"Chính thống" hay "lá cải" cũng có loại sạch loại bẩn

Thứ năm, 31/05/2012, 07:23
"Có nhiều cách giật gân, câu khách. Giật gân mà đúng sự thật thì phải hoan nghênh vì đấy là một nghệ thuật làm báo giỏi. Nói sai sự thật, gây phản cảm, tác động xấu thì không thể khuyến khích", nhà sử học Dương Trung Quốc chia sẻ.

>>Thế nào là báo lá cải?
>> “Tự thú” của một phóng viên viết báo “lá cải”
>> Báo Phụ nữ TP.HCM lá cải như thế nào?
>>Choáng váng chiêu “bôi bẩn” đồng nghiệp của một số tờ báo 



Nhà sử học Dương Trung Quốc.

 

Nhiều người sợ báo chí

PV: Thưa ông Dương Trung Quốc, xin ông cho biết quan điểm về cách đưa tin giật gân, câu khách của một số tờ báo hiện nay?

Ông Dương Trung Quốc: Báo chí là một hoạt động rất có quyền lực, có tác động hai mặt. Chúng ta đã có Luật Báo chí và đạo đức báo chí của cộng đồng những người làm báo - Hội nhà báo Việt Nam. Những hiện tượng đó trước hết phải chế tài bằng luật, làm sai phải đính chính. Tổng biên tập phải chịu trách nhiệm vì anh cho đăng các thông tin đó.

Đặc biệt, trong cộng đồng báo chí phải có thái độ ủng hộ hay không ủng hộ. Dẫu sao cơ chế thị trường cũng ảnh hưởng quá nhiều đến người làm báo, cách đưa tin. Đấy chưa kể là những thông tin xúc phạm cá nhân mang đến những tác động tiêu cực cho đời sống xã hội. Ví dụ như vấn đề giá cả, bà con nông dân hay những người làm ra những sản phẩm… vì cách đưa tin không có trách nhiệm của báo chí mà dẫn tới những thiệt hại không thể tính nổi.

Chúng ta cũng cần có cơ chế để hạn chế những vấn đề này nếu không sẽ bị cuốn theo những thứ rẻ tiền, câu khách, không có lợi cho xã hội. Chúng ta có một cơ chế rất chặt, tờ báo nào cũng có cơ quan chủ quản, mà cơ quan chủ quản đều rất đáng tin cậy.

Hiện nay ai cũng biết là có nhiều báo chí tư nhân trá hình mà người ta bán cái tên trên báo là chủ yếu. Rất nhiều tờ báo không làm đúng chức năng.

PV: Theo ông ở Việt Nam có báo lá cải không?

Ông Dương Trung Quốc: Có báo lá cải, nhưng “cải” cũng có loại “sạch” loại “bẩn”, kể cả báo chính thống cũng vậy.

PV: Nếu các tờ báo cứ vin vào cớ đáp ứng thị hiếu người đọc mà không điều chỉnh cách đưa tin mà cứ tự do như hiện nay thì sao, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Không có xứ sở nào có tự do tuyệt đối cả. Tự do phải trong khuôn khổ luật pháp. Chúng ta tự do mà luật pháp không được thi hành. Chúng ta đã không tạo ra dư luận đấu tranh, ngay trong giới nghề nghiệp.

PV: Vậy tại sao lại có thực tế này, thưa ông?

Ông Dương Trung Quốc: Hiện nay có hiện tượng mọi người sợ báo chí, nhất là doanh nghiệp. Vì hiệu ứng của báo chí mạnh mẽ lắm, “chờ được vạ thì má đã sưng”. Cho nên họ sử dụng những tiêu cực để xử lý những việc đó cho êm chuyện đi. Công dân chưa ý thức được quyền của mình. Vì thế thường họ cảm tưởng, lo ngại rằng mình sẽ không thắng được và cho qua chuyện đi. Đó chính là lý do để dung dưỡng những tiêu cực của báo chí.

PV: Thế nhưng nhiều tờ báo phải tự hạch toán báo nên phải đưa tin giật gân thì mới bán được báo?

Ông Dương Trung Quốc: Đừng lấy lý do ấy. Có nhiều cách giật gân, câu khách. Giật gân mà đúng sự thật thì phải hoan nghênh vì đấy là một nghệ thuật làm báo giỏi. Nói sai sự thật, gây phản cảm, tác động xấu thì không thể khuyến khích.

PV: Xin cảm ơn ông.

 

Theo VOV

Các tin cũ hơn