Vượt Thái Lan, Việt Nam xuất hiện ở vị trí thứ 8 bảng xếp hạng Logistics thị trường mới nổi

Thứ sáu, 26/02/2021, 09:01
Tăng 3 bậc so với 2020, Việt Nam lần đầu đứng ở vị trí thứ 8 trong số 50 quốc gia, theo báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi năm 2021 của Agility.

Agility - nhà cung cấp dịch vụ kho vận hàng đầu thế giới vừa công bố Báo cáo Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021, trong đó có thông tin rất tích cực về xếp hạng của Việt Nam.

Cụ thể, Việt Nam đã tăng 3 bậc xếp hạng so với năm 2020, đứng ở vị trí thứ 8 trong top 10 quốc gia đứng đầu thị trường mới nổi ngành logistics.
Theo đánh giá của Agility, Trung Quốc được xếp vị trí số 1, Ấn Độ xếp vị trí thứ 2, Indonesia ở vị trí thứ 3. Quatar và Thổ Nhĩ Kỳ xếp sau Việt Nam ở vị trí thứ 9 và thứ 10.
Trong số các nước ASEAN, Indonesia xếp ở vị trí thứ 3, Malaysia ở bậc 5, Việt Nam đứng ở vị trí thứ 8, Thái Lan xếp ở vị trí thứ 11, Philippines ở vị trí thứ 21, Campuchia 41.
Agility đánh giá Việt Nam là một trong những quốc gia thành công nhất trên toàn cầu về việc đối phó với Covid-19.
Vượt qua láng giềng Thái Lan, Việt Nam xếp thứ 8 về Chỉ số Logistics thị trường mới nổi 2021
Dữ liệu từ Đại học John Hopkins cũng cho thấy, có ít hơn 1.500 các ca bệnh virus ở Việt Nam vào năm 2020. Trong năm vừa qua, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự kiến tăng trưởng kinh tế của Việt Nam đạt khoảng 2,4% và cho rằng thành công này là do kịp thời ngăn chặn Covid-19; và mức tăng trưởng thực tế đã đạt được 2,9%.
“Mức tăng 3 hạng của Việt Nam lên vị trí thứ 8 là mức tăng nhanh nhất ở nửa trên của bảng xếp hạng và thay thế Thái Lan trong top 10”, Agility diễn giải thêm.
Dù đánh giá “Việt Nam sở hữu nhiều lợi thế về chi phí và thuận tiện trong mạng lưới cung cấp", theo Agility, Việt Nam cũng gặp nhiều thách thức như đầu tư vào công nghệ cao của Việt Nam còn thiếu kỹ năng và kiến thức để sản xuất hàng hoá có giá trị cao nhất.
Lập tổ kiểm tra cước, phụ thu vận chuyển container
Liên quan đến ngành logistics Việt Nam, mới đây, Cục Hàng hải Việt Nam vừa thành lập tổ công tác kiểm tra về giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển.
Tổ công tác vừa thành lập gồm 13 thành viên. Trong đó, ông Hoàng Hồng Giang, Phó Cục trưởng Cục Hàng hải Việt Nam làm tổ trưởng. Hai tổ phó là ông Nguyễn Công Bằng, Phó Vụ trưởng Vụ Vận tải (Bộ GTVT) và ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương).
Nhiệm vụ của tổ công tác là kiểm tra việc chấp hành quy định về niêm yết giá, phụ thu ngoài giá dịch vụ vận chuyển hàng hóa container bằng đường biển theo quy định tại Nghị định số 146/2016 của Chính phủ. Đồng thời, xử lý hành vi vi phạm theo quy định tại Nghị định số 142/2017 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực hàng hải.

Trước đó, báo chí trong nước cũng như truyền thông quốc tế đã phản ánh một thời gian dài về việc doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn do các hãng tàu thiếu container rỗng để giao cho nhà xuất khẩu đóng hàng.

Tình trạng thiếu container rỗng ngày càng trở nên nghiêm trọng khiến cho giá cước vận tải biển đi các tuyến Âu, Mỹ... tăng mạnh, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động xuất khẩu của các doanh nghiệp.

Theo phản ảnh của đại diện một số hiệp hội và doanh nghiệp xuất nhập khẩu nông sản, hiện tại, cước vận chuyển một container 40 feet từ Việt Nam đi châu Âu, Địa Trung Hải hiện ở mức 7.000 - 8.000 USD, tăng 2-3 lần so với thời điểm trước đó, từ 2.000 - 2.500 USD/cont.
Nghịch lý là dù giá cước tăng cao nhưng chủ hàng vẫn rất khó đặt chỗ trên tàu. Một số tuyến đi Địa Trung Hải, các nước Trung Đông, hãng tàu vẫn chưa báo giá và cấp mã đặt chỗ.

Theo Kế hoạch hành động nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển dịch vụ logistics Việt Nam đến năm 2025, đến 2025, tỷ trọng đóng góp của dịch vụ logistics vào GDP của Việt Nam đạt 5-6%, tốc độ tăng trưởng dịch vụ logistics đạt 15%-20%, tỷ lệ thuê ngoài dịch vụ logistics đạt 50%-60%, chi phí logistics giảm xuống tương đương 16%-20% GDP, xếp hạng theo chỉ số năng lực quốc gia về logistics (LPI) trên thế giới đạt 50 trở lên.

Theo BizLive

Các tin cũ hơn