Trung tâm mua sắm trên đường Orchard |
Trong khi đó, hội chợ “Malaysia Mega Sale Carnival” được tổ chức tại khắp các thành phố du lịch của Malaysia từ 15-6 đến hết tháng 8, cũng cung cấp danh mục dường như vô tận các chủng loại hàng từ thời trang, đồ thiết kế nội thất, linh kiện máy vi tính đến các thiết bị điện… với giá giảm từ 30 - 70%.
Vốn là tín đồ của hàng “ngoại”, chị Nguyễn Thu Hồng, ở Hàng Khay, quận Hoàn Kiếm chưa bao giờ bỏ lỡ mùa “sale off” nào tại những nước được coi là thiên đường mua sắm như Thái Lan, Singapore, Malaysia, thậm chí Mỹ và châu Âu. Với chị Hồng, đây là cơ hội cho chị thoả mãn niềm đam mê mua sắm. “Năm nào tôi cũng dành ít nhất 2 kỳ nghỉ để ra nước ngoài với mục đích duy nhất là “shopping” vào những đợt giảm giá.
Tôi thường dành dụm tiền cho những dịp này để mua những món đồ mà mình yêu thích. Cũng là một đôi giày đồ hiệu nhưng nếu mua ở Việt Nam, giá của nó đắt gấp 3-4 lần, trong khi mua ở nước ngoài tôi được giảm giá từ 50 - 70% thì sao không ra nước ngoài mua sắm. Nếu cộng tất cả chi phí, tôi thấy vẫn rẻ hơn nhiều so với việc mua những sản phẩm hàng hiệu ở Việt Nam.
Thông thường, ở các nước láng giềng như Thái Lan, Singapore, Malaysia, Trung Quốc, những tháng hè, dịp cuối năm là thời điểm nhiều cửa hàng, cửa hiệu “xả” hàng giảm giá, có những mặt hàng còn giảm giá tới 90%.
Có những đợt giảm giá ở Hồng Kông, nhiều mặt hàng hiệu như Gucci, Dolce & Gabbana, Roberto Cavalli, Tod’s,... trưng biển “sale-off” với giá cực sốc. Vì vậy, vào những thời điểm này du khách mọi nơi lại kéo đến đây để mua những món hàng giá hời, thỏa mãn nhu cầu mua sắm của các tín đồ shopping.
Cần có những hiểu biết nhất định
Là người có kinh nghiệm trong lĩnh vực mua hàng giảm giá, anh Bùi Tuấn Hải, ở phường Quảng An, quận Tây Hồ cho rằng, khách hàng muốn mua được hàng hiệu giá cực rẻ cũng phải có “chiêu” mới “săn” được thứ mình muốn.
Anh Hải bật mí: “Khi phát hiện một lỗi nhỏ trên mặt hàng đang bày bán như một vết bẩn nhỏ trên chiếc khăn lụa, một chiếc áo bị đứt cúc, một vết xước trên ví da hay đôi giày có vài mũi kim không thẳng hàng... nếu biết cách thương lượng, trả giá, khách hàng sẽ mua được món đồ có giá thấp hơn rất nhiều so với giá trị thực của nó.
Theo anh Hải, cũng giống như ở Việt Nam, ở nước ngoài nếu muốn mua được hàng giá rẻ thì đừng ngại trả giá. “Khi mua không nên chấp nhận giá đầu tiên mà người bán đưa ra. Đã thích món đồ nào thì đừng ngại hỏi: “Đây có phải là giá thấp nhất mà ông (bà) có thể bán ra không”. Đơn cử như tại những cửa hàng trang sức ở Mỹ, những người bán rất vui lòng khi khách hàng mặc cả.
Mùa giảm giá luôn được các tín đồ thời trang khắp nơi ưa thích
|
Có những món hàng khi trả giá, người mua sẽ được giảm từ 25 - 40%, thậm chí 2/3 giá”, anh Hải cho biết.
Tuy vậy, theo nhiều dân sành về shopping giá rẻ, nếu không biết cách chọn lựa và có con mắt về thời trang thì khách hàng có thể sẽ mua phải những mặt hàng lỗi mốt, hàng kém chất lượng. “Hầu hết ở các nước, những khu mua sắm được họ phân cấp theo cấp độ, từ cao cấp đến thấp cấp và chia thành các khu riêng biệt.
Do vậy, tuỳ theo nhu cầu, khách hàng nên tìm đến những khu mua sắm phù hợp để có thể chọn mua được những sản phẩm ưng ý. Song, nếu đến khu bình dân để săn hàng giá rẻ thì thà ở Việt Nam mua hàng Việt dùng còn tốt và đẹp hơn nhiều”, chị Phan Hoài Thu, nhân viên tổ chức sự kiện một công ty truyền thông cho hay.
Theo ông Nguyễn Hồng Hà, giám đốc một công ty du lịch trên phố Hàng Bạc thì nếu du khách đi cùng hướng dẫn viên thì tốt nhất nên nhờ họ trả giá, bởi hướng dẫn viên là người thông thuộc địa bàn nên ít nhiều họ hiểu rõ về giá cả và cách thức bán hàng của người dân địa phương.
Tuy nhiên, khi mua hàng giảm giá ở nước ngoài cũng có những hạn chế nhất định, vì nếu du khách mua cho bản thân thì không vấn đề gì vì họ có thể nhìn rõ mặt hàng, mầu sắc, kích cỡ… để quyết định xem có nên mua hay không. Nhưng nếu mua cho người thân, bạn bè thì rất khó có thể mang đổi, trả lại trong trường hợp người đó không ưng ý hay không vừa kích cỡ.
Theo ANTĐ