Chuyện cảm động về “hiệp sĩ giao thông làng”

Thứ năm, 28/06/2012, 15:21
Chính lòng nhiệt tình, hàng ngày làm nhiệm vụ phân làn của ông Phạm Đình Chính mà nút giao thông tại đây giảm nhiều ùn tắc.

>>Tân Bình: Hiệp sĩ Sài Gòn bắt kẻ trộm phụ tùng ôtô
>>Bình Dương: Hiệp sĩ tóm gọn hai tên trộm cạy cửa
>>TP HCM: “Hiệp sĩ” bắt tội phạm qua chat
>>“Hiệp sĩ” trên sông Giồng Ông Tố

Đó là câu chuyện về ông Phạm Đình Chính, ở làng Lai Xá, xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Hà Nội. Dù năm nay đã bước sang tuổi 80, nhưng ngày ngày không quản nắng, mưa, ông vẫn thầm lặng nơi cổng làng và các điểm giao thông thường  xuyên tắc nghẽn để phân làn, giữ gìn trật tự an toàn giao thông cho làng quê.   

Từ tình thương người…

Giữa cái nóng gay gắt, chúng tôi đến làng Lai Xá đúng lúc các con đường ở đây tắc nghẽn bởi phương tiện lưu thông qua khu vực này quá đông. Đứng giữa cổng làng, một người đàn ông mặc thường phục tay quơ chiếc gậy, miệng liên tục tuýt còi để phân luồng giao thông. Hỏi ra mới biết ông là Phạm Đình Chính, "hiệp sĩ giao thông" làng Lai Xá đang làm nhiệm vụ thường nhật.

Ngã năm dẫn vào làng Lai Xá là cửa ngõ nối ra đường 32 của 7 xã trong huyện Hoài Đức nên hàng ngày nơi đây có lưu lượng phương tiện tham gia giao thông rất lớn. Đặc biệt, vào giờ cao điểm, mọi người tan làm và cũng là lúc học sinh THPT Hoài Đức, THCS Kim Chung… đồng loạt tan trường. Vào thời điểm như vậy, dù bận đến thế nào, ông Chính vẫn làm nhiệm vụ điều tiết giao thông.

Hết giờ cao điểm, mật độ xe cộ đã trở lại bình thường, mặt mướt mồ hôi nhưng ông Chính rất vui vẻ tiếp chuyện với chúng tôi.

Năm 2005, sau khi xây nhà ngay "điểm đen" giao thông của làng, ngày ngày chứng kiến người dân khốn khổ vì cảnh ùn tắc, thấy nhiều vụ va chạm giao thông dẫn đến cãi vã mất tình làng xóm, ông Chính suy nghĩ và đưa ra quyết định sẽ làm nhiệm vụ phân làn giao thông cho nút ngã năm này. 

Ban đầu, việc điều tiết giao thông không hề dễ dàng do người dân chưa hiểu việc làm của ông nên không chấp hành. 

Không ít người tham gia giao thông kém ý thức chê bai ông. Nhất là các thanh niên không đội mũ bảo hiểm khi được ông nhắc nhở, tỏ ra bất bình với ông. "Biết việc mình làm như vậy sẽ có điều tiếng nhưng để giữ gìn trật tự giao thông cho làng xã nên tôi không sợ. Giúp người là việc nên làm mà"- ông Chính tâm sự.

Chính lòng nhiệt tình, hàng ngày làm nhiệm vụ phân làn của ông Phạm Đình Chính mà nút giao thông tại đây giảm nhiều ùn tắc. Hiểu được việc làm của ông có ích, dần dần người dân trong làng và ngoài xã ủng hộ, khi tham gia giao thông qua khu vực này đều chấp hành sự điều khiển của ông.


Sự có mặt của ông làm an lòng những người tham gia giao thông. 

      
… Đến danh hiệu "hiệp sĩ giao thông" không công 

Ông Chính tâm sự: "Làm công việc này phải có tính kiên trì, vì ngoài những người hiểu biết, còn có thanh niên dù bị thổi còi nhưng vẫn lao nhanh hơn".

Tuy công việc nặng nhọc, khó khăn, thậm chí nguy hiểm song ông Phạm Đình Chính không đòi hỏi bất cứ quyền lợi nào. Ông nói: "Tôi làm việc này chủ yếu là đảm bảo an toàn giao thông cho người dân, về già không làm gì chỉ mong có một việc làm giúp ích cho xã hội là vui rồi". Không công xá nhưng chưa ngày nào ông quên làm nhiệm vụ "vác tù và". Dù tuổi cao nhưng chưa bao giờ ông nghĩ đến chuyện nghỉ ngơi.

Anh Phạm Đình Sĩ, con trai ông Chính thường hỏi vui bố: "Ngày ngày bố đứng ở đó, khi bố ốm thì thuê ai đứng thay bố?". Mỗi lúc như vậy ông tâm sự với con: "Bố làm được ngày nào hay ngày đó, lúc mình ốm đau, mong bà con có ý thức tự bảo vệ mình khi tham gia giao thông".

Rồi anh Sĩ trò chuyện với chúng tôi: "Nói cho vui chứ thực lòng tôi rất ủng hộ ông. Nhiều khi trái gió trở trời, thấy bố về sớm hơn ngày thường là biết bố mệt, đau xương khớp nên tôi cũng ra phụ giúp ông. Vậy mà khi đỡ một chút ông lại ra làm nhiệm vụ".

Ông Chính cười khà khà: "Đứng đường quen rồi về nhà không chịu được. Mà tôi thấy ý thức giao thông bà con trong làng cao lắm, nên mình đôi khi chỉ cần có mặt là trật tự giao thông đã được giữ gìn, không có cảnh ùn tắc". Giờ đây, hình ảnh ông Chính ngày ngày giữ an ninh trật tự giao thông trở nên thân thuộc với người dân.

Anh Nguyễn Văn Hải, người dân trong làng cho biết: "Nhiều khi đi qua đây thấy ông Chính là thấy an toàn, không thấy ông đứng đó thì thấy lo lắng, vừa lo lắng bởi lý do giao thông, vừa lo lắng cho sức khỏe của ông.

Để tìm người làm việc như ông không dễ dàng, có ông chúng tôi đi làm việc cũng an tâm". Điều đặc biệt ở ông Chính là ông không chỉ là người làm nhiệm vụ phân luồng giao thông ông còn là người thường xuyên phổ biến giáo dục kiến thức cho người dân trong làng, xã. 

Những dòng khẩu hiệu luôn được ông mua sơn về viết trước cổng làng như "Đường xe đi phải đi chậm, vào ra từ từ để được an tâm…" để nâng cao ý thức người dân khi tham gia giao thông. Những đóng góp của ông trong suốt thời gian qua đã làm giảm rất nhiều tình trạng ùn tắc giao thông nơi nút ngã năm này, người dân trong làng vì thế mà gọi ông với cái tên thân thương "hiệp sĩ giao thông thôn Lai Xá".

Chia tay ông khi đường làng đã thông thoáng, lúc này cũng là lúc ông về nghỉ ngơi để chiều tiếp tục công việc thường nhật của mình. Chúng tôi ấn tượng với câu nói của ông: "Sống ở đời phải làm được việc gì có ích cho xã hội. Tùy năng lực và trí tuệ, làm được gì có ích cho mọi người thì nên làm, cứu người cũng là cứu mình. Có như vậy xã hội mới phát triển, nhân dân mới có cuộc sống ấm no hạnh phúc".

 
Theo tinmoi

Các tin cũ hơn