120 triệu đồng "mua đứt" cô dâu Việt trẻ đẹp?

Thứ tư, 30/05/2012, 14:07
Một quảng cáo trên mạng ở Trung Quốc viết: "Chỉ cần bỏ ra từ 30.000 đến 40.000 tệ (khoảng 94 đến 120 triệu đồng), một thanh niên Trung Quốc có thể cưới được một cô dâu Việt Nam hấp dẫn tuổi từ 18 đến 25"...
Hoạt động môi giới cô dâu Việt theo đơn đặt hàng đang bùng nổ, được tiếp sức bởi nhu cầu của những người đàn ông Trung Quốc ế vợ. Mặc dù các văn phòng môi giới hôn nhân quốc tế là bất hợp pháp tại Trung Quốc, nhưng những kẽ hở trong luật pháp nước này đã cho phép ngành công nghiệp mai mối bùng nổ.

Tình trạng này thúc đẩy các chuyên gia kêu gọi có những quy định cụ thể, nhằm giám sát chặt chẽ những hoạt động mai mối. 
 
Theo quảng cáo trên mạng của một cơ sở môi giới có trụ sở tại tỉnh Vân Nam, chỉ cần bỏ ra từ 30.000 đến 40.000 tệ (khoảng 94 đến 120 triệu đồng), một thanh niên Trung Quốc có thể "mua theo nhóm" một cô dâu Việt Nam hấp dẫn tuổi từ 18 đến 25.

Các cô gái Việt đang trở thành lựa chọn cho nhiều đàn ông
 Trung Quốc ế vợ. Ảnh chụp từ website ynxn131
 
 
Cơ sở này có địa chỉ www.ynxn131..., đăng ký dưới tên một dịch vụ hẹn hò đặt tại thủ phủ Côn Minh của tỉnh Vân Nam. Theo đó, họ tổ chức các tour theo nhóm cho những chàng trai độc thân Trung Quốc tới Việt Nam và sắp xếp các cuộc hẹn hò với các cô gái Việt được lựa chọn trước từ một catalog.
 
Tờ Spring City Evening News có trụ sở tại Côn Minh cho biết, chi phí cho mỗi tour như vậy bao gồm phí đi lại, phiên dịch, quà cho gia đình các cô gái và lễ cưới. Nếu cuộc hẹn hò thất bại hoặc người đàn ông không ưng cô gái mà họ đã chọn, cơ quan môi giới sẽ chỉ tính phí 2.000 tệ cho mỗi tour. Họ cũng chịu trách nhiệm tìm cho khách hàng một cô dâu mới, nếu cô dâu đầu tiên bỏ trốn sau đám cưới. 
 
Tính hợp pháp của việc chọn vợ này đã bị nghi vấn tại Trung Quốc kể từ khi hoạt động "nhóm mua" các cô dâu Việt diễn ra từ vài năm trước. 
 
Theo một quy định của Trung Quốc về các cuộc hôn nhân quốc tế năm 1994, các cơ quan dịch vụ hôn nhân nước này không được phép môi giới cho người từ các quốc gia khác, và các cá nhân không được tham dự vào những cuộc mai mối quốc tế để hưởng lợi. Nếu vi phạm những quy định này, các công ty môi giới có thể bị đóng cửa. Tuy nhiên, luật lại không đưa ra hình phạt cụ thể nào. 

Khi quảng cáo trên mạng hôm 19/5 vừa qua - cơ sở ynxn131... đã nói tránh về việc "nhóm mua" cô dâu Việt. "Chúng tôi mời các khách hàng Trung Quốc thực hiện các tour theo nhóm tới Việt Nam để sắp xếp các hoạt động hẹn hò, không phải là mua theo nhóm", một nhân viên họ Ho thuộc văn phòng môi giới này cho biết trên Global Times.

Người này không quên nói thêm rằng "hơn 80%" khách hàng của văn phòng đã tìm được cô dâu. Những cơ quan cung cấp "cô dâu theo yêu cầu" tương tự như vậy đã bùng nổ trên khắp Trung Quốc trong những năm gần đây nhằm đáp ứng yêu cầu ngày càng gia tăng.
 
Một văn phòng môi giới có trụ sở tại thành phố Nam Kinh ở khu tự trị Choang Quảng Tây còn dịch tiểu sử của các chàng trai Trung Quốc để giúp các cô gái Việt quyết định liệu đó phải là người chồng phù hợp của mình không, có sức khỏe hay đủ tài chính không. 
 
"Tôi biết ngành kinh doanh của chúng tôi không được chính phủ Trung Quốc cho phép, nhưng lại không có chế tài xử phạt nào cả", nữ nhân viên Youyou của văn phòng này cho biết. "Ngay cả nếu chúng tôi đóng cửa văn phòng, thì hôn nhân của khách hàng chúng tôi vẫn là hợp pháp", cô nói thêm. 
 
Nhà nghiên cứu Qi Huan từ Viện Nghiên cứu Đông Nam Á thuộc Viện khoa học xã hội Vân Nam, cho biết các cơ sở môi giới cô dâu theo đơn đặt hàng như vậy đã tồn tại ở Trung Quốc trong nhiều thập kỷ qua. 
 
Qi cho biết, nhiều cô dâu Việt "theo đơn đặt hàng" đã cưới chồng ở Quảng Tây, Vân Nam, Chiết Giang và Phúc Kiến. Tuy nhiên, không phải tất cả các cuộc hôn nhân giữa vợ Việt và chồng Trung Quốc đều viên mãn, một số cô dâu đã bỏ trốn không lâu sau khi tới quê chồng. 
 
Một quan chức từ Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, yêu cầu giấu tên, cho biết nhà chức trách hai nước đã hợp tác và phá vỡ nhiều đường dây buôn người phục vụ cho các cuộc hôn nhân quốc tế bất hợp pháp. 
 
Hao Pengfei, giám đốc Ủy ban các vấn đề xã hội về Hôn nhân và Gia đình tại Bộ Nội vụ nước này cho rằng, chính phủ Trung Quốc dường như đã ngầm chấp nhận các cơ quan môi giới hôn nhân quốc tế bất hợp pháp, bởi vì có quá nhiều cơ sở như vậy phải quản lý. 
 
"Các cơ quan này đủ xảo quyệt để đánh lừa các nhân viên văn phòng đăng ký kết hôn rằng các cặp đôi lấy nhau là hoàn toàn tự nguyện, ngay cả khi không phải như thế", ông nói. 
 
Còn Liu Guofu, một chuyên gia luật về nhập cư tại Viện Công nghệ Bắc Kinh thì cho rằng chính phủ nên mở cửa cho các cặp vợ chồng quốc tế kết hôn hợp pháp.
 
"Sẽ tốt hơn nếu các cơ quan môi giới hôn nhân quốc tế được chính phủ chấp thuận và điều chỉnh theo luật. Nhu cầu về điều này đã tạo ra một ngành công nghiệp hoạt động ngầm, mà việc đối phó còn khó khăn hơn".
 
Theo Datviet

Các tin cũ hơn