Phương pháp này như sau: sáng và trưa ăn uống bình thường, bữa ăn chiều thì chỉ bí đao luộc. Kèm theo đó là vận động, tập luyện nhẹ trong ngày. Liệu bí đao có tác dụng như những người béo phì kỳ vọng?
“Sơ yếu lý lịch” của bí đao
Bí đao (Bennicasa hispida Thunb., họ bầu bí – Cucurbitaceae) là loài thực vật dạng dây leo, trái ăn được, thường dùng để làm rau (nấu canh, hấp, xào), làm mứt, mỹ phẩm và thuốc thanh nhiệt.
Theo y văn cổ thì quả bí đao có tên gọi đông qua (trái mùa đông – đây cũng là nguồn gốc tên gọi tiếng Anh winter melon). Trong đó, “qua” là trái của thực vật loại dây leo, “đông” có ý nghĩa trái có thể dự trữ suốt mùa đông mà không bị hư hại.Trong Bản thảo cương mục, bí đao được đề cập với tên bạch đông qua, do lớp phấn giống như sáp màu trắng bao phủ bên ngoài vỏ trái khi già. Vỏ trái bí đao có tên gọi là đông qua bì, hạt gọi là đông qua tử, đông qua nhân, hay bạch qua tử. Trong sách Lĩnh nam bản thảo, danh y Hải Thượng Lãn Ông đã tóm tắt tính chất và công dụng của bí đao qua bốn câu thơ:
Đông qua tục gọi là bí đao
Tính vị ngọt hàn, chẳng độc nào
Giải khát, mát tim, lui phiền nóng
Tiêu ung, thũng trướng, lợi thuỷ cao
Như vậy, bí đao có vị ngọt, tính lạnh, vào các kinh phế, vị, bàng quang, tiểu trường, không có độc tính. Tác dụng chủ yếu là giải khát, làm mát, lợi tiểu để loại trừ nhiệt độc và nước ứ đọng trong cơ thể ra ngoài. Ăn bí đao thường xuyên có thể tiêu trừ nước thừa trong cơ thể ở người béo bệu, phù thũng. Có lẽ đây là cơ sở để dân gian cho rằng bí đao có tác dụng giảm cân, chống mập phì chăng? Đặc biệt, dân nhiều địa phương ở Trung Quốc có thói quen uống nước nấu từ bí đao vào những ngày hè oi bức.
Thành phần hóa học
Thành phần chủ yếu của bí đao là nước, nhiều chất xơ, không chứa lipid. Cứ 100g bí đao có 0,4g protid, 2,4g glucid, 19mg canxi, 12mg phosphor, 0,3mg sắt, nhiều loại vitamin (A, B1, B2, B3, B9, C, E… và khoáng chất như kali, phosphor, magne...) Do hàm lượng dinh dưỡng thấp, cung cấp ít năng lượng, giàu chất xơ và yếu tố vi lượng, nên bí đao luộc hoặc hấp được xem là món ăn lý tưởng cho người thừa cân.
Những phân tích hiện đại cho thấy trong bí đao có hyterincaperin. Hợp chất này có khả năng ngăn không cho đường chuyển hoá thành mỡ trong cơ thể, nhờ đó mà cản trở sự tích luỹ mỡ dẫn đến béo phì.
Tác dụng làm thuốc
Mặc dù sử dụng bí đao để chế biến thực phẩm hàng ngày không gây tác dụng phụ bất lợi, nhưng khả năng lợi tiểu khá mạnh có thể dẫn đến thiếu nước và rối loạn điện giải (giảm natri, clor…) khi dùng quá nhiều. Cần lưu ý điều này khi sử dụng cho người huyết áp thấp, thiếu máu, rối loạn điện giải. |
Nhiều nghiên cứu đã chứng minh tác dụng chống oxy hoá của bí đao trên tế bào mô gan, não, thận. Đây là cơ sở của những tác dụng dược lý của bí đao đã được công bố, đó là: kháng viêm, kháng dị ứng, hạ đường huyết, phòng chống Alzheimer, béo phì, u xơ, ung thư... Nhóm nghiên cứu của Chetan Nandecha và cộng sự đã khẳng định cao chiết hạt bí đao có hoạt tính ức chế 5α-reductase, giúp C. Nandecha phòng chống phì đại tiền liệt tuyến trên mô hình thực nghiệm.
Do giàu vitamin E nên bí đao còn được dùng làm mỹ phẩm giúp dưỡng da, giảm các vết nhăn và vết nám. Từ xa xưa, các thầy thuốc đã truyền nhau bí quyết dùng cao bí đao để chữa bệnh ngoài da và làm đẹp da mặt. Những kinh nghiệm cổ truyền và cả những công bố khoa học hiện đại cho thấy bí đao là món ăn bài thuốc hữu hiệu trong phòng chống các bệnh liên quan đến oxy hoá, trong đó có thừa cân béo phì và các bệnh tim mạch khác. Tuy nhiên để giảm cân hiệu quả còn phải có chế độ vận động thể dục thể thao và dinh dưỡng hợp lý, chứ không thể chỉ ăn bí đao trừ cơm thôi là đạt được hiệu quả giảm cân như mong muốn.
Theo SGTT
Đinh Thị Mười