Nhọc nhằn mưu sinh trên xa lộ Thủ Đức

Thứ ba, 15/05/2012, 13:38
Giữa cái nắng như đổ lửa, mặt đường quốc lộ 1A đoạn đi qua quận Thủ Ðức bỏng rát, hàng chục người bán hàng rong vẫn liều mình bám theo những chiếc xe tải, xe khách để kiếm sống. Dù luôn đối mặt với muôn vàn nguy hiểm, nhưng họ vẫn phải bám lấy nghề này để mưu sinh.


>>Nỗi niềm mưu sinh của những đứa trẻ phố Tây

>>Cẩn thận với thuốc bán dạo trên xa lộ Hà Nội

Giỡn mặt với tử thần

11h, khi đoàn xe khách, xe tải bắt đầu kẹt lại ở quốc lộ 1A cũng chính là thời điểm làm ăn của những người bán sách báo, cà-phê, bánh mì, trái cây dạo. Len lỏi giữa những hàng xe đang di chuyển chậm, những người bán hàng rong này mang theo từng bịch hàng trên tay, nhanh nhẹn lách qua từng chiếc xe rồi leo lên hông ca-bin một cách dứt khoát để mời chào từng tài xế mua đồ.

Lấy tay lau vội những giọt mồ hôi chảy ròng trên gương mặt đen sạm, chị Nguyễn Thị Ngoan (ngụ huyện Châu Thành, tỉnh Ðồng Tháp) chia sẻ: "Mới làm thì cũng thấy ớn lắm, nhưng riết rồi thành quen, mình cố gắng chú ý trước sau là được". Bên cạnh Ngoan, hàng chục người khác cũng nhanh chóng lách từ xe này đến xe khác để mời chào các lái xe mua hàng.
 

Người bán hàng rong chặn đầu xe tải đang chạy trên đường để bán hàng
 

Ðang chạy bám theo một chiếc xe tải để bán cà-phê, chị Tuyết Lan (quê ở Ðồng Tháp) giật nảy người khi một chiếc xe máy từ đâu bỗng lao đến từ phía sau, may mà người lái xe thắng kịp. Vẫn chưa kịp hoàn hồn, chị Lan chia sẻ: "Mặc dù bám ô-tô để bán hàng nhưng bọn em lại sợ xe máy, có nhiều ông chạy ẩu lắm".

Khác với phụ nữ, cánh thanh niên bán hàng rong ở đây còn mạo hiểm hơn gấp bội, để tránh đi lại nhiều, họ lựa chọn cách bám sau các xe tải nhỏ để di chuyển từ đoạn này đến đoạn khác. Nhìn họ một tay vừa cầm túi hàng, tay kia bám hời hợt vào đuôi xe tải chắc ai cũng phải ớn lạnh.

Vừa nhảy từ chiếc xe tải 1,5 tấn xuống, anh Tuấn (quê ở Tiền Giang) nhanh nhảu: "Nhìn thế chứ cũng không nguy hiểm lắm đâu, xe chạy với tốc độ chậm thì không sao". Cứ như thế, mỗi ngày trên tuyến đường này, hàng chục người bất chấp mạng sống của mình để mưu sinh. Anh Toàn, chạy xe ôm trên đoạn đường này cho biết: "Tôi làm ở đây đã nhiều năm nên nhìn cảnh này quen rồi. Ðợt trước có một người leo lên ca-bin xe để bán bao thuốc lá, lúc nhảy xuống vừa lúc có một chiếc xe máy chạy đến đụng phải, làm anh này bị thương nặng phải nhập viện".

Nhọc nhằn, nguy hiểm vẫn không đủ ăn

Hầu hết những người bán hàng bán rong trên dọc quốc lộ 1A chạy qua TP Hồ Chí Minh đều từ các tỉnh miền Tây Nam Bộ lên. Những người bán hàng ở đây có hoàn cảnh kinh tế khó khăn, họ chọn nghề này vì không phải bỏ vốn nhiều.

Thời điểm bán được nhiều nhất là từ 10h tới 12h và 16h tới 18h. Nguy hiểm, chống chọi với nắng nóng nhưng thu nhập lại bấp bênh. Ngày may mắn lời nhiều cũng được khoảng 100 nghìn đồng nhưng cũng có ngày chẳng được bao nhiêu.

Chị Nguyễn Thị Ngoan bộc bạch: "Những người làm việc ở đây không phải chỉ nhanh nhẹn mà còn phải chịu đựng được sự vất vả. Trời có nắng nóng thì mới bán được hàng nhiều, nhất là cà-phê, cánh lái xe cũng khoái món này vì giúp họ tỉnh táo hơn, nhưng những hôm trời mưa to thì coi như bữa đó đói vì không bán được hàng".

Sau một ngày làm việc, tối đến họ lại ngủ trong những căn phòng trọ chật chội. Căn phòng trọ xập xệ là nơi ngủ, nghỉ của  chị Tuyết Lan và ba người khác.

Chị tâm sự: "Ở phòng thế này cho rẻ một chút. Thuê phòng 800 nghìn đồng là bốn đến năm người ở cùng với nhau được rồi. Bây giờ cái gì cũng đắt đỏ, bớt được đồng nào hay đồng nấy. Không tằn tiệm lấy gì mà sống". Ðối với chị Hiền, tiền kiếm được của chồng chẳng đáng là bao nên vợ chồng chị gồng mình vừa lo từng bữa cơm, trả tiền nhà, tiền điện nước, tiền học cho hai đứa con. Lúc bán hàng thì chạy ngược chạy xuôi. Thế nhưng khi ngồi lại với nhau thì tất cả đều đồng cảm với hoàn cảnh của nhau.

Chị Hiền chia sẻ: "Dù biết công việc này vừa nguy hiểm cho mình, vừa nguy hiểm cho cánh tài xế, gây mất an toàn giao thông, ảnh hưởng đến mỹ quan đô thị. Biết thế nhưng vì cuộc sống phải theo thôi. Nhiều lần tôi cũng đã khuyên các em còn trẻ nên kiếm một công việc tử tế, ổn định tương lai".

Phía xa, nhiều người bán hàng rong khác vẫn len lỏi qua đầu những chiếc xe để mời chào, trên tay cầm la liệt những túi cà-phê, thuốc lá, đồ ăn. Họ vừa nhảy lên ca-bin đưa hàng cho người này, rồi lại nhanh chóng mất hút sau dãy xe dài hàng cây số. Cuộc sống của họ cứ thế trôi đi, lúc ẩn, lúc hiện sau từng chuyến xe.

 

Theo Nhandan

Các tin cũ hơn