Năm 2011, bệnh tay chân miệng (TCM) đã khiến ngành y tế lao đao. Bước sang đầu năm 2012 loại dịch bệnh này lại bon bon thẳng tiến bởi mới hơn 2 tháng đầu năm cả nước đã ghi nhận 12.442 trường hợp mắc, TCM đã tấn công 60/63 tỉnh thành của cả nước. Mang con số trên so với cùng kỳ năm 2011 số trẻ mắc bệnh đã tăng gấp 7 lần trong đó có 11 cháu đã tử vong.
Dịch bệnh nguy hiểm đang trực tiếp đe dọa đến sức khỏe và tính mạng của trẻ em trên cả nước nhưng công tác phòng chống dịch vẫn còn “ì ạch”. Tại bệnh viện Nhi Đồng 1, từ đầu năm đến ngày 16/3 đã tiếp nhận điều trị cho hơn 1.300 trường hợp trong đó có tới 50% bệnh nhân được chuyển đến từ tuyến dưới, nhưng đa phần trong số đó trẻ mắc TCM đang tăng theo cấp "báo động đỏ"
Tiến hành khảo sát tại khu vực 3 tỉnh miền Tây, các bác sĩ bệnh viện Nhi Đồng 1 ghi nhận, trong 2 tháng đầu năm tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Vĩnh Long đã có 555 ca mắc trong đó có 1 trường hợp tử vong; Bệnh viện Đa khoa Đồng Tháp có 355 ca mắc với 1 ca tử vong; Bệnh viện Đa khoa An Giang 326 ca nhưng có đến 3 ca tử vong.
“Nhiều bệnh nhi được chuyển từ bệnh viện tuyến huyện lên bệnh viện tỉnh khi đã mắc TCM rất nặng nhưng lại được các bác sĩ tuyến huyện chẩn đoán bị sốt siêu vi, hoặc viêm phổi. Các trang thiết bị cơ bản để phục vụ cho công tác chống dịch TCM như máy thở, catheter đo huyết áp động mạch xâm lấn, máy đếm giọt, máy bơm tiêm tự động… chưa được trang bị đầy đủ. Đặc biệt chưa có bệnh viện nào có máy lọc máu liên tục cho các trường hợp TCM nặng”, TS/BS Tăng Chí Thượng, Giám đốc bệnh viện Nhi Đồng 1 cho biết.
Bên cạnh những bệnh viện “than trời” vì thiếu trang thiết bị phục vụ điều trị thì có những bệnh viện được trang bị đầy đủ các phương tiện hỗ trợ nhưng khốn nỗi “bác sĩ chưa biết dùng”. Ông Nguyễn Minh Châu, Phó cục trưởng Cục quản lý Khám chữa bệnh Bộ Y tế cho biết: “Tại bệnh viện Nhi Đồng Nai máy lọc máu đã được trang bị, bác sĩ đã qua lớp tập huấn nhưng vẫn chưa làm được. Bệnh viện Mỹ Tho, Tiền Giang có máy lọc máu nhưng chưa có bác sĩ được đào tạo chuyên sâu nên phương tiện hiện đại này đành đắp chiếu”.
Bệnh dịch TCM đang ngày một phức tạp song để tập huấn hoặc đào tạo cho đội ngũ bác sĩ vững tay nghề không phải việc có thể giải quyết trong một sớm một chiều. Hiện vẫn chưa có quy định cụ thể về việc phân tuyến theo dõi điều trị TCM nên việc chuyển viện tùy tiện thường xuyên xảy ra khiến các bệnh viện tuyến cuối rơi vào quá tải trong khi bệnh viện quận huyện không có bệnh nhân. Các chuyên gia nhận định tình trạng quá tải bệnh viện tuyến cuối sẽ ngày càng nghiêm trọng hơn trong năm nay nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời.
Trước tình hình trên, tại buổi làm việc với đoàn khảo sát tình hình dịch tay chân miệng Bộ Y tế do thứ trưởng Nguyễn Thanh Long làm trưởng đoàn, ông Hứa Ngọc Thuận, Phó chủ tịch UBND thành phố đã đề nghị các bệnh viện xây dựng vành đai phòng chống dịch tại các tỉnh. Theo đó, để phòng chống dịch TCM hiệu quả nhất, các bệnh viện đầu ngành của thành phố sẽ cử bác sĩ và chuyển trang thiết bị về tuyến tỉnh vừa điều trị vừa huấn luyện cho các bác sĩ tại đây để “giảm tải từ xa”. Tuy nhiên, đề xuất này đã “gây khó” cho nhiều bệnh viện tại thành phố bởi chính các bệnh viện này còn chưa được trang bị đầy đủ máy móc cũng như nhân sự.
Giải pháp mang tính bền vững của bệnh viện Nhi Đồng 1 cũng được đệ trình lên thứ trưởng Thanh Long. Theo đó, cần thành lập Đơn nguyên hồi sức TCM tại tuyến tỉnh để thụ dung và điều trị những trường hợp TCM nặng theo phác đồ của Bộ Y tế đã ban hành để giảm bớt các trường hợp nặng chuyển về tuyến trên. Trong tương lai, bệnh TCM sẽ được điều trị triệt để ngay tại tuyến tỉnh.
Theo dantri.vn