TP.HCM: “Thế giới ngầm” trong nhà xác

Thứ tư, 30/05/2012, 15:37
Hầu hết những gia đình có người nhà tử vong đã chuyển vào nhà xác bệnh viện muốn đưa thi thể về quê an táng phải biết chung chi cho nhân viên và lực lượng “cò”.

>>Bé sơ sinh còn sống sau 12 tiếng nằm trong nhà xác
>>TP.HCM: Cặp vợ chồng 80 tuổi mong ước được hiến xác
>>"Đột nhập" trung tâm giải phẫu xác của người tình nguyện

Trong các bệnh viện trên địa bàn TP.HCM, nhà vĩnh biệt (nhà xác) của Bệnh viện Chợ Rẫy là nơi chứa nhiều tử thi nhất.

Kiếm sống trên tử thi

Theo tìm hiểu, khoảng hơn một năm nay, tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy có nhiều người từ ngoài vào câu kết với nhân viên và quản lý nhà xác để “vòi” tiền người nhà tới nhận tử thi.

Theo thông lệ, người nhà muốn nhận xác của người thân phải làm một số thủ tục cần thiết: xuất trình CMND của người mất, hộ khẩu thường trú (nếu chết vì tai nạn phải có biên bản của công an tại nơi xảy ra tai nạn), giấy tờ chứng minh là thân nhân của người chết. Từ ngày có “thế giới ngầm”, người dân phải làm thêm nhiều “thủ tục” khác.

Sáng 20/4, anh N.V.N (quê Bến Tre) bị tai nạn giao thông và mất sau 2 ngày điều trị tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Chiều 22/4, gia đình anh N. đến nhà xác của bệnh viện để nhận xác. Dù đã trình những giấy tờ đúng yêu cầu nhưng người quản lý nhà xác lúc thì nói hết giờ làm việc, lúc thì bệnh viện không còn xe… Nóng lòng, sáng 23/4, gia đình anh N. phải “đút túi” nhân viên bảo vệ 1 triệu đồng mới được nhận xác về.
 

Bên trong phòng bảo quản tử thi nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy
 

Chưa hết, một số nhân viên bảo vệ nhà xác yêu cầu gia đình phải mua áo quan để an táng rồi mới được phép chở về.

Họ hù dọa: “Người nhà anh đã nằm ở đây đến ngày thứ ba, nếu không cho vào áo quan, ướp trà thì rất khó đưa về, vì sau khi hết lạnh, thi thể sẽ bước vào giai đoạn bốc mùi, phân hủy hoặc nếu không bỏ vào áo quan, đi đường sẽ bị CSGT tuýt còi, mất luôn cả xác chứ không đơn giản”. Khi người nhà anh N. hỏi thì họ ra giá áo quan 40 triệu đồng.

Ngày 2/5, ngoài cổng nhà xác, một phụ nữ đứng tuổi ngồi bệt dưới đất, khóc nức nở. Người nhà của bà đến cạnh hai thanh niên dúi 500.000 đồng và nói: “Có gì nhờ anh chiếu cố cho để gia đình đưa về cho kịp đêm nay”.

Sau đó, họ được hai thanh niên “hướng dẫn tận tình” các thủ tục cần thiết. Những người xung quanh cho biết người phụ nữ ấy đã khóc cả ngày hôm đó vì chưa nhận được xác con. Chúng tôi vào gặp nhân viên bảo vệ nhà xác hỏi thì được trả lời: “Bệnh viện chưa cho phép nên chúng tôi không thể bàn giao tử thi cho người nhà được”.

“Phải qua tôi mới lấy được xác về!”

Dù không làm việc tại nhà xác bệnh viện nhưng một số đối tượng vẫn ngang nhiên ra vào nơi đây và gần như “thao túng” mọi hoạt động. Sau nhiều ngày lân la tại quán cà phê trước cổng nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, cuối cùng phóng viên (PV) đã tiếp cận được một người đàn ông tên Mừng (ngụ tại quận 11), được cho là “trùm” tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy.

Mừng cao khoảng 1,6 m, tóc cắt ngắn, nước da đen, có râu quai nón, toát lên vẻ bặm trợn của một tay giang hồ. Sau vài câu làm quen, ông ta vào vấn đề: “Chú có người thân nằm tại đây à? Cần không, anh giúp cho?”.

Thấy tôi ngần ngại, ông ta tiếp lời: “Hầu hết những người có người thân nằm đây đều phải qua tôi mới lấy được xác về”. Đang tiếp thị, bỗng có một người đến nhờ “giúp đỡ”, đại ca Mừng chạy vào phòng bảo vệ. Lập tức, hai thanh niên xuất hiện, tới thay chỗ Mừng và nói với chúng tôi: “Nhờ mấy ổng làm cho nó nhanh, thà tốn chút đỉnh để đưa người thân về sớm mà an táng”.
 

“Đại ca” Mừng đang ngồi trước cổng nhà xác...
 

Sau này, PV được biết hai thanh niên trên là đàn em của ông Mừng. Theo lời của một trong hai thanh niên, thông thường nếu chỉ lo thủ tục giấy tờ thì chỉ cần vài triệu đồng; nếu có pháp y, áo quan, tẩm liệm, thì khoảng 50 đến 60 triệu đồng, thậm chí cả trăm triệu đồng. Ngoài việc lo các thủ tục tại nhà xác, đại ca Mừng còn lo luôn việc cung cấp áo quan, xe tang chở về tận nhà.
 

...và vô tư ra vào phòng làm thủ tục của nhà xác
 

Đại ca Mừng có mối quan hệ rất đặc biệt với tất cả nhân viên nhà xác, vì vậy ông ta thoải mái “tiếp thị” ngay trước mặt bảo vệ, ở luôn trong nhà điều hành nhà xác.

Khi có người đến nhận xác người thân, nhân viên bảo vệ nhà xác sẽ giới thiệu qua Mừng, giá cả do “khách hàng” và Mừng tự thu xếp, thỏa thuận. Chỉ tính từ ngày 27/4 đến 1/5, Mừng đã “giúp” không dưới 10 trường hợp nhận xác tại đây, mỗi trường hợp Mừng thu không dưới 1 triệu đồng.

Có tiền mới xong

Trong vai người đến nhận diện tử thi của người cùng quê tại nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy, PV tới gặp nhân viên bảo vệ để được hướng dẫn. Tại đây, một người đàn ông tên Minh đang ngồi trong phòng bảo vệ nhà xác cho biết hiện tại, nhà xác đang tiếp nhận một tử thi nam vô danh, chết vì tai nạn giao thông vào ngày 1/5, hiện chưa có ai đến nhận.
 

Chờ nhận thi thể người thân bên nhà xác Bệnh viện Chợ Rẫy và đại ca Mừng,
“cò tử thi” ở đây (ảnh nhỏ), từng tuyên bố: “Phải qua tôi mới lấy được xác về!”

 

Sau một hồi nghe PV năn nỉ, ông Minh cử người đưa PV vào hầm đông để nhận diện rồi hướng dẫn làm một số thủ tục cần thiết. Khi PV hỏi xe để đưa về quê, ông Minh cho biết: “Thường thì bệnh viện có xe nhưng giờ không biết sao”. Nói xong, ông Minh lấy điện thoại bàn gọi, sau đó quay lại nói: “Hết xe, chắc gia đình tự lo” rồi gọi ông Mừng đến.

Sau một hồi thương lượng, đại ca Mừng cho biết, sẽ lo từ A đến Z với giá 50 triệu đồng nhưng áo quan chỉ bằng gỗ tạp, nếu gỗ tốt thì giá khác. Nghe PV chê giá cao, Mừng trừng mắt: “Không dám đâu, có đám chở ra tận Hà Nội, giá gần cả trăm triệu, chứ chừng ấy ăn thua gì”.

Những ngày ở đây, PV còn chứng kiến một trường hợp bị tai nạn giao thông phải giám định pháp y. Tất cả các thủ tục đều phải qua Mừng và bảo vệ mới được tiến hành. Khi nghe Mừng đòi 35 triệu đồng, người nhà thắc mắc, Mừng giải thích: “Phải chi thêm một khoản khác cho một số nhân viên làm nghiệp vụ pháp y và công an nơi xảy ra vụ tai nạn đến làm việc”.
 

Lãnh đạo bệnh viện… chưa biết
 

Bác sĩ Phạm Thị Ngọc Thảo, Phó Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy, cho biết: “Trước nay, quy trình tiếp nhận và bàn giao tử thi đều công khai, đồng thời bệnh viện yêu cầu nhân viên bảo vệ, ban quản lý nhà xác phải hướng dẫn các thủ tục cần thiết để người dân đưa xác người thân về nhà sớm và tiện lợi nhất.

Tuy nhiên, việc giải quyết nhanh hay chậm còn tùy thuộc vào những yếu tố khách quan như: bệnh nhân chết vì bệnh lý thông thường hay tai nạn, có dấu hiệu tội phạm… Có điều, lượng xe của bệnh viện có hạn, không thể lúc nào cũng đáp ứng nhu cầu. Nhân viên bảo vệ nhà xác có thể giới thiệu một số cơ sở chuyên cung cấp áo quan, xe tang để người dân tự dàn xếp với chủ các cơ sở”.

Cũng theo bác sĩ Thảo, khu vực xung quanh nhà xác hiện rất phức tạp. Đây là vấn đề nằm ngoài thẩm quyền của bệnh viện. Việc một số đối tượng ở ngoài câu kết với nhân viên bảo vệ, quản lý nhà xác làm khó người dân nhằm mục đích lấy tiền thì bệnh viện… chưa biết.

“Chúng tôi sẽ làm việc với ban quản lý, bảo vệ và nhân viên nhà xác để xử lý nghiêm, đồng thời sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát các nội quy ra vào tại nhà xác” - bác sĩ Thảo nói.


Theo NLĐ

Các tin cũ hơn