Hà Nội: Xót lòng bữa cơm 9.000 đồng/suất của công nhân

Thứ ba, 24/04/2012, 17:13
Với giá 9.000 đồng/suất, bữa tối của những công nhân ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) hiện chưa bằng một… cốc trà chanh vỉa hè!

Các tin khác
>>Hà Nội: Thực phẩm, rau quả giảm giá
>>Lương chạy không kịp giá thực phẩm


Chỉ với 5.000 đồng cà muối, 3.000 đồng/mớ rau ngót, 5.000 giá đỗ, 1.000 hành tươi, 8.000 đồng/4 lát đậu phụ và 5.000 đồng thịt lợn, 3 người công nhân đã cảm thấy mãn nguyện với bữa tối thuộc diện “sang” so với mặt bằng hiện nay của mình.

Tính ra, mỗi người trong số họ chỉ mất 9.000 đồng/suất ăn và nhiều khi họ sẽ phải sử dụng nguồn năng lượng đó để thức trắng đêm làm việc tại các nhà máy.

Mọi sự so sánh đều là khập khiễng, nhưng quả thật, bữa tối của những công nhân này chưa đáng giá bằng một cốc trà chanh vỉa hè (trung bình 10.000 đồng/cốc).


Chuyện mỗi công nhân ở Sài Đồng (Long Biên, Hà Nội) chỉ dám tiêu chưa đầy 10.000 đồng/bữa ăn, đôi khi còn là bỏ bữa để có đủ tiền thích ứng với cuộc sống thời bão giá không còn là chuyện bịa đặt nữa.

Theo khảo sát của PV VTC News, hiện nay, mỗi công nhân làm việc tại một nhà máy lớn ở khu Sài Đồng (Long Biên, HN) chỉ nhận được mức lương 2,2 triệu đồng/tháng với thời gian làm việc 8 tiếng/ngày.

Với mức lương đó, nhiều người thậm chí còn không đủ tiền trang trải cuộc sống như: thuê nhà trọ, ăn uống hàng ngày, mua sắm đồ đạc trong nhà, tiền ma chay/hiếu hỉ chứ chưa nói gì tới tích lũy hoặc nuôi con nhỏ/bố mẹ già.

Để đủ tiền trang trải cuộc sống cũng như nếu muốn có tích lũy riêng, họ phải làm thêm giờ (khoảng 3 tiếng/ngày, bất kể ngày/đêm). Khi đó, mức lương họ nhận được rơi vào khoảng gần 4 triệu đồng.

Hãy cùng chúng tôi theo chân Thảo – một công nhân của Công ty TNHH Hệ thống dây SUMI- HANEL (Sài Đồng, Long Biên, HN) đi chợ mua đồ chuẩn bị cho bữa tối để hiểu hơn về cuộc sống nơi đô thành của cô cũng như những người cùng cảnh ngộ:


 
Dù không chủ bụng mua nhiều đồ, nhưng Thảo vẫn rục rịch ra chợ từ sớm để có thể chọn được những thực phẩm tươi, ngon nhất. Cô tới chợ từ lúc mới chỉ có loáng thoáng vài bóng người qua lại.

Mặc dù người bán lòng lợn, gan, dồi nóng hổi cũng như chủ quầy thịt gà cạnh đó luôn miệng chào mời với những lời đường mật, có cánh, nhưng chỉ nhận được cái lắc đầu nhẹ và cười trừ của cô bé.

 
Thảo dừng chân tại quầy bán thịt lợn cạnh đó để nghe ngóng giá cả trước khi mua.  “Nhiều khi hỏi giá mà không mua người ta mắng cho đấy chị ạ. Nên em cứ đứng đó nghe ngóng xem người khác hỏi giá ra sao đã”, Thảo nói.

 
Với mức giá cao đến chóng mặt, từ 11.000 – 13.000 đồng/ lạng thịt lợn, Thảo định bụng sẽ đi mua rau và nguyên liệu chế biến các món khác trước, nếu còn thừa tiền mới quay lại quầy này.

Để tránh mua phải rau bị phun nhiều thuốc kích thích, chất bảo quản “vừa đắt, vừa nguy hiểm” của dân buôn, Thảo dừng chân hỏi giá mấy loại rau của các cụ bán rong gần quầy thịt đó.

Sau khi biết bầu nước 10.000 đồng/quả, rau ngót 4.000 đồng/mớ, đỗ 15.000 đồng/kg, cô nàng quyết định mua 1 mớ rau ngót và không quên mặc cả xuống còn 3.000 đồng. 

Sau đó cô vòng qua cửa hàng tạp hóa gần đó để mua 5.000 đồng cà muối.


Tiếp đến, Thảo tới cửa hàng chuyên bán đậu mà cô nàng là khách “ruột” của họ hỏi mua 4 bìa đậu với giá 8.000 đồng. 

 Để món giá đỗ xào không quá “trơ”, Thảo quyết định mua thêm 1 ít thịt lợn cho vào. Năn nỉ mãi, cô bán hàng mới chịu bán cho Thảo chút thịt bị cắt thừa thẹo, chẳng ra tấm ra miếng với giá 5.000 đồng kèm lời dặn dò: “Lần sau có ăn gì là phải mua cho chị đấy nhé. Giờ ai còn bán 5.000 đồng thịt nữa”.


Mặc dù còn trong tay hơn 50.000 đồng nữa, nhưng Thảo vẫn không dám “tự mình quyết định mua hoa quả”.  Thảo nói: “Dù hôm nay dưa chuột rẻ bất ngờ, chỉ có 6.000 đồng/kg, nhưng vì đây là tiền quỹ chung của cả phòng nên em không dám tự ý tiêu xài.

Bình thường bọn em cũng ít khi mua hoa quả lắm”. Thế là sau một hồi khảo giá, “ngắm cho đã mắt”, cô nàng quyết định ra về mà không mua thêm bất cứ thứ gì nữa.


Sau khoảng 30 phút, bữa tối đã sẵn sàng với chỉ các món: cà muối sẵn, canh rau ngót, đậu phụ luộc và giá đỗ xào lớt phớt thịt, suất của 3-4 người ăn. 
 

Một người bạn cùng phòng với Thảo chia sẻ: “Ăn thế là còn sang đấy chị ạ. Ngày thường có khi bọn em chỉ ăn cơm với rau luộc và muối vừng/lạc bố mẹ gửi từ quê ra thôi. Cũng có lúc bọn em đi xin sung của các bác nhà bên cạnh về muối, ăn dần thay rau”.

Trong khi đó, bản thân Thảo cho biết: “Đã là ăn chung thì không có chuyện phải nấu món gì cho hợp với khẩu vị của mỗi người. Thông thường thì món nào rẻ, tiết kiệm nhất, bọn em sẽ chọn để nấu. Ngay cả khi ăn, cũng phải nhìn nhau chứ không phải cứ món sở trường liên tục “chén” mà được”.
 
Theo VTC News

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn