"Chúng tôi mong rằng Chính phủ tin tưởng ở kinh tế tư nhân, ở doanh nghiệp, hãy tập trung phát triển vào khu vực kinh tế tư nhân", bà Nguyễn Thị Phương Thảo - Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng giám đốc Vietjet Air, nói trước Hội nghị Đối thoại Việt Nam 2045 tổ chức tại TP.HCM, chiều 6/3.
Sự kiện diễn ra tại Hội trường Thống Nhất, nơi cách đây 5 năm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc có cuộc đối thoại đầu tiên với cộng đồng doanh nghiệp. Lần này, hội nghị được tổ chức nhằm ghi nhận ý kiến từ lãnh đạo các doanh nghiệp đứng đầu vì mục tiêu "Việt Nam hùng cường" vào năm 2045.
CEO Vietjet cho rằng, một trong những nền tảng của mục tiêu "hùng cường" là hỗ trợ hình thành các tập đoàn kinh tế tư nhân có sức mạnh và thương hiệu quốc gia, quốc tế, đồng thời thúc đẩy các doanh nghiệp vừa và nhỏ, khu vực nông nghiệp nông thôn, các công ty khởi nghiệp.
Để làm được điều này cần đổi mới tư duy, cần sự quyết liệt, hiệu quả bằng chính sách thống nhất xuyên suốt từ Chính phủ, bộ ngành, địa phương. "Khi đó chúng ta sẽ có một quốc gia đổi mới, cải cách để thu hút được các nguồn lực. Sự đổi mới cần toàn diện và đồng bộ giữa các ngành, từ kế hoạch đầu tư, tài chính, ngân hàng, bộ chuyên ngành", lãnh đạo Vietjet nói và mong muốn Chính phủ kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng giữa các khu vực kinh tế, giữa các doanh nghiệp với nhau.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Chủ tịch Tập đoàn Sovico, Tổng Giám đốc Vietjet Air, Phó Chủ tịch thường trực HĐQT HDBank. Ảnh: VGP.
Thay vì các kiến nghị, ông Trương Gia Bình, Chủ tịch Tập đoàn FPT, Trưởng ban Nghiên cứu phát triển kinh tế tư nhân, lại đặt ngược các câu hỏi cho những nhà lãnh đạo, cho những doanh nghiệp. Việt Nam có thể phát triển với tốc độ 12,5-13% mỗi năm như một số nước đã từng đạt được không? Hay với chúng ta 8% đã là tuyệt vời. Các doanh nghiệp có sẵn sàng tăng trưởng liên tục trong nhiều năm với tốc độ 20-30%/năm hay không?
"Để có khát vọng đó chúng ta cần một niềm tin lớn của người dân vào Chính phủ, niềm tin của Chính phủ với người dân. Chính phủ làm ra chính sách và việc lớn, còn việc cụ thể để doanh nghiệp làm. Chúng tôi mong muốn Chính phủ tin tưởng vào cộng đồng doanh nghiệp, là bà đỡ, tạo điều kiện thuận lợi cho mọi ý tưởng", ông Bình nói.
Trong những năm tới, Chủ tịch FPT kiến nghị về chính sách, trong chiến lược Việt Nam phải tiên phong trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, chuyển đổi số...
Ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch HĐQT TPBank. Ảnh: VGP.
Cùng về vấn đề doanh nghiệp, ông Đỗ Minh Phú, Chủ tịch TPBank mong Chính phủ cần bình đẳng giữa doanh nghiệp tư nhân và doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp FDI, không phân biệt, không kỳ thị trong đánh giá, trong nhìn nhận, bình đẳng tiếp cận nguồn lực. Ông Phú cũng kiến nghị không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, quan hệ dân sự.
"Nếu làm đúng pháp luật thì phải bảo vệ doanh nghiệp, bảo vệ quyền tài sản, quyền tự do kinh doanh, quyền và lợi ích hợp pháp theo hiến pháp, pháp luật", ông Phú kiến nghị.
Sau hơn 4 giờ nghe các ý kiến, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói rằng ông đã thấy một khát khao cháy bỏng của các doanh nghiệp về một Việt Nam cường thịnh vào năm 2045.
"Tôi tin rằng 25 năm - 1/4 thế kỷ nữa sẽ xuất hiện những tập đoàn khổng lồ mang tên Việt Nam để tiếp tục đóng góp vào đất nước", Thủ tướng nói và cho rằng doanh nghiệp là trụ cột của nền kinh tế, trụ cột càng lớn dân càng giàu, đất nước càng mạnh.
Lãnh đạo Chính phủ giao các bộ ngành, địa phương, nhất là TP.HCM đầu tàu kinh tế của cả nước thống nhất tư tưởng trong việc triển khai các chủ trương để sớm cụ thể hoá tinh thần Nghị quyết Đại hội 13 của Đảng đã thông qua; tiếp tục thúc đẩy môi tường đầu tư kinh doanh, hoàn thiện thể chế, chính sách đầu tư theo cơ chế thị trường, bảo đảm thực thi chính sách minh bạch, hiệu quả.