Trong phiên điều trần của quan chức quốc phòng Mỹ hồi tuần qua, Chủ nhiệm Ủy ban Quân vụ Hạ viện Adam Smith bày tỏ quan ngại khi nhiều người đang lan truyền trên mạng ý tưởng tấn công Điện Capitol thêm lần nữa vào ngày 4/3.
Thuyết âm mưu rằng cựu Tổng thống Trump sẽ giành lại quyền lực vào ngày này khiến 4.900 lính Vệ binh Quốc gia tiếp tục túc trực tại thủ đô Washington đến ngày 12/3 để đối phó nguy cơ bạo loạn, theo CNN.
Những người ủng hộ ông Trump và tin vào nhóm chuyên gieo rắc thuyết âm mưu QAnon vẫn cố bám víu vào niềm tin, rằng vẫn "kế hoạch lớn" chống lại đảng Dân chủ cùng "nhà nước ngầm" (Deep State) chưa phá sản, dù ông Trump không còn là Tổng thống.
Cho đến nay, mọi dự báo trên các diễn đàn lan truyền thuyết âm mưu, vốn nảy nở trên mạng từ năm 2017, đều không diễn ra.
Nguy cơ vụ bạo loạn ngày 6/1 tái diễn
"Một vài người nhận ra rằng khoảng 85 năm trước, các Tổng thống từng nhậm chức vào ngày 4/3. Chúa mới biết vì sao thông tin này lại liên quan với thời hiện tại. Giờ đây, những người đó dự tính tập hợp và làm loạn Điện Capitol lần nữa", Hạ nghị sĩ Adam Smith bày tỏ lo ngại hôm 17/2.
"Những thông tin như thế đang được lan truyền. Điều đó chưa chắc sẽ trở thành hiện thực. Chúng ta cần khuyên họ đừng manh động, rằng cuộc bầu cử đã kết thúc. Ông Joe Biden đã thắng. Cuộc bầu cử diễn ra tự do và công bằng. Hãy bắt tay vào làm việc", ông Smith nói.
|
Vệ binh Quốc gia được triển khai đảm bảo an ninh cho phiên tòa luận tội cựu Tổng thống Donald Trump hồi giữa tháng 2. Ảnh: Reutes. |
Giới chức Mỹ thêm lo ngại người ủng hộ cựu Tổng thống Trump đổ về Washington, sau khi xuất hiện thông tin giá phòng tại Trump International Hotel gần Nhà Trắng tăng vọt trong đầu tháng 3.
Theo ghi nhận của Forbes, giá phòng vào các ngày 3 và 4/3 lên đến gần 1.000 USD.
Hiện tượng tương tự từng diễn ra vào ngày 5 và 6/1, khi người ủng hộ ông Trump đổ về Washington tham dự sự kiện "Tuần hành giải cứu nước Mỹ".
Từ khu vực tổ chức sự kiện, người biểu tình di chuyển đến Điện Capitol, phá hàng rào an ninh và xông vào tòa nhà để ngăn chặn lưỡng viện công nhận ông Biden đắc cử Tổng thống.
Theo Newsweek, trong đêm 6/1, sau vụ bạo loạn ở Quốc hội Mỹ, giá thuê một phòng tại Trump International Hotel lên đến 8.000 USD.
Trả lời điều trần tại Ủy ban Quân vụ Hạ viện ngày 17/2, đại diện Lầu Năm Góc Robert Salesses nói Vệ binh Quốc gia sẽ đóng vai trò "hỗ trợ phản ứng, lập vành đai an ninh và một số sứ mệnh khác".
Bộ Quốc phòng Mỹ sẽ phối hợp chặt chẽ cùng Cảnh sát Quốc hội để giám sát tình hình, xác định mức độ an ninh phù hợp tùy theo diễn biến nguy cơ.
"Chúng tôi hợp tác chặt chẽ cùng Cục Điều tra Liên bang (FBI), Cơ quan Mật vụ, Cảnh sát Quốc hội và các đơn vị khác để xác định mối đe dọa. Rõ ràng 4.900 quân là mức hiện diện rất lớn", ông nói.
Thuyết âm mưu đến từ đâu?
Lời tiên đoán ngày 4/3 của những người cuồng QAnon "bắt cầu" từ một thuyết âm mưu khác: "phong trào công dân toàn quyền". Những người ủng hộ ý tưởng này phản đối sự kiểm soát của nhà nước liên bang, cho rằng họ không cần tuân thủ luật hay đóng thuế liên bang.
Trong thuyết âm mưu nói trên, chính phủ Mỹ đã bí mật thông qua một đạo luật vào năm 1871 biến cả đất nước thành một tập đoàn. Với cách giải thích đó, những người theo thuyết âm mưu "phong trào công dân toàn quyền" tự kết luận mọi Tổng thống kể từ sau tướng Ulysses S. Grant (1869-1876) đều bất chính.
Trên thực tế, những người ủng hộ thuyết âm mưu đã diễn giải sai ý nghĩa đạo luật Quận Columbia 1987 - tuyên bố Washington D.C là đơn vị hành chính đặc biệt đóng vai trò thủ đô nước Mỹ và có phiếu bầu đại cử tri.
Sau khi nhân vật "Q" bí ẩn ngừng đăng tải và biến mất khỏi các diễn đàn cực đoan hậu bầu cử Mỹ, những người cuồng QAnon tiếp tục bám víu niềm tin với những cách giải thích thuyết âm mưu của riêng họ.
Một số nhóm bỗng đề cập đến năm 1933 - thời điểm mà Mỹ thông qua việc chuyển lễ nhậm chức Tổng thống từ ngày 4/3 sang ngày 20/1, thông qua Tu chính án 20. Đến năm 1937, ông Franklin D. Roosevelt trở thành Tổng thống Mỹ đầu tiên nhậm chức vào tháng 1.
Tuy nhiên, dựa vào thông tin lịch sử, những người cuồng thuyết âm mưu lại cho rằng ông Trump, "Tổng thống thật sự" của họ chứ không phải của "nhà nước ngầm", sẽ nhậm chức vào ngày 4/3.
|
Người biểu tình ủng hộ ông Donald Trump tấn công tòa nhà Quốc hội Mỹ ngày 6/1. Ảnh: Reuters. |
Một cơ sở khác được cộng đồng ủng hộ ông Trump vin vào chính là Đạo luật Củng cố Chuyển giao Tổng thống. Nó được soạn thảo vào năm 2019 và được chính ông Trump ký duyệt vào năm 2020.
Đạo luật này được chia sẻ rất nhiều trong các diễn đàn thuyết âm mưu vào những tuần đầu nhiệm kỳ của Tổng thống Joe Biden.
Người dùng mạng xã hội khẳng định ông Trump "vẫn giữ quyền kiểm soát quân đội trong vòng 60 ngày sau khi tân Tổng thống nhậm chức". Họ đồng thời tin rằng hiến pháp Mỹ quy định "chuyển giao quyền lực hoàn toàn sẽ không diễn ra trước tháng 3".
Reuters dẫn lại nguyên văn đạo luật và ý kiến các chuyên gia để khẳng định những nội dung trên không hề được đề cập trong văn bản gốc.
Những người cuồng thuyết âm mưu có khả năng diễn dịch sai, dù vô tình hay cố ý, một nội dung hoàn toàn khác liên quan đến chuyển giao chính phủ: "Gia hạn hỗ trợ từ Cơ quan Dịch vụ Tổng hợp (GSA) cho Tổng thống tân cử và Phó Tổng thống tân cử lên 60 ngày sau khi nhậm chức".
Điều này dĩ nhiên không đồng nghĩa ông Trump vẫn kiểm soát quân đội, hay các cơ quan liên bang, trong 60 ngày sau khi kết thúc nhiệm kỳ.
Hệ lụy nguy hiểm
Theo Southern Poverty Law Center (SPLC), tổ chức hoạt động xã hội và hỗ trợ pháp lý chống bất công và phân biệt chủng tộc tại Mỹ, những người tin vào "phong trào công dân toàn quyền" mỗi khi gặp rắc rối pháp lý thường cung cấp cho nhà chức trách "hàng trăm trang tài liệu đánh tráo pháp luật vô nghĩa" để biện hộ cho thuyết âm mưu.
FBI đã chính thức xem các phần tử cực đoan của "phong trào công dân toàn quyền" là mối đe dọa khủng bố nội địa. Một số thành viên thuyết âm mưu có liên hệ với nhiều vụ bạo lực.
Bên cạnh đó, rất nhiều lý thuyết do phong trào này và thuyết âm mưu QAnon lan truyền đều có nguồn gốc bài xích người Do Thái.
"Họ tin rằng ngày 4/3/2021 sẽ là ngày khởi đầu nền cộng hòa mới", Marc-Andre Argentino, nhà nghiên cứu về hiện tượng QAnon trên mạng xã hội và đời sống chính trị Mỹ, chia sẻ nhận định vào ngày 13/1.
"Vì sao họ lại tin vào những điều này? Hãy nhớ lại ngày 7/1, ông Trump tuyên bố 'Hành trình tuyệt vời của chúng ta chỉ mới bắt đầu'. Những người QAnon rõ ràng đã bám vào tuyên bố này", Argentino nhận định.
"Họ vin vào đó để duy trì niềm tin vào phong trào, cho rằng những gì được phát trên truyền thông chỉ là tuyên truyền. Đối với họ, quân đội và đội ngũ của Q (trong QAnon) đã tính trước hết rồi', ông nói.
|
Cựu Tổng thống Donald Trump vẫy tay chào người ủng hộ tại Palm Beach, Florida vào ngày 15/2, sau khi phiên tòa luận tội của Thượng viện Mỹ kết thúc. Ảnh: AP. |
Robert Guffey, chuyên gia về hiện tượng QAnon tại Đại học California, nhận định niềm tin của những người theo thuyết âm mưu ủng hộ ông Trump "giống như một giáo phái đang chờ sự vinh hiển được hứa hẹn".
"Điều được hứa đã không xảy ra, thế là họ phải dời sang ngày khác. Rồi nếu nó vẫn không xảy ra, họ lại đổi ngày thêm lần nữa", ông nói.
Yếu tố đáng lo ngại nhất của thuyết âm mưu ngày 4/3 là nó không xuất phát từ nhân vật Q bí ẩn, mà do những người ủng hộ thuyết âm mưu tự nghĩ ra.
Julian Feeld, người sáng lập podcast "QAnon Anonymous", nhận định QAnon đang trở thành một phong trào phi tập trung và tự vận hành với sự giúp sức của các thuật toán trên mạng xã hội.
Feeld lo ngại những thuyết âm mưu này sẽ kéo theo các vụ tấn công khủng bố theo kiểu "sói đơn độc". Tuy nhiên, những sự kiện quy mô lớn như vụ bạo loạn ngày 6/1 khó tái diễn vì không có nhân vật trung tâm kích động.