Tôi mới cưới vợ được 1 năm thì phải đi công tác 6 tháng. Khi xa vợ, tôi rất biết giữ mình và kiềm chế nhu cầu của bản thân. Vậy mà khi tôi hoàn thành chuyến công tác về, bà xã đã tìm đủ mọi lý do để từ chối chuyện chăn gối.
Khi tôi cương quyết "làm" cho bằng được thì chỉ sau vài lần "đi lại", vùng kín của tôi bị ngứa, mẩn đỏ. Tôi giấu vợ đi khám nam khoa được biết là bị nấm. Tôi chắc chắn là lây từ vợ. Trong thời gian xa nhau, liệu vợ có "làm gì" với ai đó để sinh bệnh này không?
Trần Vinh (Đà Nẵng)
Bạn không nên chỉ dựa vào việc từ chối gần gũi và chứng bệnh mình đang mắc để nghi ngờ lòng chung thủy của bà xã. Vì việc từ chối gần chồng khi biết "cô bé" đang có bệnh cũng là điều bình thường, còn việc nhiễm nấm âm đạo là chuyện rất nhỏ ở phụ nữ. Hầu hết phụ nữ đều bị nhiễm nấm âm đạo ít nhất 1 lần trong đời.
Nguyên nhân gây nhiễm nấm âm đạo chính là nấm Candida Albicans, ký sinh ở một số nơi trên da và bên trong âm đạo, là một phần hệ vi sinh vật bình thường trong miệng, ruột và âm đạo. Bình thường, môi trường acid trong âm đạo giữ cho nấm không bùng phát. Nhưng vì một lý do nào đó khiến môi trường âm đạo bị kiềm hóa như: Thụt rửa âm đạo quá nhiều lần trong ngày, dùng kháng sinh, mắc bệnh tiểu đường; rửa âm đạo thường xuyên bằng xà phòng; ứ dịch âm đạo… sẽ làm môi trường acid âm đạo thay đổi cũng khiến nấm Candida Albicans phát triển mạnh sẽ gây ra chứng nhiễm nấm.
Nấm sinh sôi rất nhanh trong môi trường ẩm ướt, trong môi trường giàu kiềm và khi hệ miễn dịch suy giảm. Vì thế, nếu vợ bạn bị nấm, thì bạn lây nhiễm nấm từ vợ khi "quan hệ" là khó tránh.
Bạn cần nói chuyện với vợ để có biện pháp điều trị phù hợp. Điều trị nấm cần áp dụng cho cả hai vợ chồng bạn. Phương pháp điều trị rất đơn giản bằng cách đặt thuốc âm đạo (với nữ) và uống thuốc dạng viên kết hợp bôi kem (với nam). Tuy nhiên, khi điều trị cả hai cần tuân thủ tuyệt đối theo chỉ định của bác sĩ để tránh trường hợp loạn vi khuẩn bảo vệ dẫn tới tái nhiễm nhiều lần.
Theo Giadinh.net