Đi xe buýt, xe đạp điện trong trung tâm để giảm kẹt?

Thứ bảy, 07/04/2012, 07:49
Một cá nhân đề xuất giải pháp hạn chế tiến dần đến cấm hẳn ô tô cá nhân, xe máy ở trung tâm TP. Bù lại sẽ đầu tư xe buýt VIP, xe điện, xe đạp để giải quyết việc đi lại của người dân.

Tin liên quan

>>TPHCM: Các tuyến đường cấm xe trong tháng 4 và cả năm
>>TPHCM: Cấm xe hơi trên đường Trường Sơn từ 3/4


Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo yêu cầu TP.HCM và Hà Nội xem xét giải pháp không có ô tô cá nhân và xe máy lưu thông trong khu vực trung tâm do ông Mai Trọng Tuấn đề xuất. Theo đó, khu trung tâm của hai TP này sẽ chỉ có xe buýt, xe điện bánh hơi và xe đạp thay vì ô tô cá nhân và xe máy như hiện nay.

Lập vành đai cấm xe cá nhân

Ông Tuấn lý giải về đề xuất của mình: Lượng xe cá nhân (gồm ô tô và xe máy) gần đây tăng rất nhanh, trong khi đường sá không phát triển theo kịp. Nhưng lúc này, nếu cấm ngay xe máy là đánh thẳng vào đời sống, sinh hoạt của trên 95% người dân. Còn hạn chế bằng việc thu phí cũng gây nhiều phản ứng. Nếu không có giải pháp hợp lý, thỏa đáng thì TP.HCM, Hà Nội vẫn sẽ khó giải bài toán kẹt xe.

Từ đó, ông Tuấn đề xuất lập vành đai phía ngoài khu trung tâm, chọn những vị trí thích hợp xây dựng các bãi đậu xe thông minh để người dân gửi ô tô cá nhân và xe máy. Sau đó, sẽ có đội xe buýt VIP, xe điện bánh hơi đưa người dân vào trung tâm. Mỗi người chỉ cần mua vé một lần trong ngày, muốn đi bao nhiêu lần, bao nhiêu chặng cũng được. Ngoài ra sẽ có thêm các điểm chuyên cho thuê xe đạp (có màu sơn, kiểu dáng riêng, gắn chip theo dõi) để người dân đi lại bên trong khu trung tâm. Khu vực này còn có loại hình taxi đặc biệt với giá cao hơn loại hoạt động bên ngoài vành đai để giải quyết nhu cầu đi lại gấp của một số người.
 

Thực tế này cho thấy việc hoàn toàn không có xe cá nhân (gồm cả ô tô và xe máy) ở khu vực trung tâm là rất khó khả thi. Ảnh: MP


Không dễ thực hiện!

Theo ông Tuấn, để thực hiện ý tưởng trên, đầu tiên cần vận động và dần tiến đến “cưỡng chế” những người đi ô tô cá nhân không được đi vào trung tâm TP trong năm giờ (cao điểm) một ngày, từ thứ Hai đến thứ Sáu. Như vậy, mỗi tuần những người có ô tô cá nhân sẽ sử dụng ít đi 25 giờ. Khi đó sẽ không cần phải thu phí hạn chế xe cá nhân nữa. TP.HCM cũng không phải tốn khoảng 1.200 tỉ đồng để thực hiện dự án thu phí ô tô vào trung tâm giờ cao điểm. “Khi thói quen đi lại của người dân đã thay đổi, hệ thống bãi giữ xe hình thành, xe điện, xe buýt phát triển… thì bắt đầu thực hiện không cho xe máy vào nội thành” - ông Tuấn nói.

Một lãnh đạo Sở GTVT nhận xét: Việc người dân tham gia đóng góp các giải pháp giúp giải quyết kẹt xe là điều đáng hoan nghênh. Nhưng đề xuất của ông Tuấn có một số điểm không hợp lý. “Việc lập vành đai và cấm hẳn xe cá nhân ra vào vùng trung tâm còn khó thực hiện hơn cả biện pháp hạn chế xe cá nhân nên không dễ được chấp nhận. Dùng xe đạp thay cho xe máy cũng khiến mọi người mất nhiều thời gian đi lại hơn, trong khi diện tích chiếm chỗ của hai loại xe này tương đương nhau. Ưu điểm, có chăng là ít tai nạn, giảm thiểu ô nhiễm không khí do xe đạp chạy chậm hơn và không phát sinh khói bụi” - vị này nói.

Cũng vị lãnh đạo này, nếu lập các bãi giữ xe ở các vùng cửa ngõ thì cùng một thời điểm, người dân đổ xô vào gửi hoặc lấy xe thì “đường nào chịu cho nổi”. Thực tế hiện nay cho thấy chỉ cần một trung tâm tiệc cưới cùng lúc có vài tiệc cưới, khi tiệc tan thì giao thông trong khu vực ngay lập lức rối loạn. Tương tự, nếu nhiều người cùng lúc tập trung ở vành đai thì chuyện ùn tắc nghiêm trọng ở các bãi giữ xe là không thể tránh khỏi.

Một số chuyên gia giao thông cũng cho rằng đề án còn hàng loạt vấn đề chưa được giải quyết. Cụ thể, lấy quỹ đất đâu để xây dựng hệ thống bãi đậu xe. Không gian, cảnh quan của TP sẽ ảnh hưởng thế nào nếu xây các bãi đậu xe trên kênh rạch. Mặt khác, chi phí xây dựng hệ thống bãi đậu xe, đầu tư xe buýt, xe điện, xe đạp… sẽ là con số khổng lồ, TP khó tìm được nguồn vốn đầu tư.

Cấm ô tô tức khuyến khích xe máy

PGS-TS Phạm Xuân Mai, ĐH Bách khoa TP.HCM, nhận xét: Những người có ô tô thường cũng có xe máy. Cho nên việc chỉ hạn chế ô tô cá nhân vào trung tâm thì không khác nào khuyến khích xe máy phát triển. Trong khi đó, xét về tai nạn giao thông, người đi xe máy chịu nhiều nguy cơ và rủi ro hơn so với ô tô. Thực tế cũng chứng minh có trên 70% tai nạn giao thông có liên quan đến xe máy. Ngoài ra, xe máy chiếm đến 79% lưu lượng giao thông trên đường nên đây là nhóm đối tượng gây ra ùn tắc giao thông cao hơn ô tô. Do vậy, chọn loại đối tượng nào để hạn chế trước là điều cần phải xem lại.

Theo Pháp luật TPHCM

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn