PHƯƠNG TIỆN TĂNG QUÁ NHANH
Báo cáo với Phó thủ tướng và đoàn công tác, ông Nguyễn Hữu Tín - Phó chủ tịch UBND thành phố cho biết, sau nhiều biện pháp quyết liệt, hai tháng đầu năm 2012 số vụ tai nạn giao thông (TNGT) trên địa bàn đã giảm mạnh. Theo đó, TNGT chỉ xảy ra 91 vụ (giảm 46,47% so cùng kỳ năm ngoái), số người chết là 79 (giảm 46,62%), 44 người bị thương (giảm 52,69%). Cũng trong hai tháng đầu năm, toàn thành phố chỉ xảy ra một vụ ùn tắc giao thông hơn 30 phút (giảm 12 vụ so cùng kỳ).
Trong hai tháng đầu năm 2012, các lực lượng chức năng đã tăng cường tuần tra, xử phạt các đối tượng vi phạm trật tự an toàn giao thông (ATGT), với tổng số vụ việc bị xử lý lên đến 221.992 trường hợp, số tiền xử phạt khoảng 43 tỷ đồng. Trong đó, các lực lượng của Công an thành phố đã xử phạt 159 ngàn trường hợp, trấn áp nhiều vụ tụ tập gây rối, đua xe trái phép từ lúc còn manh nha. Như vậy, mục tiêu đề ra giảm 10% số vụ TNGT như cả nước đã được thực hiện rất tốt.
Tuy nhiên, ông Tín và đại diện Sở Giao thông công chánh thành phố cho biết, tình trạng ùn tắc giao thông vẫn rất phức tạp, do lượng phương tiện cá nhân (PTCN) tăng quá nhanh so với tỷ lệ gia tăng của đường sá. Hiện toàn thành phố có gần sáu triệu phương tiện, trong đó có 498.926 ôtô, 5,1 triệu môtô. Chỉ từ đầu năm 2012 đến nay đã cấp đăng ký mới cho 4.765 ôtô và 73.193 môtô. Giám đốc Sở Giao thông vận tải (GTVT) TPHCM Trần Quang Phượng so sánh: diện tích mặt đường trong năm 2011 tăng chưa được 0,3%, còn phương tiện tăng đến 13%.
Trong năm 2012, diện tích mặt đường chỉ tăng khoảng 0,2%. Chưa kể hàng triệu phương tiện mang biển số ngoài thành phố, nên nguy cơ ùn tắc vẫn rất cao. Đại diện Ủy ban an toàn giao thông quốc gia cho biết, lượng ôtô của TPHCM chiếm 30%, môtô chiếm 25% so với cả nước. Ủy ban này nhận định, chỉ trong vài năm nữa tình hình giao thông của TPHCM sẽ rất khó khăn.
PHẢI HẠN CHẾ PHƯƠNG TIỆN CÁ NHÂN
Với hiện trạng trên, để hạn chế ùn tắc và giảm TNGT, đại diện UBND thành phố, Ủy ban ATGT quốc gia, Bộ GTVT đều đề nghị Chính phủ cho phép thành phố cơ chế riêng, nhằm hạn chế PTCN và đầu tư các dự án giao thông mang tính đặc thù của thành phố. Cũng liên quan đến PTCN, nhưng ở khía cạnh khác, đại tá Ngô Minh Châu - Phó giám đốc CATP, cho biết tình trạng lạng lách, đua xe đã giảm mạnh, do các lực lượng CATP đã ngăn chặn kịp thời, bắt nhiều vụ đua xe trái phép, thu giữ nhiều phương tiện.
CATP cũng tăng cường lực lượng CSGT, cơ động tuần tra trên các tuyến đường, nhằm tăng tính răn đe đối với các đối tượng vi phạm. Với các biện pháp trên, tình hình trật tự ATGT đã được cải thiện, TNGT giảm mạnh đầu năm nay. Đại tá Châu kiến nghị cấp trên cho ý kiến chính thức về việc xử lý đối với lượng xe máy thu giữ từ các đối tượng đua xe trái phép.
Trung tướng Phạm Quý Ngọ - Thứ trưởng Bộ Công an cũng cho biết, có đến 40% người vi phạm bị xử lý tỏ ra không hiểu biết về Luật giao thông. Điều này cho thấy chất lượng đào tạo, cấp giấy phép lái xe chưa đảm bảo yêu cầu. Thứ trưởng đề nghị thành phố nên nghiên cứu áp dụng hình thức tuần tra như tổ tuần tra 141 của Hà Nội, để kiểm tra, xử lý sớm các đối tượng vi phạm về trật tự giao thông; các băng, nhóm tụ tập, tổ chức đua xe; cũng như phát hiện, ngăn chặn, trấn áp tội phạm hình sự từ sớm.
Đại tá Ngô Minh Châu báo cáo công tác chống đua xe, xử lý xe vi phạm
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đề nghị TPHCM đi đầu trong cả nước để kéo giảm khoảng 30% số vụ TNGT, số người chết và số vụ ùn tắc giao thông, vượt xa mục tiêu 10% đặt ra như đã đăng ký. Phó thủ tướng cho biết, Chính phủ đang xem xét các kiến nghị của thành phố về một loạt giải pháp nhằm giải quyết tình trạng giao thông, như thu các loại phí nhằm hạn chế PTCN, cho phép tịch thu phương tiện các đối tượng quấy rối trên đường, đua xe trái phép; đầu tư các hạng mục giao thông đặc thù cho thành phố.
Phó thủ tướng đánh giá cao phương án tách dòng xe hai bánh và ôtô trên các tuyến đường “đen” có mặt đường rộng của Sở GTVT thành phố nhằm hạn chế, kéo giảm TNGT. “Đây là giải pháp tốn ít tiền nhưng hiệu quả. Thành phố Hồ Chí Minh nên ưu tiên nguồn vốn để phát huy giải pháp này trong thời gian tới. Nhất là tại các tuyến đường “đen” về TNGT” - Phó thủ tướng khẳng định.
Về lộ trình hạn chế xe cá nhân, Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng cho biết: “Bộ GTVT đang xây dựng lộ trình hạn chế xe cá nhân và sẽ công bố lộ trình này. Có thể 10 năm nữa mới làm, nhưng phải công bố sớm để người dân chuẩn bị tâm lý. Riêng TPHCM, hạn chế xe cá nhân là tiết kiệm cho thành phố một khoản tiền rất lớn”.
Theo Báo Công An