Những “đại vấn đề” đang chờ trách nhiệm

Chủ nhật, 18/03/2012, 07:59
Vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm mới đây nhất là thịt bẩn hay thịt heo siêu nạc, rồi đến... xăng pha tạp chất, xe bỗng dưng cháy bất kể xe gì - ngoại trừ xe trâu - tất cả đang trở thành hiện tượng nóng đe dọa chất lượng cuộc sống của người dân.

Thực tế cho thấy phần lớn những vụ việc nổi cộm này là do báo chí phát hiện...

“Về những chuyện thực sự bức xúc như ngộ độc thực phẩm gia tăng… nếu nói rằng các cơ quan nhà nước không có phản ứng gì thì không đúng. Chẳng hạn, Cục An toàn Vệ sinh Thực phẩm cũng đã lên tiếng nhiều lần về chuyện ngộ độc… Nhưng nhìn chung, có lẽ giới lãnh đạo chưa ý thức được rằng hoàn cảnh, môi trường đã thay đổi thì cách ứng xử phải khác đi” - TS Nguyễn Quang A nhận định.

Phải có một ông chịu trách nhiệm chứ!

. Phóng viên: Theo ông, các cơ quan chính quyền phải ứng xử như thế nào trong tình hình hiện nay?

+ TS Nguyễn Quang A, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Việt Nam - Hungary: Tôi nghĩ lẽ ra tất cả các bộ đều phải có một bộ phận có nhiệm vụ chú ý đến những hiện tượng như thế để có thể chuẩn bị sẵn sàng cho một sự kiện, biến cố quan trọng nào đó. Khi cần, lúc ông vụ phó, lúc ông vụ trưởng, lúc ông bộ trưởng, lúc thì Thủ tướng, sẽ có tiếng nói chính thức - tức là từ phía cơ quan công quyền - về một hiện tượng mà dân cần nghe họ lên tiếng. Đó có thể là chuyện lộn xộn trong xã hội, chuyện an toàn thực phẩm, ăn mặc lố lăng trên đường phố, rồi tai nạn giao thông, cướp giật...

Nhưng đó chỉ là cách ứng phó thôi, còn cốt lõi nhất vẫn phải là quản trị đất nước này sao cho ngon lành, để những chuyện như thế đừng xảy ra nhiều và đồng loạt như bây giờ.

Ngoài ra, chúng ta cũng không có thống kê, đo lường, thăm dò dư luận, không có một cơ quan nào để khảo sát tìm hiểu xem tần suất những chuyện như thế trước kia thế nào, bây giờ ra sao. Mà những nghiên cứu như thế là rất cần thiết, đối với một xã hội như chúng ta lúc này.

. Như vấn đề an toàn thực phẩm, ở nước ta có đến cả mấy bộ cùng tham gia đấy thôi: Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn…?

+ 20 ông tham gia cũng được nhưng phải có một ông chịu trách nhiệm, những vị kia không làm gì hoặc không làm được gì là do cái ông ấy. Nguyên tắc quản trị là bất kể công việc gì, phải có một cơ quan chịu trách nhiệm, trong đó phải có đích danh một người chịu trách nhiệm. Mặt khác, phạm vi trách nhiệm cũng phải được phân định rất rõ ràng, rạch ròi để người dân được biết việc nào do ai làm, lỗi này là do ông này chứ không phải bà kia gây ra. Chẳng hạn, trong giáo dục, phải phân định bậc nào là quận quyết định, bậc nào thuộc TP, bậc nào do ông bộ trưởng nắm…

Hoàn toàn do cái đầu thôi

. Nói về một vấn đề đang gây hoang mang cho rất nhiều người bây giờ là an toàn thực phẩm. Ở các nước EU, chính quyền có những quy định rất khắt khe về bảo đảm an toàn thực phẩm để bảo vệ quyền của người tiêu dùng. Ở ta, hầu như ngộ độc thực phẩm đã thành chuyện ai cũng biết và ai cũng chấp nhận, người dân phải tự tìm cách bảo vệ mình. Liệu có thể nói rằng do nước ta còn nghèo, ngân sách khó khăn, cho nên cũng không thể đòi hỏi quá nhiều ở Nhà nước?

+ Không. Hoàn toàn không phải vì mình nghèo, mình thiếu tiền mà không giải quyết được tình hình ấy. Hoàn toàn là do cái đầu của mình, tư duy của mình mà thôi. Nếu đã đặt vấn đề đúng đắn, nghiêm túc lắng nghe cách giải quyết, thì ắt phải có cách giải quyết chứ.

Đại bộ phận những chuyện như bạn nói, tôi nghĩ mấu chốt không phải tiền bạc, ngân sách, mà là phải tìm ra giải pháp đúng. Tức đó là vấn đề quản trị.

Ô nhiễm nước, ô nhiễm không khí, tắc nghẽn giao thông, ngộ độc thực phẩm là những đại vấn đề. Không thể đề cập đến chúng một cách lớt phớt như bây giờ. Không thể để tất cả những bộ phận phụ trách chúng đều là những cơ quan lép vế, không có thế gì cả.

. Liệu sự bất ổn trong xã hội hiện nay - gia tăng về tai nạn giao thông, ngộ độc thực phẩm, dịch bệnh, mất an ninh - có phải kết quả của khủng hoảng kinh tế?

+ Những chuyện như thế có nhiều nguyên nhân, không thể truy nguyên về một nguyên nhân được, dù tất nhiên kinh tế có vai trò rất quan trọng. Khi người ta mất phương tiện sống thì người ta có thể nghĩ ra những cách không hay ho gì để kiếm cho ra tiền, ví dụ trộm cướp, lừa đảo, bơm hóa chất vào hoa quả, thức ăn… Nói chung, khi khủng hoảng kinh tế thì những tiêu cực có cơ bùng phát mạnh hơn. Nhưng không hoàn toàn chỉ có nguyên nhân kinh tế mà nguyên nhân xã hội cũng quan trọng không kém. Xã hội có kỷ cương, có pháp luật thì trong khủng hoảng kinh tế cũng không có những chuyện như vậy.

Tôi vẫn muốn nói về vấn đề quản trị. Có những việc không hề nhỏ chút nào, tôi lấy ví dụ, chính quyền liệu có bao giờ tính đến việc tăng cường chăm sóc sức khỏe cho người dân bằng cách làm thế nào vận động để dân chịu khó… tập thể dục thôi chẳng hạn. Đoàn Thanh niên, Đội Thiếu niên bây giờ đang làm gì? Thời xưa Đoàn, Đội đã từng động viên thanh niên ra tiền tuyến rất tốt…

Chỉ cần làm sao để thanh thiếu niên đừng vứt rác ra đường, tham gia giao thông phải đúng luật, chịu khó tập thể dục, giữ vệ sinh chung cũng được. Những việc đó không hề nhỏ đâu. Nhưng những người đáng lẽ phải chịu trách nhiệm về việc ấy thì họ có ý thức được không về sự quan trọng của nó? Không đâu. Cho nên tôi muốn nói rằng thang giá trị của các quan chức đang bị đảo lộn, méo mó, của người dân cũng bị méo mó. Và cái đó là hết sức đáng lo ngại.

. Xin cảm ơn ông.

Theo Phapluattp

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn