Nhờ Internet mà giới trẻ ngày nay có diễn đàn để bày tỏ ý kiến, thể hiện cá tính bản thân nhưng cũng từ đó cũng lộ ra những lệch lạc về nhận thức. Đầu tháng 11/2011, dư luận phẫn nộ với Nguyễn Văn Linh, nick name “Kẹo mút chơi bời” lên mạng “khoe” thành tích đâm xe chết người. Sau khi cùng bạn gây tai nạn, thanh niên này đã viết những lời lẽ ngông cuồng trên Facebook của mình: “Xong! Chúng tôi vừa đâm vào một thằng già gần 60 tuổi… khả năng chết, xong xác”.
Sau đó hắn liên tục “cập nhật” thông tin về vụ tai nạn với những ngôn từ vô văn hóa: “Chiều qua lão chết bọn tao về uống rượu ăn mừng. Chết cái nhẹ cả người chứ cứ sống thêm làm khổ bọn tao”. Khi gặp phải sự phản ứng của cộng đồng mạng, thanh niên này còn tỏ thái độ thách thức. Sự việc chỉ chính thức khép lại khi “Kẹo mút chơi bời” ra trình diện cơ quan công an và cùng bố tới xin lỗi gia đình nạn nhân.
Việc Linh coi hành động gây tai nạn cho người khác như thành tích đáng “tự hào” là một lệch lạc trong suy nghĩ, nhưng đáng sợ hơn là nhiều thanh niên khác cũng hùa theo cổ vũ và tung hô với những từ ngữ xấc láo. Trong vài trăm bình luận về hành động của Linh có những lời khiêu khích, thách thức nhau của một bộ phận giới trẻ hung hăng, thích thể hiện.
Có vẻ khi đã núp sau những cái tên trên mạng xã hội, người ta không ngại buông lời tục tĩu xúc phạm nhau. Trong thế giới ảo có thể dễ dàng bắt gặp những lời lẽ vô văn hóa ngay cả trong phát ngôn của những cô gái. Và dường như khi “hot girl” cất lời thì điều gì cũng là “chân lý”, kể cả là những tiếng chửi thề thì người ta vẫn vào “like” (tỏ ý thích) hay nhận xét ủng hộ như thường.
Những lời lẽ tục tĩu không chỉ được dùng để nói với người lạ, mà thậm chí ngay cả những người sinh thành ra họ. “... Bố mày ức mày vkl, mày nuôi bố mày được 18 năm chứ gì, sau có bố mày nuôi mày hết quãng già đấy…”.Thật không dám tin đây là những dòng viết về mẹ của nickname BreakingBoy HuyKid.
Một đoạn status dài viết liền mạch không có dấu chấm, chứa đựng những ngôn từ có thể khiến cho người đọc cũng đắng lòng khi nghĩ về một người con như vậy. Và thật buồn khi đây không phải là trường hợp duy nhất. Gần đây xuất hiện hàng loạt status nói về cha mẹ mình bằng những lời lẽ tồi tệ. Có những câu nói thậm chí không thể trích dẫn hay đăng ảnh vì nếu cần làm mờ đi những từ ngữ nhạy cảm thì tức là phải gần như xóa hết. Cộng đồng mạng kịch liệt chỉ trích, phê phán, nhưng biết đâu trong suy nghĩ của một bộ phận giới trẻ, họ lại cho rằng như vậy là “hợp thời”?
Theo ANTĐ