Dịch Covid-19 tại TP.HCM khi nào được kiểm soát?

Thứ năm, 11/02/2021, 18:04
"Đến hiện tại, chuỗi ca Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất tương đối ổn. Tuy nhiên, trong cộng đồng, dịch còn đáng quan ngại", Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn nhận định.

Trong những thời khắc cuối cùng của ngày 30 Tết Tân Sửu, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn vẫn miệt mài làm việc. Bộ phận thường trực đặc biệt chống Covid-19 của Bộ Y tế tại TP.HCM do ông lãnh đạo đang dốc sức hỗ trợ thành phố chống dịch.

Cùng thời điểm này năm ngoái, Việt Nam ghi nhận ca mắc Covid-19 đầu tiên là 2 cha con người Trung Quốc, ghi nhận tại TP.HCM. Trả lời Zing, Thứ trưởng Sơn khẳng định ngành y tế luôn sẵn sàng và nỗ lực để đem lại sự bình yên cho cộng đồng.

Năng lực của TP.HCM đã khác sau một năm

- Cùng ngày này năm trước, ông xông pha tâm dịch. Cảm xúc lúc đó và bây giờ như thế nào?

- Chưa bao giờ trong cuộc đời làm ngành y mà chúng tôi lại có 2 cái Tết đều phải trong tâm thế phòng dịch bệnh. Tết năm ngoái, sau khi tiếp nhận 2 trường hợp mắc Covid-19 đầu tiên là 2 cha con người Vũ Hán, đất nước chúng ta đã bước vào cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh quyết liệt. Không chỉ riêng tôi, toàn bộ nhân viên y tế đang phải nâng cao cấp độ cảnh giác, chuẩn bị mọi tâm thế với đợt dịch khó khăn, phức tạp hơn. Có lẽ năm nay, năm sau, cảm giác này vẫn còn bồi hồi và chúng tôi cũng sẵn sàng với tâm thế chống dịch giữ bình yên cho cộng đồng.

Thu truong Bo Y te nhan dinh dich Covid-19 anh 1

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn. Ảnh: Duy Hiệu.

- Sau một năm, ông nhận định về tình hình TP.HCM hiện nay thay đổi ra sao?

- Tôi đã tham quan một số cơ sở y tế và nghe báo cáo, sau 3 ngày làm việc, tôi thấy công tác chuẩn bị, đối phó với đợt dịch của TP.HCM hết sức quyết liệt thông qua các hoạt động đầu tiên là truy vết, phát hiện sớm ca bệnh. Sau khi sân bay Vân Đồn phát hiện ca bệnh đầu tiên, sân bay Tân Sơn Nhất cũng được kiểm soát và từ đó phát hiện BN1979 cùng chùm ca bệnh liên quan. Sau đó, tất cả nguồn lực của thành phố, bên cạnh hỗ trợ của Trung ương, đã được huy động để chống dịch.

Các vấn đề truy vết, xét nghiệm, thu dung điều trị, tôi nghĩ chuyên nghiệp hơn đợt dịch trước đây rất nhiều, năng lực tăng cường đáng kể. Các khu phong tỏa được xây dựng theo nguyên tắc rộng, sau đó thu hẹp dần để đảm bảo an toàn cho cộng đồng xung quanh. Các đơn vị trung ương như Viện Pasteur TP.HCM thời gian đầu hỗ trợ đáng kể cho thành phố, hiện tại, năng lực của HCDC tăng đáng kể. Đó là những yếu tố chúng tôi đánh giá cao.

- Điều đó có nghĩa chúng ta có thể lạc quan về tình hình dịch Covid-19 đang bùng phát tại TP.HCM?

- Với đợt dịch này, thành phố đã chuẩn bị hết sức kỹ lưỡng. Tuy nhiên, việc đánh giá trong thời gian tới còn phụ thuộc nhiều vấn đề. Chúng ta đều biết sự phức tạp trong đội bốc xếp tại sân bay Tân Sơn Nhất, đặc biệt việc những ca F1 âm tính trong khi F2 lại dương tính với SARS-CoV-2. Điều này có nhiều giả thuyết và có lẽ chúng ta phải chờ đợi kết quả giải trình tự gene của Viện Pasteur TP.HCM để xem virus này và chủng ở Chí Linh, Vân Đồn có phù hợp với nhau hoặc mang các đột biến của Anh, Nam Phi, Brazil hay không.

Thu truong Bo Y te nhan dinh dich Covid-19 anh 2

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đến thăm cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện dã chiến Củ Chi (TP.HCM). Ảnh: Duy Hiệu.

Chuỗi ca mắc ở sân bay Tân Sơn Nhất đã ổn

- Ông có thể giải thích rõ thêm về việc tại sao F2 dương tính trong khi F1 lại không?

- Riêng việc F2 dương F1 âm là điểm mới, trước nay chưa bao giờ gặp. Hiện có khoảng 3-4 giả thuyết cho tình trạng này. Giả thuyết thứ nhất: F1 từng mắc bệnh và tự khỏi. Giải thuyết thứ 2: F1 là F0 và truyền bệnh cho cả 2 người là F0 trước đó và F2, F1 là người trung gian. Giả thuyết thứ 3 đáng lo ngại hơn: F2 không phải lây từ F1 mà lây từ trong cộng đồng, đợt dịch rò rỉ trước đó, không triệu chứng.

Các nhà khoa học sẽ có trách nhiệm để tìm ra được giả thuyết phù hợp. Với ngành y tế, chúng ta đã xây dựng hết các tình huống, phương án để có thể giải thích vấn đề rõ ràng nhất. Đặc biệt là vấn đề truy vết trong cộng đồng đã được Phó thủ tướng chỉ đạo. Chúng tôi sẽ bàn với Ban Chỉ đạo thành phố lấy mẫu rộng, điển hình hơn để đánh giá các giả thuyết này.

- Nhiều nhận định cho rằng BN1779 không phải ca bệnh đầu tiên ở TP.HCM. Vậy hiện TP.HCM mất dấu F0 chưa? Tình hình đã được kiểm soát chưa?

- Quan điểm của chúng ta hiện tại là phát hiện, truy vết, khoanh vùng và dập dịch. Còn việc truy vết F0, chúng ta không cho đó là vấn đề chủ chốt. Nếu có được, chúng ta sẽ tìm. Nếu không tìm, chúng ta vẫn áp dụng biện pháp chống dịch quyết liệt nhất.

Đến hiện tại, chuỗi ca Covid-19 ở sân bay Tân Sơn Nhất tương đối ổn. Tuy nhiên, trong cộng đồng, dịch còn đáng quan ngại. Hôm qua, TP.HCM có thêm 5 khu phong tỏa mới. Do đó, tình hình còn phức tạp, khó trả lời ngay được vấn đề đã kiểm soát được hay không mà cần phải theo dõi thêm. Chúng ta có thể tận dụng cơ hội này để phát hiện càng sớm càng tốt.

Ngày mai, Viện Pasteur TP.HCM sẽ giải xong trình tự gene, khi đó chúng ta biết được virus đang xâm nhập có phải biến chủng hay không. Mỗi chủng đều có đột biến làm tăng khả năng lây lan của virus. Chu kỳ của virus đợt đầu khoảng 5-7 ngày, trong khi chu kỳ này rút rất ngắn, có thể từ 3-4 ngày, nên tùy chủng virus mà xem cơ hội còn nhiều hay ít đối với TP.HCM.

Theo Zing

Các tin cũ hơn