Con gái nhà giàu đi làm… ôsin

Thứ ba, 08/05/2012, 11:00
Ôsin dặn bà chủ mua hộ đồ mặc ở nhà, phải là hiệu Winny. Thấy ai nấy ngạc nhiên, bà chủ giải thích: “Tiền nó tự trả, nó là con nhà giàu đó”.

>>Thu nhập osin đè bẹp lương thạc sĩ
>>Ôsin lương 3.000 USD/tháng nói gì?
>>"Ôsin" Việt nhận lương 100 triệu đồng/tháng

Buổi trưa, mấy cô bạn làm cùng phòng rủ chị Mai ra trung tâm thương mại mua sắm và ngắm hàng hiệu cho đã mắt. Chị Mai ngần ngừ không muốn đi, nhưng rồi lại gật đầu: “Ừ, nhân tiện chị vào Winny mua cho con bé giúp việc bộ đồ mặc ở nhà”.

Bỏ ra Hà Nội làm ôsin vì thấy… vui

Đồng nghiệp của chị Mai ai nấy nhảy dựng lên: “Cái gì? Mua đồ Winny cho ôsin? Chị đại gia vừa chứ, bản thân em còn chưa dám mua cho mình mặc đây”. Mai vội vàng thanh minh: “Không phải chị mua cho nó, mà con bé nhờ chị mua, nó trả tiền. Nó dặn là cô phải mua cho cháu đồ Wow hoặc Winny giống như cô chứ cháu không thích mặc đồ vớ vẩn cô mua ở chợ”. “Thế chị trả lương nó bao nhiêu vậy?”. “Hai triệu rưỡi”.

Mọi người nghĩ, con bé này ấm đầu rồi chắc, ôsin mà dám bỏ bốn năm trăm nghìn để mua 2 bộ đồ mặc ở nhà, còn đâu tiền mà gửi về quê cho gia đình. Nhưng tiết lộ của Mai càng làm mọi người sốc hơn: “Nó là con nhà giàu ở Thanh Hóa đấy, bố mẹ nó kinh doanh hải sản, khá lắm. Anh chị nó đều học đại học cả”.
 

So với những tiểu thư chỉ biết ăn diện và moi tiền của bố mẹ đi vũ trường, những cô bé giúp việc này còn đáng trọng hơn nhiều”
 

Hồng, cô bé giúp việc nhà chị Mai, năm nay 17 tuổi, đã có thâm niên đi làm ôsin 3 năm. Hồi đó, thấy bạn bè nhiều đứa ra Hà Nội làm có tiền, Hồng thấy hay hay, cũng thích tự mình làm ra tiền, vừa tự do vừa đỡ phải… đi học.

Thế là học xong lớp 8, cô bé đã trốn bố mẹ, khăn gói ra thủ đô làm giúp việc, rồi viết thư báo với bố mẹ là con đi bán quần áo. Đã mấy lần bố Hồng lần ra được “hành tung” của con gái, lôi cổ về quê bắt học lại, nhưng chỉ được mấy tháng là cô bé lại trốn ra Hà Nội để thoát nợ học hành, họ đành bó tay.
 
Chị Mai cho biết, cô bé này cũng ngoan và hay lam hay làm. Bình thường vào các dịp Tết, Mai lo cuống lên vì không có người giúp việc, phải trả tiền công bằng cả tháng lương cho mấy ngày Tết, kèm theo đủ thứ quà cáp. Nhưng từ hồi có Hồng thì khỏi lo.

“Nó bảo Tết về quê cũng chả biết làm gì, chơi thì chán, nên cô trả cao như vậy cháu tội gì không làm. Thế nhưng nó cũng thuộc loại không cần tiền, bảo cháu thích làm thì làm thôi chứ cô trả lương bao nhiêu cũng được, lương của nó trừ khi nó sắm cái nọ cái kia, còn thì chị cứ vài tháng một lần tự gửi cho bố mẹ nó”, Mai kể.
 
Đầu hàng cô con gái ẩm ương, bố mẹ Hồng đành mặc con đi làm giúp việc, chỉ biết thường xuyên gọi điện gửi gắm gia chủ trông nom, bảo ban giúp. Mai cho biết cô bé rất gắn bó với gia đình chị, vì vậy năm sau, khi mấy đứa trẻ con nhà chị đều đi học cả, Hồng, khi đó cũng đã lớn, sẽ không giúp việc nhà ai nữa mà sẽ đi học nghề. Tuy nhiên, cô bé kiên quyết chọn trường học nghề ở Hà Nội chứ không phải ở quê.

“Đi ở” để trả thù bố mẹ
 

Ảnh minh họa
 

Dung, cô bé giúp việc 18 tuổi nhà chị Vinh, lại là tiểu thư của một gia đình giàu có ở Tuyên Quang, đến nhà chị từ cuối năm ngoái. Ngay từ đầu, Vinh đã thấy lạ vì cô bé này tuy không phải là xinh nhưng dáng điệu không giống con nhà nghèo hay nông thôn, bàn tay bàn chân lại nuột nà không có vẻ phải làm việc nhiều.

Được cái cô bé rất biết việc, các công việc trong nhà hay cách vận hành các thiết bị, máy móc, chị chỉ cần nói một lần là Dung làm ro ro. Cô thiếu nữ cũng ăn nói dễ nghe, cư xử khá ý tứ nên gia đình chị Vinh rất hài lòng, trừ tính ương bướng thỉnh thoảng bùng phát. Những lúc đó, trông Dung rất bất cần, chẳng sợ gì chủ nhà, sẵn sàng khăn gói ra đường ngay lập tức. Vinh tuy cũng bực nhưng vì cô bé rất được việc nên chị nghĩ thôi cũng thông cảm cho lứa tuổi ẩm ương.
 
Mãi gần đây, khi cô cháu thân nhau hơn, Dung mới kể thật hoàn cảnh của mình và lý do đi làm giúp việc. Hóa ra bố mẹ Dung ở quê thuộc loại “có máu mặt”. Cô bé học hành cũng khá. Giữa năm lớp 12, Dung yêu một cậu bạn cùng trường. Cậu này chẳng những con nhà nghèo, chẳng đẹp trai mà còn học dốt, chỉ mỗi được cái khéo mồm, thế nên bố mẹ Dung ra sức ngăn cấm. Dung nài nỉ, thuyết phục bố mẹ, hứa vẫn học tốt… nhưng không được.

Nhưng với tính bướng bỉnh, cô bé vẫn tiếp tục yêu cậu bạn kia, mặc cho bố mẹ mắng nhiếc mỗi lần trốn đi hẹn hò. Một lần, bố cô giận quá đánh cho một trận đau, và tuyên bố “một là bỏ thằng kia, hai là bước ra khỏi nhà tao”.
 
Sáng hôm sau, bố mẹ Dung phát hiện ra con gái đã biến mất cùng quần áo và một ít tiền. Cô bé viết giấy để lại, nói rằng con chọn phương án hai của bố, con sẽ xuống Hà Nội đi ở cho người ta để kiếm tiền chứ không thèm ở nhà mà bị bố mẹ chia rẽ tình yêu, rằng con vay tạm bố mẹ ít tiền, sẽ trả lại đầy đủ.

Nghe xong chuyện, chị Vinh cũng thấy ngại, bèn khuyên Dung nên quay về nhà, nhưng cô bé sửng cồ lên: “Cô không thích cho cháu làm thì cháu sang ở nhà khác, chứ không về đâu. Bố mẹ cháu biết cháu đi ở thì chắc là đau lắm, nhưng như thế càng tốt. Tiền cháu lấy, cháu cũng gửi về trả đủ rồi. Ít nữa để được chút vốn, cháu sẽ đi học nghề chứ không thèm ăn bám bố mẹ đâu”.
 
Nói về chuyện yêu đương, cô bé sôi sùng sục: “Cái thằng ấy, cháu đi được mấy tháng là nó yêu đứa khác rồi cô ạ. Cháu cũng chả cần. Lúc đầu cháu tức quá định bắt xe về chửi cho nó một trận, tát cho nó hai cái rồi chia tay luôn. Nhưng sau cháu nghĩ về cũng mất tiền xe mà cháu thì không muốn tốn tiền vì cái thằng ấy”.
 
Bạn bè chị Vinh nghe chuyện cô giúp việc con nhà giàu vì giận bố mẹ mà bỏ đi làm osin thì người thấy buồn cười, kẻ thấy tội cho bố mẹ cô gái, chỉ vì giận đấng sinh thành mà bôi tro trát trấu vào mặt họ, làm cái công việc hèn kém không xứng với gia thế.

Nhưng Vinh lại nghĩ khác: “Biết bao nhiêu cô gái khi giận bố mẹ bỏ nhà đi đã sa ngã, đi vào con đường lầm lạc, mất hết danh dự. Còn cô bé này tuy là cũng có lỗi với bố mẹ nhưng đã biết chọn một công việc lương thiện, tự lo cho bản thân, và cũng có hướng rõ ràng cho tương lai. So với những tiểu thư chỉ biết ăn diện và moi tiền của bố mẹ đi vũ trường, những cô bé giúp việc này còn đáng trọng hơn nhiều”.
Theo Đất Việt

Các tin cũ hơn