Dịch tay chân miệng đến sớm, nhiều hơn mọi năm

Thứ sáu, 16/03/2012, 13:08
Ngay từ đầu năm dịch tay chân miệng đã xuất hiện ở miền Bắc. Cứ trung bình 10 bệnh nhân đến khám thì có 1 bệnh nhân nhiễm TCM. Bệnh nhân nhập viện ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên…

Có thể khẳng định, từ Tết nguyên đán tới nay, thời tiết miền Bắc diễn biến khá thất thường. Chính từ việc thời tiết thường xuyên thay đổi đột ngột dẫn tới việc ảnh hưởng không tốt tới sức khỏe của trẻ em. Đặc biệt, bệnh tay chân miêng (TCM) có dấu hiệu phát triển nhanh hơn mọi năm.

Các nốt ban, phỏng đỏ nổi khắp người bé
 

Theo thống kê, những năm trước, bệnh TCM ở miền Bắc thường tập trung vào tháng hè, từ tháng 5 – 6 trở đi. Nhưng năm nay, từ Tết nguyên đán tới nay, tình hình bệnh này tăng mạnh. Năm 2011 chỉ có 1.200 bệnh nhân nhiễm bệnh thì tính từ đầu năm 2012 tới nay đã có hơn 320 bệnh nhân nhập viện. Cứ trung bình 10 bệnh nhân đến khám thì có 1 bệnh nhân nhiễm TCM. Bệnh nhân nhập viện ở các tỉnh, thành như Hà Nội, Vĩnh Phúc, Hải Dương, Hải Phòng, Hà Nam, Nam Định, Hưng Yên…
 

Bác sĩ, Thạc sĩ Đỗ Thiện Hải, Phó trưởng khoa truyền nhiễm – Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, 90% bệnh nhân TCM đều có thể tự khỏi nếu có diễn biến nhẹ và được chăm sóc, dinh dưỡng hợp lý. Theo Bác sĩ Hải, nếu cháu bé có sốt, xuất hiện nốt phỏng ở TCM, các bà mẹ cũng không nên lo lắng quá, chưa cần đưa cháu nhập viện ngay mà cần theo dõi chặt chẽ để nắm được chiều hướng diễn tiến của bệnh. Cháu bé bị sốt nhưng vẫn ăn, chơi ngoan thì không nên quá lo lắng, bởi như vậy cháu bé có sức đề kháng, bệnh nhẹ sẽ tự khỏi. Nhưng nếu bé sốt cao liên tục trên 39oC, dùng thuốc hạ sốt nhưng không đỡ, hay giật mình, mệt, chậm chạp thì cha mẹ cần đưa đến bệnh viện ngay để được chăm sóc y tế cẩn thận.
 

Thế nhưng, hiện nay, nhiều cháu bé bị mắc TCM lại có biểu hiện không điển hình. Theo Bác sĩ Hải, mới đây, cháu Minh (11 tháng tuổi, ở quận Thanh Xuân, Hà Nội) bị sốt 3 ngày. Tối 12/3, cháu được đưa vào viện. Khi đó, trên tay, chân, miệng cháu mới có những nốt phỏng, nhưng đã kèm theo biểu hiện biến chứng ở não.
 

Chỉ có khoảng 25 – 27% bệnh nhi mắc TCM là có tiếp xúc với nguồn bệnh trước đó, ví dụ như có người nhà, trẻ cùng trường học, lớp học bị bệnh. Còn hơn 70% bệnh nhi mắc TCM không tiếp xúc trực tiếp với nguồn bệnh. Như vậy, nguồn bệnh chính là người lớn đã làm trung gian truyền bệnh từ trẻ này sang trẻ khác. Do đó, rửa tay bằng xà phòng không chỉ  là việc khuyến cáo với trẻ em mà còn đối với cả người lớn, sau khi đi vệ sinh, trước khi ăn, và cả sau khi trở về từ bệnh viện, đi đường về.
 

Trước tình hình dịch bệnh TCM ngày một phức tạp, các bà mẹ cần lưu ý, hằng ngày, cần giữ gìn vệ sinh cá nhân cho con trẻ, và cả người lớn. Đồng thời, cha mẹ cần theo dõi sức khỏe của con hằng ngày để có biện pháp xử lý khi con có biểu hiện sốt, bỏ ăn, ngủ không ngon giấc, khóc quấy…
 

Tính đến ngày 9/3, cả nước đã ghi nhận gần 12.500 trẻ mắc bệnh, tăng 7,46 lần so với cùng kỳ năm ngoái, trong đó 11 ca tử vong. 10 tỉnh thành có tỷ lệ mắc trên 100.000 dân cao nhất là Hải Phòng (9 tuần đầu năm có 1461 ca mắc), sau đó là Đồng Tháp (763), Đăk Lăk (457)…

Theo Infonet

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn