Lãnh đạo Korcham đã chia sẻ với VnExpress về câu chuyện làm ăn của doanh nghiệp Hàn Quốc nhân dịp đầu năm 2021.
- Nhìn lại, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc đã trải qua năm 2020 như thế nào?
- Theo quan sát của tôi, những tập đoàn lớn chuyên sản xuất để xuất khẩu như Samsung hay những công ty liên quan, là một phần của chuỗi giá trị toàn cầu phát triển tương đối ổn định trong năm ngoái. Tất nhiên, Covid-19 có tác động đến các doanh nghiệp này, nhưng không đáng kể. Thậm chí, một số doanh nghiệp thuộc ngành y tế, an toàn vệ sinh phát triển mạnh, xuất khẩu lớn, có những thời điểm không có hàng để bán.
Ông Hong Sun, Phó chủ tịch Korcham.
Ngược lại, với các doanh nghiệp nhỏ, đặc biệt thuộc nhóm du lịch, khách sạn, nhà hàng... gặp khó khăn nghiêm trọng. Trước đây, một tuần có cả trăm chuyến bay giữa Việt Nam – Hàn Quốc, nay bị huỷ hết, chỉ một số trường hợp đặc biệt với điều kiện rất hạn chế được đi lại. Năm 2019, hàng triệu người Hàn sang Việt Nam, còn giờ, con số giảm xuống chỉ còn 1%. Khách ít, những dịch vụ phục vụ họ đều bị ế ẩm, nhiều nhà hàng giảm 50-90% doanh số.
Trong khi đó, tiền thuê nhà, lương nhân viên, nguyên vật liệu không có gì giảm cả. Tiền thu về không đủ chi ra. Các cửa hàng càng mở càng lỗ, thậm chí lỗ rất lớn... Các chủ cửa hàng giờ sang nhượng lại rất nhiều, người trước bán cho người sau, rồi lại bán tiếp. Cửa hàng 5-7 tỷ chưa lấy lại được đồng vốn nào nhưng phải bán để tránh thua lỗ. Tôi nghĩ, hiện trạng như vậy không chỉ giới hạn với doanh nghiệp Hàn mà cả cộng đồng doanh nghiệp nói chung, trong giai đoạn dịch bệnh này.
Tất nhiên, trong bất cứ cuộc khủng hoảng nào, cũng có một số doanh nghiệp phát triển được. Nhưng lúc này, số lượng thành công không nhiều như những cuộc khủng hoảng trước.
- Vậy doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá gì về thị trường Việt Nam?
- Đa số các doanh nghiệp Hàn Quốc coi Việt Nam là một điểm đến quan trọng. Chúng tôi đang tiếp tục mở rộng hợp tác, đầu tư tại thị trường này, nhất là những doanh nghiệp đã vào Việt Nam thành công.
Với những nhà đầu tư nhỏ có một chút vấn đề vì họ không có văn phòng, người đại diện để tìm kiếm, khảo sát các cơ hội. Họ buộc phải có người từ Hàn Quốc sang. Nhưng hiện nay, do Covid-19, việc đi lại có nhiều khó khăn, đây là điểm rất hạn chế lúc này.
Dù vậy, chúng tôi vẫn cảm thấy có nhiều lạc quan. Việt Nam đang phòng dịch rất tốt, mặc dù chúng ta đang ở trong làn sóng lây lan thứ ba với tốc độ tương đối nhanh và ca nhiễm nhiều, nhưng so với các nước khác, con số này là cực nhỏ. Chính phủ cũng nhấn mạnh rằng, trong thời gian không xa, sẽ khống chế được Covid-19. Điều này sẽ giúp môi trường đầu tư ở Việt Nam ổn định, tác động tốt đến dòng vốn FDI. 2021 là năm quan trọng, có nhiều kỳ vọng đối với nền kinh tế gần 100 triệu dân này. Tôi cũng hy vọng vaccine sớm có, việc di chuyển giữa hai nước được cải thiện, giúp cho hợp tác thương mại, đầu tư phát triển tốt hơn nữa.
- Tại sao ông cho rằng năm 2021 là năm có nhiều kỳ vọng với Việt Nam?
- Tôi nghĩ đấy là thời điểm mà Việt Nam có thể cung cấp sản phẩm một cách ổn định cho chuỗi cung ứng toàn cầu. Vì Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn như đối mặt với việc thiếu hụt, trục trặc về sản xuất, nhưng Việt Nam thì vẫn hoạt động bình thường. Năm ngoái, Việt Nam cũng ký kết nhiều hiệp định thương mại như RCEP, UKVFTA, cùng nhiều hiệp định có sẵn từ trước. Điều này tạo ra môi trường rất thuận lợi để phát triển các lĩnh vực sản xuất. Việt Nam có thể trở thành nhà máy của thế giới, phần nào thay thế cho Trung Quốc. Quốc gia tỷ dân đang phải xử lý tình trạng căng thẳng thương mại với Mỹ và một số nước khác.
Việt Nam nên tiếp tục cởi mở với các hiệp định thương mại tự do một cách tự tin. Chắc chắn nó sẽ tiếp thục thu hút các nhà đầu tư khác đến, xem Việt Nam như một "bàn đạp" để xuất khẩu đi nước ngoài, đồng thời, để lại những giá trị gia tăng cho nền kinh tế nội địa. Nghị quyết của Bộ Chính trị gần đây cũng đề cập đến phải nâng cao giá trị gia tăng trong đầu tư nước ngoài. Mục tiêu phát triển nhanh, giàu có hơn của Việt Nam cũng có thể được hỗ trợ phần nào từ dòng vốn ngoại.
- Theo ông, trong những năm qua, làn sóng đầu tư của Hàn Quốc tại Việt Nam đã thay đổi những gì?
- Hàn Quốc đang ngày càng đầu tư toàn diện hơn vào Việt Nam. Trong đó, 70% vốn đầu tư tập trung vào lĩnh vực sản xuất. Kể từ khi Samsung đặt chân vào thị trường năm 2008, các công ty phụ trợ của Hàn đã lần lượt kéo vào Việt Nam, số lượng hiện đã lên đến hơn 1.000. Các tập đoàn lớn khác như LG, Lotte cũng đang đầu tư trực tiếp hoặc thông qua liên doanh, liên kết như Hyundai, KIA với Thành Công, Trường Hải... Các công ty sản xuất sẽ tiếp tục đầu tư, mở rộng.
Gần đây nhiều ngân hàng Hàn Quốc đẩy mạnh hơn vào các lĩnh vực tài chính, chứng khoán, bảo hiểm. Phía Hàn cũng tiếp tục cung cấp vốn cho các doanh nghiệp trong nước. Một số công ty khác lại quan tâm đến nghiên cứu phát triển, bất động sản...
Ngoài ra, các doanh nghiệp Hàn cũng chú ý nhiều đến năng lượng tái tạo, bởi đấy là xu hướng phát triển. Việt Nam hiện có nhu cầu rất lớn về điện, trong khi chúng tôi là nước gần như duy nhất đang xuất khẩu nhà máy nhiệt điện hạt nhân. Chúng tôi rất muốn Việt Nam có nhà máy nhiệt điện của Hàn Quốc.
- Để tiếp tục thu hút dòng vốn từ Hàn Quốc, Việt Nam cần cải thiện những gì?
- Môi trường đầu tư. Hiện thời gian phê duyệt rất lâu do thủ tục hành chính, quy trình nhiều bước. Chúng tôi hiểu là, với các dự án lớn, sẽ mất rất nhiều thời gian để xem xét, nghiên cứu tiền khả thi, khả thi... nhưng cũng cần một quy trình rõ ràng hơn, thời gian xúc tiến nhanh, một môi trường khiến các nhà đầu tư yên tâm rót tiền vào.
Đơn cử như một dự án LNG, giá trị lên đến hàng tỷ USD, số tiền này không đơn giản nên càng bị kéo dài, nhà đầu tư càng gặp khó khăn. Hiện Việt Nam đã có những kế hoạch vĩ mô rồi, giờ còn những thủ tục vi mô và những thứ đi theo thủ tục đó cần cải thiện, cởi mở hơn.
Ngoài ra, như tôi đã nói ở trên, năng lượng là lĩnh vực đầu tư cho tương lai. Nguồn năng lượng của Việt Nam chưa an toàn hẳn, phải tạo dựng khá nhiều, nên chúng tôi hy vọng Chính phủ, các cơ quan chức năng tiếp tục nghiên cứu các đề xuất đầu tư từ phía doanh nghiệp Hàn.