>>Nhọc nhằn mưu sinh trên xa lộ Thủ Đức
>>Nỗi niềm mưu sinh của những đứa trẻ phố Tây
Nhiều người vì mưu sinh vẫn gùi hàng lên núi bán, mặc cảnh báo nguy hiểm
Cheo leo sườn núi mưu sinh
Theo chân chị Trương Thị Linh (38 tuổi, ngụ Suối Đá, Huyện Dương Minh Châu, Tây Ninh) lên núi bán hàng, tôi gần như kiệt sức, chân run lẩy bẩy, chỉ một chặng lên núi mà khi trở về, tôi chỉ biết tựa vào đá trượt xuống, sức leo bám giờ chỉ còn may rủi. Thế nhưng, ngày nào người phụ nữ ấy cũng lên xuống hơn 5 lần để lấy hàng bán cho khách du lịch.
Chị Linh cười hiền hậu: "Chị lên xuống ngày mấy bận nên quen rồi không thấy mệt, em lâu lâu mới đi, mệt là phải. Ngày trước khi mới bắt đầu làm nghề này, chân chị đau không thể tả, chuột rút, trật chân, sứt móng chân là chuyện như cơm bữa".
Trên lưng, chị Linh khuân hơn chục kg "hàng hóa". Hàng của chị không có gì ngoài 40 chai nước tinh khiết, vài lốc bánh snack để du khách giải khát và ăn vặt đỡ đói trên đường chinh phục.
Để chiều lòng viễn khách, chị xách theo xô nước đá để ướp lạnh nước tinh khiết. Tất cả được gói ghém cẩn thận trong một bao tải, cột dây cố định tạo thành một kiểu ba lô dã chiến tiện lợi cho việc leo núi.
Chị cho biết, mỗi lần bán đắt, hết hàng chị lại lấy giỏ nhựa nhỏ lủi thủi băng rừng xuống tận chân núi lấy hàng rồi lại leo lên. Thấy chị để hàng tồn còn trong bao tải lớn rồi đi xuống núi lấy thêm ở một gốc cây cổ thụ trong vách đá, tôi thắc mắc việc chị không cất giấu cẩn thận, để tránh mất mát, chị cười sảng khoái: "Không ai lấy đâu, em yên tâm".
Chị cho biết: "Du khách không mang nổi chừng ấy hàng hóa lên núi đâu, bất quá người ta lấy một hai chai nước giải khát rồi để tiền lại thôi. Khách cũng thương mình lắm, mồ hôi nước mắt của mình mà, khổ lắm mới làm cái việc này. Người bán chung là người đồng cảnh. Chả ai nhẫn tâm, ngược lại còn giữ và bán giúp nhau".
Những người bán hàng rong kiểu này thường là phụ nữ trung niên, không trình độ, không vốn liếng. Bán hàng dọc theo lối mòn lên núi Bà Đen là cách làm có hiệu quả nhất đối với họ để có tiền trang trải cuộc sống.
Chị Nguyễn Thanh Lan (33 tuổi, ngụ Ninh Trung, Thị xã Tây Ninh) chia sẻ: "Nhà không còn ruộng đất, tôi không có trình độ nên không làm xí nghiệp được. Lúc trước bán vé số dưới chân núi Bà Đen nhưng tiền lời không đáng kể, nghe mấy bà ở đây chỉ mua nước tinh khiết về bán, một lời một, chỉ mất công lặn lội lên núi bán thôi. Thấy bán được nên ráng cho tới giờ nè".
Nguy hiểm chực chờ bên vách núi
Nhìn mấy dòng chữ cảnh báo màu đỏ, viết sơ sài trên vách đá: "Đường lên đỉnh nguy hiểm, coi chừng đá lở", tôi chợt giật mình. Chị Linh vẫn cứ miệt mài leo tiếp, mặc cho cảnh báo hiện ra trước mắt.
Chị giục tôi: " Đi đi em, mấy chữ đó mới ghi đây thôi, trước giờ làm gì có chuyện đó, hiếm lắm."
Theo hướng dẫn của ban quản lý di tích lịch sử núi Bà Đen, có hai con đường lên đỉnh núi: Một đường mòn nằm sau lưng chùa Bà, một đường mòn khác bắt đầu từ đài Liệt sĩ đi men theo các trụ điện lên thẳng đỉnh núi.
Du khách có thói quen viếng chùa Bà rồi tiện đường lên đỉnh núi bằng đường này. Nhưng đây là con đường xấu, khó đi với nhiều tầng đá chồng xếp lên nhau, trơn trượt, có thể sạt lở nếu mưa kéo dài trong vài ngày nên rất nguy hiểm. Trên thực tế, cũng đã có những lời cảnh báo nhưng vẫn không ngăn được lòng thành của khách thập phương muốn lên đỉnh núi để viếng Bà.
Du khách đi đường nào, người bán hàng cũng theo đó mà đi nguy hiểm không còn là vấn đề quan trọng nữa. Theo người dân địa phương và những du khách từng chinh phục đỉnh núi này, người khỏe mạnh phải mất từ 2 - 4 giờ đồng hồ để leo lên tới đỉnh.
Khí hậu trên đỉnh núi mát mẻ nhưng về đêm rất lạnh. Khu di tích núi Bà Đen hoạt động 24/24 nhưng dịch vụ kèm theo chỉ có nước khoáng và mì tôm là bền bỉ nhất.
Những người bán hàng này vô cùng kiên nhẫn và có sức chịu đựng đáng khâm phục. Không kể nắng mưa, giờ giấc, họ vẫn miệt mài leo lên rồi đi xuống, mang trên vai những bao hàng nặng trịch, chân bám víu vào mặt đá trơn trượt, bàn tay tì vào mỏm đá sắc nhọn.
Những bàn chân trần và đôi bàn tay của họ luôn chai sần đỏ rực rát buốt khi phải liên tục bấu víu vào mấy tảng đả nóng bỏng vì ánh nắng gay gắt.
Một người phụ nữ trung niên loay hoay sắp xếp, gói gém hàng hóa, bắt gặp ánh mắt tò mò của tôi đang quan sát, chị gật đầu chào nhẹ nhàng, rồi tâm sự: "Đang bán buôn cũng được lắm nhưng nhà vừa gọi điện nói con tôi vừa nhập viện nên giờ cõng hàng xuống dưới gửi người quen rồi đi về.
Ban sáng đi không cẩn thận trượt chân té, giờ bị trật cổ chân, đau quá. Chắc lết tới chiều mới xuống tới dưới, lòng dạ bồn chồn quá, nghèo mà còn gặp eo."
Cũng theo chị này, mấy ngày cuối tuần, lễ hội, chùa Bà thu hút nhiều du khách, số người "chịu chơi" rất thích leo núi nên bán nước rất chạy. Chị không bán liên tục chỉ khi nào lễ hội mới qua núi bán, ngày thường chị nhận lột hột điều cho nhà máy.
Chị bảo: "Có tuổi rồi đi đứng chậm chạp, không khỏe như người ta, ngày lên xuống liên tục, lên được đến đỉnh bán được lắm nhưng đường càng lên cao càng khó đi và nguy hiểm".
Theo một nhân viên quản lý khu du lịch núi bà cho biết thì: Đường lên đỉnh núi Bà Đen không chỉ dễ xảy ra sạt lở mà còn các mối nguy hại khác từ thú rừng và rắn độc.
Bên dưới lớp lá mục dày cộm, nơi ẩn thân của rắn hổ mang cực độc, không may đạp lên và bị cắn thì chỉ còn biết chết chứ chẳng thể nào cứu được. Đường xuống núi vừa xa vừa khó đi, đi một mình đã khó huống chi cái cảnh bợ đỡ đưa người gặp nạn.
"Lắm lúc thấy họ sắc mặt tái nhợt, nhân lúc thưa khách ngồi tụm lại giở cái bánh bò, nắm cơm trắng ăn vội, tôi vừa xúc động vừa khâm phục trước sự chịu thương chịu khó của họ. Miếng cơm manh áo đã ghì chặt đôi vai và bắt họ phải bước tiếp trên hiểm nguy để đi tới", ông chủ quán nói.
Theo Nguoiduatin