Sau năm 1980, mẹ tôi nghỉ làm tại nhà máy bia, vợ chồng tôi mời mẹ về nhà để có điều kiện chăm sóc nhưng mẹ tôi nhất quyết từ chối. Không chỉ tôi mà 4 anh em còn lại cũng đều bị từ chối. Mẹ bảo: “Mẹ hãy còn sức, tự nuôi thân được. Các anh, các chị còn có gia đình, con cái”.
Cụ Phùng Thị Tuệ (88 tuổi) |
Mẹ tôi sinh được 7 người con, hiện chúng tôi đều đã thành đạt cả rồi. Bố tôi đã mất, mẹ tôi ở một mình. Tất cả mọi việc cụ đều tự làm hết, từ giặt giũ đến chuẩn bị đồ đi bán trà đá…
Không muốn mẹ phải lao động vất vả, nhiều lần anh em chúng tôi đã giấu hết đồ của cụ, cụ lại đi mua đồ khác về để đi bán. Vậy là chúng tôi bàn nhau nhờ các anh công an Phường đến thu đồ để cụ nghỉ bán. Nhưng vừa nghỉ được hai ngày ở nhà, mẹ tôi lăn ra ốm liệt giường, không ăn uống, nói chuyện với ai hết.
Cả nhà lo lắng, đưa cụ đi khám nhưng không ra bệnh gì.
Chỉ đến hôm mẹ tôi gọi em gái tôi vào nói: “Ngồi nhà vô dụng lắm! Buồn, không có việc gì làm, mỏi hết các khớp chân tay. Cứ thế này mấy bữa là chết”, thì chúng tôi hiểu ý cụ, đành đồng ý cho cụ đi bán trà đá lại.
Mẹ tôi vui vẻ hẳn lên. Ngồi dậy ăn uống, nói chuyện. Rồi cụ phăng phăng đi dọn dẹp nhà cửa. Thực tôi thấy không hiểu được mẹ mình nữa - anh Nguyễn Chí Hoà kể.
Là giám đốc mà sao để mẹ đi bán trà đá vỉa hè?
Nhiều lúc tôi cũng bị bạn bè nói này nói nọ, là giám đốc sao để mẹ cứ phải đi bán trà đá ở vỉa hè. Thực tôi cũng buồn và suy nghĩ lắm. Nhưng thực tôi cũng đã dùng đủ mọi cách để có thể chăm sóc mẹ rồi.
Sau khi mẹ khỏi ốm, tôi xin mẹ về bên nhà để tiện cho việc chăm sóc nhưng mẹ vẫn nhất quyết từ chối. Mẹ khăng khăng: “Tôi tự lo được. Còn các anh muốn chăm sóc tôi thì cứ để tôi đi bán trà đá là được rồi”.
Cụ Tuệ "mặc cả" với các con để được đi bán trà đá |
Cuối cùng 5 anh em trai nhà tôi phải đưa ra ý kiến: “5 đứa con trai của mẹ chia ra, mỗi anh sẽ mang cơm cho mẹ 1 tháng được không ạ”. Ban đầu mẹ không chịu, sau mẹ “mặc cả”: “Tôi đồng ý cho các anh mang cơm, các anh phải đồng ý cho tôi đi bán trà đá, không được “chọc ngoáy” làm khó khăn cho tôi đấy nhé”.
Không đi bán trà, chân tay cứ... lủng lẳng
Ở cái tuổi “bát thập đắc hi hỉ” cụ Phùng Thị Tuệ "yêu" nghề bán trà đá một cách kì lạ. Cụ chia sẻ: “Thực tôi không thiếu gì hết. Con cái thành đạt nhà cao cửa rộng cả rồi. Nhưng tôi không ngồi một chỗ được vì tôi thấy rất buồn chán, chân tay nó cứ lủng lẳng sao ấy, mệt mỏi lắm.
Đi bán trà đá được nói chuyện với mọi người, được biết nhiều điều về xã hội, tôi thấy mình không bị lạc hậu. Tôi thấy khoẻ ra khi được đi lại, đứng lên ngồi xuống phục vụ cho khách đến uống nước. Và nhất là bán trà đá lại có tiền, tuy nó không nhiều nhưng tôi rất thích. Nó là động lực. Bởi nó nuôi được bản thân tôi, tôi không cảm thấy mình bị vô dụng, phụ thuộc cô ạ”.
Ngồi một chỗ, chân tay nó cứ lủng lẳng sao ấy, mệt mỏi lắm. |
Mái tóc bạc trắng, miệng nhanh nhảu chào khi có khách đến uống nước trà, cụ Tuệ với khách hàng tíu tít hỏi thăm công việc, gia đình… của nhau, rồi tâm sự, thủ thỉ, chuyện trò rất tình cảm...
Bác Nguyễn Văn Thụ (Mỹ Đình - Từ Liêm - Hà Nội) nói chuyện với tôi: “Cụ hãy còn tinh lắm”. Rồi để chứng minh, bác làm phép thử. “Cô để ý nhé, tôi mua 1 ly trà, đưa cho cụ tờ 500 nghìn. Xem cụ trả lại tiền thế nào nhé…!”. Và cụ Tuệ trả lại cho ông Thụ đúng 498 nghìn đồng một cách vui vẻ.
Cụ Tuệ chia sẻ, tiền bán trà đá để tiết kiệm sau này chết thì có khoản cho con cháu lo ma chay cho mình. Ngày nào đông khách cụ thấy vui lắm.
Theo Kiến Thức