Cảnh đó xảy ra tại nhà bạn tôi vào một trưa chủ nhật, khi tôi đến nhà anh ăn giỗ. Suốt bữa ăn, vợ anh tuy bận bịu tiếp khách nhưng vẫn lăm lăm trông chừng bé Su để nó không ăn quá mức quy định.
Sợ con ế chồng vì béo
Giải thích cho thái độ “phát xít” của mình, chị nói: “Nó bắt đầu béo rồi, phải hãm anh ạ, kẻo sau này không lấy được chồng. Thời của nó, hình thức quan trọng lắm, mặt xấu còn phẫu thuật được, chứ lùn và béo thì chết. Con Su về chiều cao thì ngon rồi, nhưng xương to, nếu béo thì thành ra to lớn lực lưỡng, nguy lắm. Con gái cứ phải chân dài nhưng mảnh mai thì mới được”. Vợ bạn tôi tâm sự, đời mẹ - là chị - đã béo vô phương cứu chữa rồi, đến tuổi này có nhịn ăn thì đám mỡ lùng nhùng cũng không biến mất được nữa, cả đời không được mặc một cái váy, cái quần bò nào chỉ vì béo. Vì thế, chị quyết không để con giẫm vào vết xe đổ đó được.
Tôi nhìn con bé, thấy nó tròn trịa đáng yêu, nhưng còn lâu mới có thể gọi là béo được. Anh bạn chép miệng: “Rõ khổ thân con bé, thèm ăn mà mẹ nó cứ cấm ngằn ngặt. Chính bạn bà ấy là bác sĩ đã nói con bé không thừa cân, nhưng có chịu nghe đâu, cứ bảo phải hãm ngay từ bây giờ, kẻo nó đã phát phì rồi thì có chữa vào mắt”.
Ảnh minh họa. |
Lát sau, ăn hết xôi trong bát, bé Su thò đũa vào đĩa, định xắn thêm xôi thì mẹ nó hét: “Thôi ngay. Con mà ăn bát nữa thì chết với mẹ đấy. Béo nứt ra bây giờ. Ăn canh đi, súp lơ luộc nữa”. Con bé thụt đũa lại, mặt cúi gằm, mắt chớp chớp. Rồi nó òa khóc. Thấy vẻ mặt ái ngại của tôi, mẹ nó trấn an rằng chuyện con bé khóc trong bữa ăn là thường, không có gì phải quan tâm; rằng ăn kiêng vừa giữ được phom, lại vừa rèn được cái nết ăn, con gái mà ăn như hổ thì còn ra cái gì nữa.
5 tuổi đã ăn theo “chế độ hoa hậu”
Cánh phụ nữ cơ quan tôi cũng giống như chị em ở mọi nơi khác, khi tụ tập với nhau thì thường nói chuyện chăm con. Chị Dương được coi là am hiểu nhất, là chuyên gia, thường đưa ra lời khuyên cho chị em. “Mọi người xem quảng cáo sữa trên ti vi thì biết, ngày xưa những đứa trẻ được chọn đóng quảng cáo thường cực kỳ bụ bẫm, nhưng bây giờ toàn những đứa roi roi người thôi. Đó là vì quan điểm dinh dưỡng đã thay đổi, trẻ con không phải cứ bụ là tốt, mà béo mới chính là đáng lo. Các mẹ Việt Nam nhà mình toàn cố nhồi nhét cho con, con càng béo càng sướng, đó là sai lầm”, Dương giảng giải. Chị cho biết hai đứa con gái của chị chẳng những không bị ép ăn mà ngay từ nhỏ đã được mẹ hướng đến một chế độ ăn khoa học, lành mạnh để có vóc dáng và làn da đẹp.
Chị Dương ốm mất bốn ngày, buổi trưa các cô trong phòng gọi điện hỏi địa chỉ rồi rủ nhau đi thăm. Chiều về cơ quan, họ nhắc đến các con của chị mà “ối giời ơi” liên tục. “Cả hai đứa đều gầy tong teo, da xanh nhợt, thế mà chị ấy cứ khen chúng nó da trắng chân dài”, một cô kêu lên. Các con chị, một 13 tuổi, một mới lên 5. Theo như các cô “buôn” lại thì chúng được mẹ “nhồi sọ” nên ăn kiêng một cách tự nguyện: nói không với đồ rán, hạn chế thịt, ăn thật nhiều rau và trái cây. Về đồ ngọt, các cô bé chỉ ăn sữa chua để bổ sung can xi và tăng chiều cao, còn sữa thì uống loại không đường.
“Khiếp, chị ấy đang nuôi hoa hậu, người mẫu chứ không phải một con bé 5 tuổi nữa”, một cô chép miệng. Có vẻ ai cũng lo lắng về sức khỏe của hai cô bé, khi cả nhà đều coi vóc dáng thanh mảnh là ưu tiên hàng đầu ngay ở tuổi cần tích lũy năng lượng này.
Bà “nhồi”, mẹ cấm, con ăn vụng
Quanh chuyện bắt con nhỏ ăn kiêng để giảm béo cũng lắm chuyện bi hài, dù đứa trẻ thực sự có béo hay không. Một cô bạn tôi than thở, con trai cô sẽ bị xơ vữa động mạch vì ông bà mất. Thằng bé mới 8 tuổi đã nặng 46 kg, béo nhất khối lớp ba của trường, đến cô giáo cũng phải gọi điện yêu cầu phụ huynh cho cháu ăn kiêng. Bạn tôi đưa con đến bác sĩ dinh dưỡng, rồi vạch ra thực đơn cả tuần cho con. Ngày ba bữa ăn thì bữa sáng mẹ kèm, bữa trưa cô kèm, riêng bữa tối thì ông bà quản lý vì mẹ đi làm về muộn.
Sau 3 tháng ăn kiêng, thằng bé tăng thêm 1 kg. Hóa ra là tranh thủ mẹ chưa về, vào bữa tối, ông bà cho thằng bé ăn tháo khoán. Biết chuyện này, bạn tôi góp ý với bố mẹ. Kết quả được cô kể lại: “Bà bảo tao chưa thấy đứa nào làm mẹ mà ác như mày, con đang tuổi ăn tuổi lớn mà bắt nó nhịn khổ nhịn sở, rằng nó thèm thì làm sao tao chịu được, tao không cho nó ăn thì mai sau nó thù tao… Rồi bà giận bảo từ giờ đi mà tự chăm lấy con, tao giả. Đấy, mẹ đẻ mà em còn bó tay, chứ chưa nói đến mẹ chồng”.
Cuối cùng, để cứu con, dù eo hẹp về kinh tế, vợ chồng bạn tôi cũng đưa con ra thuê nhà ở riêng. Thực đơn ăn kiêng được áp nghiêm ngặt. Lại ba tháng nữa trôi qua, thằng bé giảm được… 3 lạng. Bạn tôi không hiểu tại sao, bởi để phòng trường hợp thằng bé ăn vụng, cô đã thực hiện “vườn không nhà trống”, tủ lạnh chỉ có thực phẩm sống, tuyệt không có đồ ăn sẵn.
Cuối cùng, chính chồng cô phát hiện ra nguyên nhân. Hôm đó anh ốm nên nghỉ làm, con trai cũng ở nhà vì là thứ 7. Trưa, mẹ về cho bố con ăn nhưng bố mệt quá không ăn. Chiều, bố đói, chép miệng bảo giá có mẹ đun nóng đồ ăn cho. Con bảo để con đun. Bố ngạc nhiên: “Con biết làm á?”. “Vâng, con toàn tự luộc trứng với luộc khoai tây”. Ồ, hóa ra đây là cách cu cậu vụng trộm đối phó với cơn đói. Mẹ nó vẫn luôn hầu con từ A đến Z nên không bao giờ tưởng tượng bằng bé 8 tuổi tự mình làm bếp, cho dù chỉ là luộc khoai tây cả vỏ.
Giảm béo cho con quả là nan giải. Mà thực ra, ngay cả với người lớn, nó đã là cuộc kháng chiến trường kỳ chưa biết thắng hay bại, nói gì trẻ con.
Theo baodatviet.vn