>> Nguyên Thứ trưởng bàn chuyện phụ huynh đạp đổ cổng Trường Thực nghiệm
>> Hà Nội: Đạp đổ cổng trường, xô đẩy xin học lớp 1
>> Một quả bom phát nổ trên công trường Quốc lộ 1A
>> TP HCM: Công trường đào đường, nhìn mà ớn!
Học sinh lớp 1 trường Thực nghiệm trong một tiết học Toán. Ảnh: Hoàng Thùy.
- Lãnh đạo trường nghĩ gì trước hình ảnh phụ huynh xô đổ cổng sắt, tranh giành mua đơn vào lớp 1?
- Chúng tôi rất buồn sau vụ việc phụ huynh chen lấn, xô đẩy sáng 12/5. Chúng tôi thông cảm với phụ huynh và việc đạp đổ cổng trường là tai nạn đáng tiếc. Nhà trường mong muốn tuyển sinh tốt đẹp, phụ huynh muốn con mình được vào học và sự việc đó không ai muốn xảy ra.
Mọi năm chuyện xếp hàng mua đơn vào lớp 1 cũng diễn ra căng thẳng nhưng chưa bao giờ như năm nay. Năm ngoái, phụ huynh đến sớm vẫn mua được đơn, tất nhiên muộn thì không còn. Nhà trường không thể ngờ năm nay số phụ huynh quan tâm đến tuyển sinh lớp 1 đông như thế, điều này nằm ngoài suy đoán.
Nguyên nhân dẫn tới số lượng phụ huynh đăng ký tăng đột biến có lẽ do vài năm gần đây những lứa học sinh ra trường đạt thành tích cao, hoặc có thể trường Thực nghiệm tuyển sinh sớm, tâm lý phụ huynh là "cứ cho con thử xem, được thì tốt không được thì thôi".
Hiệu phó Lê Thị Mai Hương cho rằng để một đứa trẻ có tư duy xuất sắc phụ thuộc vào nhiều yếu tố chứ không chỉ riêng đào tạo của trường. Ảnh: Hoàng Thùy. |
- Nhiều phụ huynh cho rằng cách thức tuyển sinh chưa khoa học, hạn chế hồ sơ đăng ký dự thi là nguyên nhân dẫn tới những hình ảnh phản cảm sáng 12/5. Bà giải thích thế nào?
- Để chuẩn bị cho mùa tuyển sinh, nhà trường đã chuẩn bị phân công tất cả các bộ phận, thông báo kế hoạch cho phụ huynh. Chúng tôi cũng chuẩn bị số lượng hồ sơ như mọi năm và như tôi đã nói việc số lượng quá đông là không thể lường trước. Ngay cả khi trường đã thông báo sẽ đáp ứng tất cả nhu cầu thì phụ huynh vẫn cứ tập trung xếp hàng, có lẽ do họ quá lo lắng nên không thể trách họ. Ngày 13/5, chúng tôi cũng đã bán đơn cho tất cả phụ huynh đến mua. số lượng hồ sơ hiện tại là trên 500.
Ngay sau ngày 13/5 chúng tôi đã họp với lãnh đạo Viện Khoa học Giáo dục. Có nhiều ý kiến góp ý như đăng ký theo số thứ tự trong khoảng thời gian nhất định hoặc đăng ký qua mạng rồi tổ chức thi hoặc bốc thăm. Chúng tôi sẽ nghiên cứu các ý kiến và lựa chọn cách tốt nhất cho mùa tuyển sinh năm sau. Trường cũng cố gắng không để xảy ra việc không công bằng trong tuyển sinh.
- Trong đợt thi tuyển tới đây, yếu tố nào của học sinh được thầy cô trường Thực nghiệm đánh giá cao?
- Chúng tôi mong muốn nhận tất cả các cháu vào trường, nhưng khi nhu cầu quá đông mà chỉ tiêu hạn chế thì trường phải tiến hành đo nghiệm tâm lý, thể chất để lựa chọn. Trường đánh giá cao khả năng toàn diện và sự hồn nhiên của các con. Chúng tôi muốn các con có gì vào trường thể hiện hết, không cần phải rèn luyện hay ôn thi vào lớp 1, không đúng lứa tuổi các con.
Trường sẽ tổ chức đo nghiệm công khai, ngẫu nhiên, trước tất cả mọi người. Trường ngoài nhiệm vụ giáo dục thì có nhiệm vụ nghiên cứu nên phải nhận học sinh có khả năng tiếp nhận giáo dục bình thường. Quan điểm của nhà trường là đo nghiệm để biết được tâm lý, thể chất của học sinh.
- Nội dung, phương pháp giảng dạy của Thực nghiệm khác gì những trường học tại Hà Nội?
- Trường song hành hai nhiệm vụ giáo dục và nghiên cứu nên phải dạy song song 2 chương trình đại trà và thực nghiệm. Phụ huynh và nhà trường đã thống nhất khi con vào thì trường sẽ sắp xếp ngẫu nhiên. Năm nay có 4 lớp 1 thì sẽ phân 2 lớp đại trà, 2 lớp thực nghiệm. Các cô sẽ cố gắng đưa những gì tốt nhất vào hai chương trình.
Tiêu chí của trường là xây dựng môi trường thân thiện, mối quan hệ giữa giáo viên với học sinh cởi mở. Học sinh vào lớp được phát biểu ý kiến, tốt thì cô khen, chưa tốt thì cô bảo lần sau cố gắng. Cô không bao giờ chê trò, không nói trò sai và cũng không để các bạn trong lớp moi móc xem bạn đang sai gì. Nhà trường luôn cố gắng duy trì môi trường giáo dục không mang bệnh thành tích, không có chuyện nhiều học sinh yếu thì cô bị phê bình.
Bên cạnh đó, trường Thực nghiệm thực hiện đúng chương trình giáo dục, không làm nặng nề, quá tải, hàng tuần có tiết tự học để học sinh có thể làm bài tập ngay trên lớp, có chương trình ngoại khóa phù hợp với tâm lý lứa tuổi học sinh. Trong các hoạt động đó, cô không ôm hết mọi công việc mà học sinh chia sẻ với nhau. Như hội chợ cuối năm, trường tổ chức cho học sinh trao đổi đồ cũ, tiền các lớp thu được dùng để xây dựng vườn cây quanh trường.
- Với phương pháp dạy trên, phụ huynh có thể kỳ vọng gì vào con em họ sau khi ra trường?
- Học sinh thực nghiệm ra trường thường được nhận xét là có khả năng thể hiện quan điểm, trong tất cả hoạt động đều chủ động. Quan điểm của trường là đào tạo học sinh thể hiện đúng khả năng của mình, có tố chất gì thì phát huy tố chất đó.
Tuy nhiên, không thể khẳng định các em đều có tư duy xuất sắc bởi kết quả học tập cũng như lối tư duy của các em không chỉ do nhà trường quyết định, mà còn ở tự thân các em và sự tương tác của phụ huynh với việc học của con.