Ở Việt Nam và trên thế giới, khái niệm về thế nào là báo lá cải không thống nhất và thường gây ra những hiểu lầm.
Ví dụ ở Anh, nước có số lượng đầu báo đông đảo và trong đó có khá nhiều tờ được coi là lá cải rất nổi tiếng, có nhiều độc giả. Trước đây người ta thường chia ra hai loại báo, trước tiên căn cứ vào khuôn khổ. Những tờ báo thiên về các vấn đề nghiêm túc, chính luận, phù hợp với những người có tri thức cao thường được xuất bản dưới dạng khổ lớn (A2) hay broadsheet.
Ở Việt Nam, những tờ báo broadsheet đang tồn tại có thể kể tới: Nhân dân, Quân Đội Nhân Dân, Hà Nội Mới, Lao Động và một số tờ báo đảng địa phương. Báo khổ A3 (tabloid) tương tự các tờ: Tuổi Trẻ, Thanh Niên, Tiền Phong, Người Lao Động, Pháp Luật TP HCM...
The Sun, một trong những tờ báo được cho là lá cải nhất nước Anh
Như vậy, khái niệm tabloid (báo khổ nhỏ) giữa tây và ta, xưa và nay cũng khác nhau. Trước đây, các báo khổ nhỏ ở Anh thường là loại ấn phẩm tập trung khai thác những chuyện giật gân, chuyện về người nổi tiếng… phù hợp với nhu cầu của giới bình dân.
Lâu dần, báo khổ nhỏ bị định kiến là “lá cải”, tức là bị một số người, nhất là các báo khổ lớn cho là giật gân, câu khách rẻ tiền. Nhưng thời thế thay đổi, báo khổ A3 tỏ ra tiện dụng hơn nên một số tờ broadsheet cũng chuyển qua xuất bản theo khổ nhỏ. Vì thế ở Anh mới hình thành khái niệm, do những tờ báo “chuyển hệ” nghĩ ra, là compact newspaper, thay cho từ tabloid.
Tức là tuy tôi khổ nhỏ nhưng không phải loại giật gân câu khách rẻ tiền như ai kia đâu nhé. Đặc biệt, The Times, một tờ báo có uy tín và làm nghề nghiêm túc cũng được xuất bản dưới dạng khổ nhỏ.
Còn vì sao tabloid được dịch qua tiếng Việt là “lá cải” thì cho đến nay chưa có giải thích nào thực sự xác đáng. Có lẽ vì hai lẽ: lá cải nghe giống không khí chợ búa nhộm nhoạm và thứ hai là so sánh tờ báo với cái lá cải nghe ổn hơn là lá tre, lá mít.
Trên tờ Daily Mail (Anh) vẫn đầy bikini, đùi ngực trên trang báo nhưng
thông tin luôn được đảm bảo độ tin cậy
Những năm gần đây, khái niệm “lá cải” hay “báo khổ nhỏ” gần như chỉ được đề cập với góc độ cung cách và chủ đề đưa tin của tờ báo. Đặc biệt khi các báo mạng nở rộ thì quan niệm tabloid, broadsheet hay compact newspaper không còn nhiều ý nghĩa.
Có thể hiểu, báo chí giờ đây được một số người chia làm hai phe “chính-tà” , có nghĩa là một bên chính thống, bên kia lá cải, nhưng thực chất khái niệm này hết sức mù mờ. Bởi chức năng cao nhất của báo chí dù "tà" hay "chính" vẫn là cung cấp thông tin cho độc giả đích của mình.
Nhu cầu thông tin, giải trí hay ăn uống và rất nhiều thứ khác của xã hội là cực kỳ đa dạng và phong phú. Không thể nói người Việt ăn lòng lợn tiết canh trong khi người Tây thấy ghê sợ có nghĩa là người Việt thấp kém. Hay cứ phải nghe Mozart, Beethoven mới là sang, còn nhạc “sến” là thứ tầm thường.
Vậy nhưng chả lẽ không có báo nào là lá cải? Hoàn toàn có. Nên hiểu lá cải ở đây là những tờ báo giật gân câu khách nhưng nghiệp vụ thấp kém, đưa tin không có nguồn đáng tin cậy, bất chấp các giá trị đạo đức và nhân văn để nhằm mục tiêu thu lợi nhuận.
Những tờ lá cải có nghề ở nước Anh có thể kể đến Daily Mail, Daily Express, dù vẫn giật gân, vẫn đầy bikini, đùi ngực trên trang báo nhưng thông tin luôn được đảm bảo độ tin cậy. Tờ Bild ở Đức cũng tương tự, ăn nên làm ra với số lượng hơn 4 triệu bản/ngày.
Có lẽ, chỉ nên chia ra hai loại báo: báo hay và báo dở. Báo nào không phục vụ tốt độc giả đích sẽ phải tiêu vong và ngược lại. Còn những việc đưa tin vô căn cứ, nhảm nhí, gây hại cho xã hội thì cứ để hệ thống luật pháp xử lý và việc này chắc cũng không cần phải tranh luận "chính" hay "tà".
Theo Khampha