>>Thiết bị mới cho phép cha mẹ chứng kiến giây phút con thành hình
>>Không được tự điều chỉnh mức thu viện phí
Hình thành từ cuối năm 1999, bắt đầu triển khai vào năm 2004, Ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu huyết học vừa nhận quyết định của UBND TP HCM để chính thức đi vào hoạt động. Đây là bệnh viện đầu tiên tại thành phố có ngân hàng tế bào gốc.
Theo đại diện bệnh viện, ngân hàng giữ khoảng 3.000 mẫu tế bào gốc máu cuống rốn và tế bào gốc máu ngoại vi, phần lớn do người dân hiến tặng.
Kể từ nay, phụ huynh có nhu cầu gửi máu cuống rốn chữa bệnh cho con thì có thể đăng ký để làm xét nghiệm ở tuần 35 của thai kỳ. Người gửi không bị nhiễm viêm gan siêu vi, HIV hoặc mắc các bệnh lây qua đường máu… Sau khi đạt tiêu chuẩn, đến ngày sinh, sản phụ sẽ báo cho ngân hàng biết để nơi này cử nhân viên đến lấy máu ngay lúc em bé chào đời.
Mẫu màng cuống rốn sau đó được chuyển về phòng xét nghiệm, phân lập tế bào gốc và được lưu trữ trong nitơ lỏng âm 196oC. Máu cuống dây rốn có lợi thế là vừa vệ sinh vừa cho lượng tế bào gốc cao hơn ở tủy xương. Ước tính một dây rốn có diện tích 330 cm2, sau khi được nuôi trong ống nghiệm 3 tuần, sẽ thu được 6 tỷ tế bào. Các tế nào này được biệt hóa thành các loại tế bào da, xương, sụn, mô… dùng để điều trị bệnh.
Sau khi nuôi cấy tế bào gốc từ máu cuống rốn, các bác sĩ sẽ biệt hóa thành tế bào của nhiều cơ quan trong cơ thể người. Các tế bào này có thể dùng chữa bệnh cho người gửi
Theo bác sĩ Trần Trung Dũng, Ngân hàng Tế bào gốc - Máu cuống rốn Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM, cho đến nay, trên 70 bệnh lý được điều trị bằng phương pháp ghép tế bào gốc.
Một số bệnh lý đã thường được chỉ định ghép gồm bạch cầu cấp dòng lymphô, bạch cầu cấp dòng tủy, bạch cầu mãn dòng tủy, hội chứng loạn sinh tủy, suy giảm miễn dịch kết hợp trầm trọng, thiếu máu Fanconi, suy tủy nặng, lymphoma suy tủy dòng hồng cầu, thiếu máu hồng cầu liềm.
Những nghiên cứu gần đây cũng cho thấy tế bào gốc hệ tạo máu có thể biệt hóa thành những tế bào của những mô khác như cơ tim, tế bào não, tế bào gan, tế bào da, tế bào phổi, tế bào thận, tế bào ruột và tế bào tuyến tụy…
Hiện chi phí lưu trữ và nuôi cấy tế bào gốc trong năm đầu tiên ước tính khoảng 25 triệu đồng cho một đơn vị, cho 17 đến 19 năm tiếp theo là gần 35 triệu đồng.
Đại diện phòng Nghiệp vụ y, Sở Y tế TP HCM, cho biết, từ nay không chỉ lưu trữ máu cuống rốn, ngân hàng tế bào gốc Bệnh viện Truyền máu huyết học TP HCM còn thực hiện lưu giữ tế bào gốc tủy xương.
Theo VnExpress