Khó trả lại rừng bị mất vì thủy điện

Thứ sáu, 16/03/2012, 11:46
  Hàng ngàn hecta rừng đầu nguồn, rừng phòng hộ, đất rừng ở tỉnh Phú Yên được giao để làm các công trình thủy điện, thế nhưng việc trồng trả lại diện tích rừng bị mất, theo luật, hầu như không thể thực hiện được trên thực tế.

Hồ thủy điện đã nhấn chìm nhiều diện tích rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn ở tỉnh Phú Yên. Trong ảnh: cây rừng chết khô trong lòng hồ thủy điện Sông Hinh - Ảnh: Dương Thanh Xuân

Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên vừa có báo cáo kết quả giám sát quá trình triển khai thực hiện các dự án thủy điện trên địa bàn tỉnh này vào đầu năm 2012, nêu rõ hàng loạt tác động xấu của thủy điện đến tài nguyên, môi trường và đời sống dân sinh vùng dự án, đặc biệt là mất hàng ngàn hecta rừng.

Lấy rừng rồi... không trả

Tại Phú Yên hiện có ba thủy điện lớn đang hoạt động là Sông Hinh, Sông Ba Hạ và Krông H’Năng với tổng công suất 354MW, ngoài ra còn hai thủy điện nhỏ đang triển khai. Để làm các thủy điện nêu trên, tỉnh Phú Yên mất hơn 10.000ha đất, trong đó phần lớn là đất nông nghiệp, đất rừng và rừng phòng hộ, rừng đầu nguồn.

Ông Nguyễn Thái Học - phó trưởng Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Yên - cho biết: “Theo nghị định 23/2006/NĐ-CP của Chính phủ, “cơ quan cho phép chuyển mục đích sử dụng rừng sang mục đích khác phải đảm bảo việc đầu tư trồng rừng mới thay thế diện tích rừng chuyển sang mục đích sử dụng khác”. Tuy nhiên, qua giám sát chúng tôi nhận thấy diện tích rừng mà các chủ đầu tư, doanh nghiệp kinh doanh thủy điện trồng lại là không đáng kể so với tổng diện tích rừng đã mất để thực hiện dự án thủy điện”.

Cụ thể là tỉnh Phú Yên bị mất hơn 1.000ha rừng để “đổi” ba thủy điện lớn, nhưng do không có quy định tỉ lệ cụ thể của việc trồng lại rừng nên tổng số diện tích rừng mà chủ đầu tư các dự án này phải trồng trả lại chưa bằng một nửa diện tích bị mất. Dù vậy, đến nay việc trồng trả rừng vẫn chưa thực hiện xong. Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ chưa trồng 204ha rừng phòng hộ đầu nguồn, rừng phục hồi cảnh quan môi trường tại hai huyện Sơn Hòa và Sông Hinh. Công ty cổ phần Sông Ba (chủ đầu tư thủy điện Krông H’Năng) chưa trồng 175ha rừng theo quyết định báo cáo đánh giá tác động môi trường. Còn Công ty cổ phần Thủy điện Vĩnh Sơn - Sông Hinh có trồng một diện tích rừng ở khu vực nhà máy, song chưa đưa ra số liệu chứng minh việc trồng rừng phòng hộ đầu nguồn, trồng khôi phục diện tích rừng bị phá hủy để làm thủy điện.

Nhiều khó khăn trồng lại rừng

Cảnh báo rừng tiếp tục bị mất

Ngày 25-3-2011, UBND tỉnh Phú Yên có quyết định quy hoạch phát triển thủy điện trên địa bàn tỉnh này gồm 10 vị trí phát triển thủy điện nhỏ với tổng công suất 71,2MW. Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên cảnh báo những dự án thủy điện nhỏ này được UBND tỉnh quy hoạch chủ yếu nằm ở khu vực rừng, lưu vực các sông, suối chính nên sẽ làm mất một diện tích lớn về đất rừng, đất nông nghiệp.Theo ông Học, đáng lo trong việc xây dựng các công trình thủy điện là biểu hiện nặng về khai thác tài nguyên nước quá mức mà xem nhẹ việc bảo vệ rừng và bảo vệ tài nguyên môi trường sinh thái. Xây càng nhiều thủy điện, người dân càng mất đất sản xuất và họ đã phá rừng để sản xuất. Diện tích rừng bị mất là một trong những nguyên nhân làm thay đổi hệ sinh thái dẫn tới khô hạn, cạn kiệt nguồn nước, hoặc làm gia tăng nguy cơ lũ lụt, làm tình trạng xói mòn đất ngày càng tăng.Khi cho phép thực hiện dự án thủy điện, lại có tình trạng “quên” quy hoạch diện tích trồng trả rừng nên hiện các địa phương nơi có thủy điện không còn quỹ đất bố trí trồng lại rừng bị mất.

Ông Hoa Minh Châu, trưởng Phòng Tài nguyên và môi trường huyện Sông Hinh, cho biết huyện này đã hết đất để giao cho thủy điện trồng rừng. Ông Đặng Văn Tuần - tổng giám đốc Công ty cổ phần Thủy điện Sông Ba Hạ - thừa nhận: “Đúng là chúng tôi có chậm trồng trả lại rừng theo cam kết. Dự kiến mùa mưa năm 2012 mới có thể trồng 25/204ha. Diện tích còn lại hiện các địa phương chưa bố trí được quỹ đất”.

Một khó khăn khác mà tỉnh Phú Yên nêu ra là thiếu kinh phí trồng lại rừng bị mất vì thủy điện. “Hiện chưa có quy định doanh nghiệp trích lợi nhuận sản xuất kinh doanh thủy điện để tham gia với địa phương trồng lại rừng bị mất trên địa bàn có công trình thủy điện. Đoàn đại biểu Quốc hội Phú Yên đề nghị Chính phủ chỉ đạo chủ đầu tư thủy điện khi cổ phần hóa phải tính đầy đủ giá trị diện tích rừng bị mất, giá trị đất và xác định tổng giá trị này là cổ phần của tỉnh trong các công ty cổ phần thủy điện. Công ty phải trả cổ tức cho ngân sách tỉnh để đầu tư trồng lại rừng, xây dựng kết cấu hạ tầng và hỗ trợ đời sống, sản xuất của dân vùng dự án” - ông Học đề nghị.


























Theo tuoitre.vn


 

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn