Anthony Fauci, Giám đốc Viện Dị ứng và Bệnh truyền nhiễm Quốc gia, cảnh báo có thể cuộc sống của người dân Mỹ sẽ không trở lại bình thường cho đến cuối năm. Số ca mắc và tử vong của nước này vẫn đứng đầu thế giới. Mỹ vượt 500.000 ca tử vong ở một thời điểm đầy hy vọng: số người nhiễm nCoV theo ngày giảm mạnh, vaccine đang được triển khai đều đặn.
"Thật kinh khủng, nó mang tính lịch sử. Thật kinh ngạc khi nhìn vào các con số, gần như không thể tin được. Nhưng đó là sự thật. Chúng tôi chưa chứng kiến điều gì tương tự trong hơn một trăm năm kể từ đại dịch cúm 1918", chuyên gia dịch tễ hàng đầu của Mỹ nhận định.
Nhà Trắng cho biết họ sẽ tưởng nhớ thời điểm này, song chưa đưa ra bình luận về kế hoạch cụ thể. Sau ca tử vong đầu tiên công bố hồi tháng 2/2020, Mỹ mất ba tháng để vượt 100.000 người chết. Khi Covid-19 bùng phát mạnh hơn, tốc độ tử vong tăng lên. Chỉ trong hơn một tháng sau kỳ nghỉ lễ Giáng sinh và năm mới, lượng người chết tăng vọt lên 400.000.
Fauci lưu ý số ca nhiễm mới hàng ngày giảm mạnh sau khi đạt đỉnh vào tháng 1, nhưng người dân vẫn còn cách viễn cảnh trở lại cuộc sống trước đại dịch khá xa. "Tôi nghĩ rằng mọi thứ sẽ bình thường hơn đáng kể trong mùa đông, vào cuối năm", ông nói.
Những cây thánh giá tưởng niệm người chết vì Covid-19 dựng tại đài tưởng niệm ở Grass Valley, California hồi tháng 1. Ảnh: AP
Tuần trước, Tổng thống Joe Biden cho biết việc triển khai vaccine rất phức tạp. Mỹ cũng gặp thách thức trong khâu sản xuất số lượng lớn, tốc độ nhanh chóng.
"Chúng ta chưa từng gặp thách thức về hậu cần và sản xuất gay gắt đến thế", Tổng thống nói.
Mục tiêu của ông Biden là triển khai kế hoạch tiêm 1 triệu liều vaccine Covid-19 mỗi ngày, 100 triệu liều trong 100 ngày đầu của nhiệm kỳ Tổng thống. Hiện Mỹ đã vượt tiến độ đặt ra với 1,7 triệu liều tiêm mỗi ngày.
Số người chết mới giảm, khoảng 1.900 ca tử vong vẫn được báo cáo mỗi ngày. Tiến sĩ Ali Mokdad, chuyên gia dịch tễ Đại học Washington, cho biết: "Đây là ngày buồn trong lịch sử của chúng ta. Con cháu và thế hệ tương lai sẽ nhìn lại, khiển trách về thất bại lớn nhất khi đối mặt với đại dịch của đất nước giàu có nhất thế giới. Rằng chúng ta đã để mọi người ra đi, đã không bảo vệ những cộng đồng yếu thế nhất như người Mỹ bản địa, người gốc Tây Ban Nha và gốc Phi. Chúng ta không thể bảo vệ những lao động thiết yếu".
Theo VNE