Sự tham gia tích cực và hiệu quả của quá trình tối ưu hóa công nghệ vào các quy trình sản xuất, kinh doanh truyền thống và hấp thụ những mô hình kinh doanh mới là những việc mà trong thời gian qua cộng đồng khởi nghiệp thế giới nói chung và Việt Nam nói riêng đã thể hiện rất rõ nét.
Hướng vận động đó đã góp phần đa dạng hóa các hình thái kinh tế và là động lực để kiến tạo những chính sách mới phù hợp với mục tiêu phát triển kinh tế trong bối cảnh Việt Nam đã hòa cùng dòng chảy mạnh mẽ của kinh tế thế giới và khu vực, đặc biệt là qua các hiệp định thế hệ mới song phương và đa phương.
Kinh tế thế giới đang thay đổi nhanh chóng nhờ sự xuất hiện và tham gia đóng góp của những mô hình kinh doanh mới, đến từ tác động của cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0.
Khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu đã chứng kiến sự tăng trưởng mạnh mẽ trong giai đoạn 2016 - 2020, tạo ra giá trị kinh tế lên tới 2.800 tỷ USD, tăng 20,6% so với giai đoạn hai năm trước và tăng hơn gấp đôi so với giai đoạn 5 năm trước. Giá trị kinh tế được tạo ra đó tương đương với GDP của một số nền kinh tế thuộc nhóm G7, chẳng hạn như Vương quốc Anh và Pháp, thậm chí cao hơn GDP của Italia và Canada.
Nằm trong trong dòng chảy ấn tượng đó, mức tăng trưởng khoảng 7% đã đưa nền kinh tế Việt Nam vào nhóm các quốc gia sẵn sàng tham gia vào cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 nhất thế giới.
Khởi nghiệp khó có thể phát triển nhanh nếu không có sự đồng hành của các quỹ đầu tư. Các quỹ này ra đời mang trên mình một trọng trách quan trọng là chia sẻ những rủi ro với cộng đồng khởi nghiệp, làm điểm tựa vững chắc và dìu dắt những bước đi đầu tiên của bất kỳ một ý tưởng, dự án khởi nghiệp nào. Do đó, cái tên Quỹ đầu tư mạo hiểm đã trở nên phổ biến và cũng nhờ đó mà tạo ra rất nhiều những kỳ lân cho nền kinh tế thế giới.
Vốn hóa cho thị trường đầu tư mạo hiểm ngày càng thể hiện vai trò quan trọng của các doanh nghiệp khởi nghiệp. Các hình thái vốn đầu tư cho khởi nghiệp thông qua việc đầu tư góp vốn, mua cổ phần, phần vốn góp của các đối tượng khởi nghiệp sáng tạo nhằm thành lập doanh nghiệp hoặc tăng vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp tại thời điểm doanh nghiệp đang rất sôi động.
Toàn cầu hóa hoạt động khởi nghiệp và đầu tư mạo hiểm ngày càng trở nên rõ ràng hơn, khi thị phần vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu của các quốc gia đang tăng lên nhanh chóng, đặc biệt là Trung Quốc (chiếm gần 25% vốn đầu tư mạo hiểm toàn cầu), Ấn Độ, Vương quốc Anh, Đức, Canada, Pháp, Israel, Singapore, Thụy Điển và Nhật Bản.
Trong bối cảnh toàn bộ nền kinh tế khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu đang phát triển, một bộ phận doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên các công nghệ nền tảng đang cho thấy tốc độ tăng trưởng vượt bậc so với phần còn lại.
Có bốn lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo phát triển nhanh nhất, thuộc về các ngành liên quan đến công nghệ nền tảng: (i) Robot và sản xuất tiên tiến; (ii) Blockchain; (iii) Công nghệ nông nghiệp và thực phẩm mới; (iv) Trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn và phân tích.
Kinh tế tư nhân Việt Nam được dự báo sẽ trở thành một trong các trụ cột chính thúc đẩy tăng trưởng thời gian tới, đặc biệt là sức vươn mạnh mẽ của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo dựa trên nền tảng công nghệ. Một số lĩnh vực được thừa hưởng lợi thế từ cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 đang phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam.
Công nghệ tài chính (Fintech), lĩnh vực được đầu tư nhiều nhất trong số các lĩnh vực khởi nghiệp sáng tạo tại Việt Nam. Những doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech cung cấp các dịch vụ trong nhiều lĩnh vực khác nhau dựa trên công nghệ chuỗi khối (blockchain), trí tuệ nhân tạo (AI), định danh khách hàng điện tử (e-KYC), giao diện chương trình ứng dụng mở (Open API), thanh toán điện tử (e-payments) và hàng loạt các ứng dụng công nghệ khác.
Những dịch vụ có thể được cung cấp bởi các doanh nghiệp khởi nghiệp Fintech như: đầu tư chứng khoán, blockchain và tiền kỹ thuật số, thanh toán điện tử, dữ liệu lớn tài chính, cho vay, phát triển kiều hối và tài chính cá nhân, huy động đầu tư cùng các dịch vụ khác.
Fintech cũng là lĩnh vực hiếm hoi ở Việt Nam có sự góp mặt của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo tầm thế giới, nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp đã ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) và khoa học dữ liệu (data-science) vào các sản phẩm của mình như Tima, Trusting Social.
Khởi nghiệp với du lịch trong thời đại công nghiệp 4.0 cũng là xu hướng phát triển mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian qua. Phần lớn các ứng dụng được thực hiện và triển khai bởi những người trẻ, có kiến thức về công nghệ, niềm đam mê và thích ứng nhanh với những xu hướng du lịch mới.
Vntrip, Luxstay, Atadi, Vleisure… là những ví dụ điển hình về việc khởi nghiệp thành công trong lĩnh vực này (thông qua các ứng dụng trực tuyến như đặt phòng, tìm đường, lựa chọn điểm đến, kết nối du khách với người dân bản địa, công nghệ thực tế ảo...).
Ứng dụng công nghệ trong Cách mạng công nghiệp 4.0 tạo nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp khởi nghiệp thương mại điện tử tiếp cận thị trường toàn cầu, thay đổi quy trình bán hàng truyền thống, chuyển đổi số, giảm chi phí vận hành và gia tăng năng suất.
Nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo đã rất thành công trong lĩnh vực thương mại điện tử tại Việt Nam như Foody.vn, Tiki.vn, Sendo.vn, Giaohangnhanh, Vexere.com, Timviecnhanh. Đây cũng là ngành thực sự bùng nổ do hưởng lợi từ tác động của những chính sách nhằm giảm thiểu sự lây lan của đại dịch Covid-19.
Đặc biệt, sự tăng trưởng của thương mại điện tử tạo ra cơ hội lớn cho lĩnh vực E-Logistics phát triển. Cách mạng công nghiệp 4.0 được dự báo sẽ thay đổi hoàn toàn lĩnh vực Logistics, trong đó có lực đẩy của các dự án khởi nghiệp.
Tại Việt Nam, không ít các doanh nghiệp khởi nghiệp trong lĩnh vực Logistics với một số thành công ban đầu như Super Ship, iFreight, Sanvanchuyen, PT Transport Logistics…
Cách mạng công nghiệp 4.0 có ý nghĩa trong việc cơ giới hóa, nâng cao năng suất và đa dạng hóa kinh tế nông nghiệp. Hiện tại, 2/3 lực lượng lao động của Việt Nam tập trung tại khu vực nông thôn, việc ứng dụng công nghệ cao trong nông nghiệp của các doanh nghiệp khởi nghiệp sáng tạo sẽ giúp giải phóng sức lao động trong lĩnh vực này thông qua việc tự động hóa trong sản xuất, thúc đẩy chuyển dịch cơ cấu nền kinh tế (từ lĩnh vực nông nghiệp sang lĩnh vực sản xuất và dịch vụ). Và trong bối cảnh hiện tại, kinh tế nông nghiệp đã đóng vai trò là trụ đỡ của nền kinh tế.
Như trên, hệ sinh thái khởi nghiệp tại Việt Nam đã có mặt ở nhiều lĩnh vực trong nền kinh tế. Khởi nghiệp của Việt Nam sẽ ngày càng trở nên quan trọng bởi không chỉ khả năng sáng tạo, là động lực cho người trẻ sẵn sàng dẫn thân để tìm kiếm cho mình một cơ hội, mà hơn lúc nào hết, bên cạnh việc tận dụng được vai trò, vị thế của đất nước thì nguồn nhân lực trẻ, dồi dào sẽ là cơ hội lớn để khởi nghiệp Việt Nam trưởng thành và bứt phá.
Chúng ta có thể hy vọng và hoàn toàn tin tưởng vào năng lực tận dụng cơ hội và phát triển bản thân của mỗi nhà khởi nghiệp, cùng với sự năng động về tiếp thu, điều chỉnh và ban hành những chính sách phù hợp để làm bệ phóng vững chãi cho khởi nghiệp phát triển. Bởi đây sẽ là một thế hệ dẫn dắt mới.
Theo tôi, môi trường khởi nghiệp cho statup tại Việt Nam đang có xu hướng đi lên và dần dần thanh lọc những startup cũng như nhà đầu tư không ổn. Nhà đầu tư (NĐT) và startup đã có nhiều kênh hơn để kết nối với nhau.
Tuy nhiên, các startup không nên quá phụ thuộc vào NĐT, bởi đó là tư duy không tốt. Thực tế việc gọi vốn là câu chuyện hợp tác giữa startup và NĐT chứ không phải bên nào quá phụ thuộc bên nào.
Thay vào đó, tôi cho rằng startup nên chọn NĐT và cách tốt nhất là startup thông qua việc tạo ra sản phẩm hoặc dịch vụ tốt, để xây dựng thương hiệu, khi đó NĐT sẽ tự tìm đến.
Cụ thể hơn, khi đàm phán nếu tỏ ra quá cần NĐT thì sẽ tạo ra mất cân bằng trong đàm phán và phần thiệt có thể nghiêng về startup. Trong kinh doanh đó là điều tối kỵ.
Thực tế, có những NĐT cũng cần đến startup như là một kênh đầu tư tiềm năng để tăng sinh lời từ nguồn vốn họ bỏ ra. Đây là một điều mà các startup nên lưu ý. Không nên để NĐT nghĩ rằng họ là người ban phát cơ hội cho các startup. Tôi hoàn toàn không ủng hộ điều này.
Với một startup nông nghiệp công nghệ cao như Nextfarm, chúng tôi xác định chặng đường khởi nghiệp là một bài toán tương đối khó và cần thời gian để giải nên ở bước đầu khởi động có thể khó nhưng dễ về sau. Chúng tôi cũng không cần huy động quá nhiều vốn, bởi số vốn để đầu tư cho startup nông nghiệp không quá lớn mà chủ yếu đòi hỏi tính kiên trì và linh hoạt, không giống như các startup về kinh tế chia sẻ cần rất nhiều tiền, thậm chí “đốt tiền” để khởi nghiệp nên cần các NĐT hơn.
Ở giai đoạn đầu khởi nghiệp, tôi chọn đòn bẩy tài chính là vay ngân hàng. Cho nên tôi nghĩ rằng Chính phủ nên dành một khoản khoảng 1.000 - 2.000 tỷ cho startup vay trong một kế hoạch khoảng 5 năm với lãi suất ưu đãi. Việc hỗ trợ này rất quan trọng.
Tất nhiên, Chính phủ có khả năng phải bảo lãnh cho khoản vay này, và nếu cần phải có một số chế tài cho khoản vay đó. Điều này giống như bài toán khó nhưng có thể tìm ra được cách giải và nút thắt.
Theo tôi, Chính phủ cũng cần nhìn nhận lại cách phân bổ vốn, bớt các khoản không hiệu quả đi để đầu tư vào những mảng tiềm năng. Chính phủ đôi khi phải chấp nhận mạo hiểm. Sự mạo hiểm đó có thể là 90-95% startup thất bại nhưng chỉ cần 5% trong số startup thành công thì sẽ tạo nên hiệu quả kinh tế thay đổi tương đối lớn.
Cũng giống như nhiều ngành kinh doanh khác, năm 2020 từ ảnh hưởng của Covid-19, nhiều lĩnh vực kinh doanh bị sụt giảm lớn về khách hàng và doanh số, việc này đã ảnh hưởng trực tiếp tới các công ty cung cấp dịch vụ tài chính số, cụ thể là sự sụt giảm các giao dịch thanh toán và tiêu dùng của khách hàng.
Tuy nhiên, năm 2020 cũng là một năm có điểm thuận lợi với các phương thức thanh toán điện tử. Bởi dưới tác động của Covid-19 và giãn cách xã hội nên các phương thức giao dịch không tiếp xúc hay gặp mặt trực tiếp như thương mại điện tử, thanh toán điện tử, tài chính số... được thúc đẩy phát triển và nhanh chóng hình thành thói quen trong cộng đồng, người dân.
Mặc dù vậy, vẫn còn rất nhiều thách thức trong việc phổ biến các ứng dụng tài chính số đến người dân, lĩnh vực thu hút nhiều startup thời gian qua.
Một là, khung pháp lý chưa đầy đủ, hệ sinh thái khởi nghiệp đi cùng với nhiều mô hình dịch vụ mới theo xu hướng toàn cầu mang lại tiện lợi cho người dân nhưng chưa có đủ quy định pháp lý quản lý rõ ràng.
Tiếp nữa, chúng ta chưa ban hành được hệ thống quản lý thông tin điện tử của công dân đồng nhất và tập trung. Việc này tạo khó khăn trong việc thực hiện e-KYC khách hàng/người dùng.
Để các dịch vụ về tài chính số phát triển mạnh mẽ hơn nữa, cần sự hỗ trợ từ phía các cơ quan quản lý. Trong đó, Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước sớm ban hành các quy định pháp lý để quản lý. Đồng thời, Bộ Công an sớm triển khai cung cấp thông tin tham chiếu từ dữ liệu quản lý công dân cho các doanh nghiệp trong khuôn khổ cho phép.