Ảnh: AClick |
Chồng em là người làm ăn giỏi, biết lo cho con, chu cấp tiền bạc đầy đủ cho gia đình nhưng thường xuyên đi nhậu, cờ bạc và trăng hoa. Hiện anh ấy đang có quan hệ và thuê nhà ở với một người con gái khác. Em đã tìm đến tận nơi, nhờ công an can thiệp anh mới chịu về nhà ở. Sau đó, vợ chồng em thường xuyên cãi nhau, xúc phạm nhau nặng lời. Em hiểu, hiện chồng em đã không còn yêu em nữa, chỉ muốn được rảnh tay để đến với cô gái kia. Em cũng quá chán ngán, chẳng còn tình cảm gì với anh nhưng cố níu kéo chỉ vì hai đứa con. Liệu cuộc hôn nhân của em như thế có bền lâu được không? Nếu kéo dài thì cuộc sống của gia đình em sẽ ra sao? Nếu ly hôn thì có đúng thời điểm chưa hay phải chờ hai con lớn thêm?...
Minh Hằng (Q.3, TP.HCM)
Em Hằng mến,
Thật ra chẳng có thời điểm nào là thời điểm đúng để ly hôn, mà phải tùy thuộc vào hai người trong cuộc. Có những cuộc hôn nhân mà người ngoài nhìn vào thấy quan hệ vợ chồng đã rất tồi tệ, tưởng như vô phương cứu vãn nhưng cuối cùng lại sóng êm gió lặng vì đến lúc nào đó, mỗi người như chợt tỉnh mà nhìn lại mình, nhìn nhận lại giá trị chân chính của tình nghĩa vợ chồng. Lại có những cuộc hôn nhân chỉ cần một vài vết rạn nhỏ là đã nhanh chóng đổ sụp khiến ai biết chuyện cũng ngỡ ngàng. Vì thế, thời điểm nào là do chính người trong cuộc xác định. Nếu không muốn đối mặt với cái thời điểm khắc nghiệt đó, cả hai phải cùng có thiện chí và cùng nỗ lực; nếu người xây người phá thì có xây kiểu gì gia đình cũng đổ.
Trở lại với cuộc hôn nhân của em, cho dù có nhiều biểu hiện tồi tệ nhưng vẫn còn hai yếu tố để ta có thể hy vọng “còn nước còn tát”: em vẫn muốn níu kéo và chồng em đã chịu quay về. Vậy thì sao cứ tranh cãi và thường xuyên xúc phạm nhau? Sao em không thử thay đổi một chút cách nhìn về chồng mình: nhìn vào những yếu tố tích cực của anh ấy như biết lo cho vợ con, chịu nghe vợ mà quay về, không hùng hổ đòi ly hôn hay hành hung vợ nếu trái ý… Còn muốn níu kéo, em nên quan tâm đến chồng hơn, đừng biến gia đình thành “thùng thuốc súng” với bao nhiêu thứ nặng nề, khiến chồng em không còn muốn quay về; khiến vợ chồng luôn sẵn sàng cãi nhau. Đồng thời, vợ chồng em nên tìm cách hâm nóng lại tình yêu và ngồi lại nói chuyện thẳng thắn với nhau về những gì đã xảy ra. Hãy nói với nhau trên cơ sở xây dựng, rút kinh nghiệm để chung sống với nhau tốt hơn; đừng xỉa xói, tìm cách bắt lỗi, quy tội cho nhau. Hãy cố gắng từng ngày, từng bước nếu nhận thấy đang có những dấu hiệu chuyển biến tích cực của tình hình, dù chỉ một chút xíu. Hãy cố gắng trước khi tự kết luận đã hết thuốc chữa. Riêng về các con em, cũng không có “định mức tuổi” để cha mẹ ly hôn. Chị nghĩ, khi vợ chồng đã mâu thuẫn đến mức không còn muốn chung sống với nhau thì đừng tránh né việc ly hôn, đừng cố níu kéo chỉ với lý do sống vì con. Gia đình giả tạo, vợ chồng gượng gạo sống chung, xúc phạm nhau hàng ngày… là một bi kịch cho các con; có lẽ còn hơn cả cái bi kịch cha mẹ chia tay.
Mong rằng vợ chồng em vẫn chưa đến “thời điểm”.
Theo PN
Đinh Thị Mười