Vụ 12 người cùng xã nhiễm HIV: Chờ xét nghiệm lại

Thứ sáu, 01/06/2012, 09:59
Trao đổi ngày 31/5, TS Trần Ngọc Hữu, Viện trưởng Viện Pasteur TP.HCM cho biết, Viện  sẽ xét nghiệm lại cho các bệnh nhân để xác định chính xác bệnh nhân có nhiễm HIV hay không và tư vấn cho họ biện pháp phòng tránh nhằm giảm tác hại cho cộng đồng.

 

>>Vẫn chưa xác định nguồn lây 12 người nhiễm HIV tại Bến Tre
>>Vụ 12 người dân ở Bến Tre nhiễm HIV: Do dùng chung lọ thuốc?
>>Bến Tre: Nghi án y sĩ dùng chung kim tiêm gây nhiễm HIV hàng loạt


Một người nhiễm HIV ở ấp Phú Đăng hằng ngày vẫn xem sổ lãnh thuốc của mình và mong cơ quan chức năng làm rõ vụ việc
 

Đối với việc xác định nguyên nhân, đặc biệt xác định nguyên nhân lây bệnh phải thật thận trọng và có kế hoạch tương đối toàn diện vì sẽ có ảnh hưởng rất lớn đến cá nhân bệnh nhân và cộng đồng.
 
ThS.BS Võ Minh Quang, Khoa Nhiễm E, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP.HCM, người đã tham gia điều trị cho ca bệnh nhiễm HIV đầu tiên của Việt Nam (năm 1990) khẳng định, rất khó có thể xác định được bệnh nhân đã nhiễm HIV bao lâu, trừ trường hợp có yếu tố tiếp xúc rõ ràng.

Hiện nay, Việt Nam áp dụng kỹ thuật “Chiến lược 3” để xác định bệnh nhân nhiễm HIV. Muốn khẳng định bệnh nhân nhiễm HIV phải có 3 xét nghiệm (1 test nhanh và 2 test Elisa). Với các kỹ thuật hiện nay, nếu bệnh nhân mới bị nhiễm bệnh từ 4 - 6 tuần có thể xét nghiệm không phát hiện ra bệnh, giai đoạn này gọi là cửa sổ miễn dịch.

Tuy nhiên, giai đoạn cửa sổ là giai đoạn virus phát triển rất mạnh và nguy cơ lây lan rất cao nếu người bệnh không biết mình mắc bệnh và không có biện pháp phòng ngừa cho bạn tình thì rất nguy hiểm.

Với khoa học hiện nay, người ta có thể tính được thời gian bị nhiễm HIV chuyển sang giai đoạn AIDS dựa vào chỉ số CD4. Tế bào CD4 là một thành phần của bạch cầu lympho trong máu. Đây là một tế bào miễn dịch, phản ánh sức đề kháng của con người đối với các tác nhân gây bệnh.

Thông thường số lượng tế bào CD4 trung bình khoảng 800 - 1.500/mm3 máu. Khi cơ thể mắc bệnh (HIV/AIDS, lao, nhiễm trùng huyết, cúm, sốt xuất huyết, viêm gan siêu vi, bệnh lý ác tính), số lượng và tỷ lệ tế bào CD4 sẽ thay đổi (thường giảm).

Đối với bệnh HIV/AIDS, do virus HIV tấn công vào tế bào CD4, phá huỷ tế bào dẫn đến suy giảm tế bào CD4 về số lượng và chất lượng. Trung bình mỗi năm sau khi nhiễm HIV số lượng tế bào CD4 giảm khoảng 70 tế bào. Tốc độ giảm của tế bào CD4 còn tuỳ thuộc vào một số yếu tố khác như cơ địa bệnh nhân (trẻ em, phụ nữ, người già), sử dụng ma túy (giảm nhanh hơn), có bệnh cơ hội kèm theo hay không...
 
Tuy nhiên, khi số lượng tế bào CD4 giảm dưới 200 tế bào/mm3 bất kể người bệnh có dấu hiệu lâm sàng hay không đều được xem là suy giảm miễn dịch nặng (nhiễm HIV giai đoạn AIDS). Tùy vào mức độ suy giảm miễn dịch mà người bệnh có thể mắc các bệnh cơ hội nhẹ hay nặng.

 

Theo Bee

Các tin cũ hơn