>>Mẹ chồng 'xúi' chồng tôi ngủ với em tôi để có con
>>"Sách lược" mẹ chồng thời nay
>>Mẹ chồng "giành giật" với con dâu như "tình địch"
Mẹ chồng - con dâu hòa thuận không phải dễ dàng có được. Ảnh minh họa
Cách đây 3 năm, theo chân mấy bà bạn đi chùa lễ bái, bà Trương muốn toàn tâm toàn ý tu nhân tích đức, làm thiện quên ác để tạo nghiệp lành cho con cháu về sau. Ban đầu, bà chỉ đi chùa vào những ngày lễ, ăn chay trong ngày mồng 1, 15 hàng tháng, thời gian còn lại, bà trông cháu giúp con, sửa soạn việc gia đình.
Dần dần, bà “nâng cấp” số ngày đi lễ lên gần nửa tháng, bỏ cả việc nhà lẫn cháu chắt. Về nhà, bà gõ mõ tụng kinh cả đêm vì nghĩ Phật ở cao xanh, phải gõ to, tụng kinh lớn mới nghe thấy. Người già khó ngủ nên đêm nào bà cũng dậy tụng kinh khiến cho con cái mất ngủ theo.
Dù đã đóng kín cửa nhưng tiếng niệm Phật giữa đêm khuya thanh tịnh của bà gây phiền hà không ít cho hàng xóm, láng giềng. Đã bao lần con cái góp ý, bà đều nổi giận mắng lại con vì tội cản trở mẹ hướng về Phật.
Không chỉ có chuyện tụng kinh, gõ mõ, chuyện ăn chay của bà cũng khiến con cháu bị ảnh hưởng theo. Từ ngày ăn chay, bà không còn vào bếp giúp con dâu như trước. Ngày xưa mỗi lần bận việc, con dâu bà yên tâm vì đã có bà ở nhà chợ búa, cơm nước hộ. Giờ thì việc đó bà tuyệt đối không làm cho rằng người ăn chay không nấu đồ mặn.
Bữa cơm, bà Trương chủ trương ăn riêng cho... thanh sạch. Ngày lễ, Tết, bà ngồi mâm riêng, để các con cháu ngồi phía dưới. Có hôm, con trai đang làm thịt gà, bà vội vã chắp tay khấn niệm với... con gà trên thớt, cầu xin tha thứ tội sát sinh… Bữa nào con cháu ăn nhiều thịt là bà không hài lòng vì cho rằng sát sinh quá nhiều.
Các con bà cũng không dám mua nhiều đồ ăn ngon về nhà hay tụ tập nhóm bạn, có muốn thì rủ nhau ra ngoài. Mâu thuẫn mẹ chồng, nàng dâu cứ thể nảy sinh ngày càng nhiều. Chuyện “tu tại gia” vô tình khiến bà trở thành người lập dị, cô lập với mọi người trong gia đình.
Hướng đến cõi Phật, đến những đức tin tốt lành đó là nét văn hóa đẹp trong lòng người Việt từ bao đời nay. Những người mẹ trong gia đình đóng vai trò chủ chốt có theo đuổi niềm vui riêng ấy cũng phải biết hài hòa làm sao để không ảnh hưởng đến sinh hoạt gia đình và hàng xóm.
Phật dạy, “thứ nhất là tu tại gia, thứ hai tu chợ, thứ ba tu chùa”, việc tu nhân tích đức còn thể hiện ở cách ứng xử trong cuộc sống hằng ngày với gia đình, bạn bè, hàng xóm, làm việc thiện, điều lành. Chớ vì quá mê, quá say mà “tu” không đúng cách, dẫn đến những mâu thuẫn trong gia đình, tạo khoảng cách cho con cái và rạn vỡ hạnh phúc mà người mẹ dồn công vun đắp, gìn giữ.
Theo Phụ Nữ Thủ Đô