lớn Nhà máy điện khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) Bạc Liêu thuộc Trung tâm nhiệt điện LNG Bạc Liêu (Singapore), tổng vốn đầu tư đăng ký 4 tỷ USD. Dự án này chiếm 14% tổng vốn đầu tư FDI thu hút được cả năm 2020 là 28,53 tỷ USD. Nếu không tính dự án này, tổng vốn đầu tư đăng ký tháng 01/2021 sẽ tăng 51,7% so với cùng kỳ.
Công nghiệp chế biến, chế tạo thu hút 1,54 tỷ USD
Cuộc thương chiến Mỹ - Trung và những rủi ro do phụ thuộc quá nhiều vào nguồn cung ứng từ Trung Quốc đã phơi bày khi đại dịch Covid-19 bùng phát, khiến cho bức tranh thu hút vốn FDI đầu năm 2021 của Việt Nam có một điểm sáng đáng chú ý, đó là dòng vốn đổ vào ngành công nghiệp chế biến, chế tạo đạt 1,54 tỷ USD, chiếm 76,2% tổng dòng vốn FDI trong tháng 01. Lĩnh vực kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 179 triệu USD, chiếm 8,9% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Đây là tính hiệu vui cho Việt Nam, vì những dòng vốn này đổ vào những lĩnh vực cần thiết cho phát triển đất nước. Trong đó, có một số dự án lớn đáng chú ý như: Dự án chế tạo lốp xe Radian (Trung Quốc) tại Tây Ninh, điều chỉnh tăng vốn đầu tư thêm hơn 312 triệu USD (GCNĐT điều chỉnh cấp ngày 06/01/2021).
Dự án Nhà máy Kodi New Material Việt Nam (Singapore), vốn đầu tư đăng ký 270 triệu USD với mục tiêu sản xuất, gia công máy tính bảng và máy tính xách tay tại tỉnh Bắc Giang (cấp GCNĐKĐT ngày 15/1/2021).
Dự án công nghệ tế bào quang điện JA Solar PV Việt Nam (Trung Quốc), vốn đầu tư 210 triệu USD với mục tiêu sản xuất tấm tế bào quang điện tại tỉnh Bắc Giang (cấp GCNĐKĐT ngày 15/1/2021).
Dự án Công ty TNHH Công nghệ Everwin (Hồng Kông), tổng vốn đầu tư 200 triệu USD với mục tiêu sản xuất sản phẩm từ plastic tại tỉnh Nghệ An (cấp GCNĐKĐT ngày 06/01/2021).
Dự án Nhà máy vật liệu bán dẫn United States Enterprises (Hoa Kỳ), tổng vốn đầu tư 110 triệu USD với mục tiêu sản xuất các chi tiết cho máy móc thiết bị sản xuất trong ngành công nghiệp bán dẫn, điện tử tại thành phố Đà Nẵng (cấp GCNĐKĐT ngày 19/01/2021).
Các chuyên gia kinh tế dự báo, trong vài năm tới làn sóng dòng vốn FDI sẽ đổ mạnh vào các nước ASEAN trong đó Việt Nam là nơi các nhà đầu tư ưu tiên lựa chọn. Để tận dụng được cơ hội này, Việt Nam cần tạo ra lực hút mới với nhà đầu tư nước ngoài, ngoài nhân công giá rẻ (lợi thế này sẽ mất dần trong tương lai) điều mà họ quan tâm và mong muốn là có cơ chế rõ ràng, tạo điều kiện được đầu tư và bảo vệ được các sở hữu trí tuệ.
Theo Bộ KH&ĐT, trong tháng 1/2021, nguồn vốn được triển khai thực hiện ước đạt 1,51 tỷ USD, tăng 4,1% so với cùng kỳ. Đây chính là một điểm sáng nữa trong bức tranh kinh tế Việt Nam thời Covid-19, nguồn vốn giải ngân này sẽ góp phần quan trọng giúp Việt Nam tăng trưởng trong năm 2021.
Trung Quốc đứng đầu về quốc gia đầu tư FDI
Năm 2020, Việt Nam và thế giới trải qua đại dịch Covid-19 vô cùng khó khăn, đến nay các chuyến bay thương mại quốc tế vẫn chưa được nối lại, các nhà đầu tư muốn vào tìm hiểu thị trường đầu tư Việt Nam và hoạt động xúc tiến thương mại của các địa phương bị ảnh hưởng rất lớn. Trong năm 2021 nếu tình hình dịch bệnh chưa được kiểm soát tại Việt Nam cũng như trên thế giới thì dòng vốn FDI vào Việt Nam sẽ còn giảm.
Hiện có 33 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam, trong đó Trung Quốc đầu tư 618 triệu USD, Hồng Kông (Trung Quốc) đăng ký 221,3 triệu USD tổng là 839,3 triệu USD chiếm 41,5% tổng vốn đầu tư. Singapore đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư 680,7 triệu USD, chiếm 33,7% tổng vốn đầu tư, tiếp theo là Hoa Kỳ, Hà Lan, Hàn Quốc,…
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào 39 tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó tỉnh Bắc Giang dẫn đầu với 5 dự án, tổng vốn đầu tư đăng ký 562 triệu USD, chiếm 27,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tây Ninh đứng thứ hai với tổng vốn đăng ký 348,5 triệu USD, chiếm 17,3% tổng vốn đầu tư. Nghệ An đứng thứ ba với 200 triệu USD, chiếm 9,1% tổng vốn đầu tư. Tiếp theo lần lượt là TP.HCM, tỉnh Bắc Ninh, thành phố Đà Nẵng,…
Nguồn vốn FDI từ Trung Quốc đang chảy mạnh vào Việt Nam. Đây là cơ hội cho Việt Nam nhưng cũng tiềm ẩn rất nhiều thách thức và rủi ro, vì phần lớn các doanh nghiệp này sản xuất các sản phẩm xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ, nhằm tránh mức thuế rất cao của Hoa Kỳ áp lên sản phẩm Trung Quốc. Trong khi đó, Việt Nam xuất siêu 64 tỷ USD vào Hoa Kỳ năm 2020, và tình trạng này sẽ đẩy con số xuất siêu trong thời gian tới tăng nhanh.
“Hoa Kỳ vừa cảnh báo Việt Nam là quốc gia thao túng tiền tệ, mà thặng dư thương mại vào Hoa Kỳ quá 20 tỷ USD là một trong những yếu tố cấu thành. Việt Nam cần sàn lọc các dự án có công nghệ lạc hậu đi cùng các doanh nghiệp FDI Trung Quốc”, một chuyên gia cảnh báo.