Ăn món gỏi: coi chừng sán lá gan

Thứ hai, 16/04/2012, 16:03
Món gỏi cá hoặc cá sống, tôm sống… ăn với mù tạt rất được ưa chuộng ở hầu hết các vùng của nước ta. Những món ăn nói trên đúng là rất ngon miệng nhưng điều ít người biết rằng đó là con đường lan truyền rất dễ của ấu trùng sán lá gan.

Các tin khác

>>Mất ngực, hỏng tay vì chữa ung thư bằng thuốc Nam
>>TP.HCM: Tưởng thức ăn, nuốt luôn chai dầu gió vào bụng


Các món rau sống tập hợp những rau củ mọc dưới nước (cần nước, rau muống, cải xoong, rau ngổ, củ niễng, ngó sen...) cũng có mặt thường xuyên hơn trong các bữa ăn gia đình.

Những món ăn nói trên đúng là rất ngon miệng nhưng điều ít người biết rằng đó là con đường lan truyền rất dễ của ấu trùng sán lá gan, nếu việc xử lý và chế biến không cẩn trọng. Đây không phải là sự suy diễn, bởi kết quả ghi nhận về điều trị của các cơ sở y tế cho biết hầu hết những người mắc bệnh sán lá gan đều đã có nhiều lần ăn gỏi cá và các món rau củ sống trồng dưới ao hồ.

Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Quy Nhơn đã từng cảnh báo rằng từ đầu năm 2009 đến nay, bệnh sán lá gan cùng lúc xuất hiện trên nhiều tỉnh, thành khu vực miền Trung - Tây Nguyên.

Còn theo điều tra của Viện Sốt rét - Ký sinh trùng và Côn trùng Trung ương thì tỉ lệ mắc bệnh sán lá gan tại đồng bằng sông Hồng có nơi đã lên tới 33%. Sán lá gan vào trong cơ thể sẽ làm ngăn cản sự lưu chuyển máu trong gan, làm cho gan không có khả năng sản xuất chất dinh dưỡng, không còn khả năng làm sạch máu và mất chức năng khử độc. Những người ăn cá sống thường xuyên sẽ có tần suất rủi ro bị xơ gan trên 50%.

Ở nước ta, các khảo sát của ngành y tế đều khẳng định có sự hiện diện của cả loài sán lá gan nhỏ và sán lá gan lớn nhưng từ trước đến nay, chúng ta chú ý nhiều đến sán lá gan nhỏ, vì bệnh này rất phổ biến ở các vùng nông thôn đồng bằng. Những năm gần đây, bệnh sán lá gan lớn đột nhiên phát triển mạnh ở nhiều nơi và ít nhất là đã có đến 45 tỉnh, TP ghi nhận có các ca bệnh này.

Chu kỳ của loài sán lá gan rất phức tạp. Chúng đẻ trứng rất nhỏ, trứng theo mật vào ruột và đào thải ra ngoài theo phân, trôi xuống nước phát triển thành ấu trùng, tìm ốc, cá, rau, củ ký sinh và tiếp tục phát triển thành những nang trùng. Khi chúng ta ăn phải các loại cá, ốc, rau, củ không được nấu chín kỹ hoặc ăn sống sẽ mang theo cả nang trùng sán vào cơ thể và mắc bệnh. Ngoài ra, chúng ta cũng có thể mắc do uống nước lã có nang trùng sán.
 

Các món gỏi có chứa sán lá gan (Ảnh minh họa)
 

Người bị bệnh sán lá gan thường có những triệu chứng sốt thất thường, người gầy sút, phù nề, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, buồn nôn, thiếu máu, đau tức ở vùng gan... Bệnh nhân có thể bị vàng da, nôn ra máu, rối loạn tim mạch. Trường hợp nặng và không điều trị kịp thời có thể dẫn tới xơ gan cổ trướng, áp xe gan thoái hóa, rất dễ tử vong.

“Ăn chín, uống sôi” là câu nhắc nhở chúng ta tránh nhiều nguy cơ không tốt đối với sức khỏe và thực sự là bài học tốt nhất cho những ai muốn phòng ngừa để không nhiễm sán lá gan.

Theo NLĐ

Các tin cũ hơn