Nga chỉ luyện thi vào buổi tối, thế là hàng xóm của cô chịu cảnh "nửa đêm nghe tiếng đàn bầu như nhạc đám ma", trong khi xóm trọ của Khánh (thi trường nhạc) thỉnh thoảng lại giật mình vì âm thanh kỳ quặc.
Thay vì ngập đầu trong số liệu để ôn thi như các môn khác, các sĩ tử dự thi vào những ngành nghệ thuật âm nhạc, điện ảnh lại có thể ôn thi ở mọi lúc, mọi nơi.
Đặc biệt, để có thể đạt được kết quả tốt cho kì thi sắp tới, các sĩ tử hầu hết đều phải dành ít nhất 3 tiếng/ngày luyện tập môn năng khiếu, còn nếu có nhiều thời gian hơn thì càng tốt. Tuy nhiên, cũng vì đặc thù chuyên ngành và không gian ôn thi thoải mái nên dẫn đến những tình huống bi hài.
Sau khi kết thúc kỳ thi tốt nghiệp, vào tuần sau, các thí sinh chính thức làm bài thi đại học.
Những ngày gần đây, dãy nhà trọ của Ngọc - sinh viên trường ĐHQG HN luôn trở nên ồn ào náo nhiệt bởi Minh Khánh - anh chàng phòng bên cạnh. Năm nay, Khánh quyết định sẽ thi vào trường nghệ thuật để có thể trở thành ca sỹ, thỏa nỗi ước mơ của mình.
Thế là ngày ngày, Ngọc và các bạn cùng phòng luôn phải hứng chịu mỗi khi Khánh luyện thanh. Khi thì bị đánh thức lúc sáng sớm, giữa trưa đang ăn cơm cũng phải nghe, thậm chí nhiều lần đang chuẩn bị ngủ thì Khánh lại hứng lên luyện một vài câu rồi tắt phụt.
“Biết là em Khánh luyện để ôn thi nhưng có những hôm không thể nào chịu được. Đặc biệt là đêm khuya, nghe tiếng luyện thanh mọi người ai cũng "sởn da gà". Hôm trước mình và các bạn có sang góp ý một chút thì cũng đỡ hơn, không thấy có những âm thanh gây sốc như trước nữa” - Ngọc cho biết.
Cũng trong kỳ thi tới, Mai Anh đang chuẩn bị theo học chuyên ngành Đàn bầu tại Học viện Âm nhạc QG. Điều đặc biệt là cô luôn dành thời gian từ 8h tối đến 11h đêm để luyện tập. Lý do mà Mai Anh lựa chọn giờ “ẩm ương” như vậy là bởi hầu hết thời gian ban ngày, cô phải phụ giúp mẹ bán hàng và trông em.
Theo Mai Anh thì bất đắc dĩ lắm cô mới phải tập đàn lúc tối muộn như thế. Nhiều lần, hàng xóm đã qua nhà góp ý vì “nửa đêm nghe tiếng đàn bầu như nhạc đám ma”, nhưng chẳng còn cách nào khác vì cô bạn không có nhiều thời gian. Cuối cùng, cô đành chọn cách vặn bé loa nhỏ nhất có thể mỗi khi tập đàn.
Khổ luyện và đam mê
Ngoài việc luyện tập ở nhà thì hầu hết các bạn thi vào âm nhạc, điện ảnh đều phải đến học thêm tại nhà các thầy cô giáo để trang bị thật tốt kiến thức cũng như làm “tăng khả năng thi đỗ vào trường”. Bởi không chỉ có luyện tập chuyên ngành, sĩ tử thi các ngành liên quan đến âm nhạc bắt buộc phải ôn thi những môn cơ bản như xướng âm, thẩm âm tiết tấu, hòa thanh, ghi âm….
Đối với những ai có năng khiếu nghệ thuật thì việc làm thế nào có thể hát xướng âm cho đúng hay đập tiết tấu thể nào cho chuẩn xác không có gì khó khăn, nhưng với những bạn không có chút năng khiếu nào thì việc đó trở nên vô cùng phức tạp. Nhiều lúc đập tiết tấu sai nhiều quá, bị thầy giáo bắt tập đi tập lại đến nỗi về nhà còn rát hết hai bàn tay.
Không ồn ào, gây ảnh hưởng đến hàng xóm như các bạn theo học âm nhạc, học sinh ôn thi vào điện ảnh tĩnh lặng hơn. Bạn Quang Minh (Cầu giấy, Hà Nội) thường xuyên phải đứng trước gương để tập bởi con đường mà Minh chọn là trở thành diễn viên điện ảnh.
Minh kể: “Bài tập đầu tiên thầy giáo giao cho mình là phải đứng trước gương tập khóc. Quả thật nó rất khó bởi cứ nhìn vào gương là mình lại buồn cười. Mình phải tập mãi mới khóc được một chút thì mẹ chạy lên hỏi có chuyện gì mà khóc thế”.
Thí sinh thi vào các trường nghệ thuật sẽ thi vào đợt 2, bắt đầu từ ngày 9/7 tới. (Ảnh minh họa)
Cùng chung ước mơ như Minh là bạn Hương Ly. Ly đang là sinh viên năm nhất trường ĐH KTQD đã có một quyết định rất táo bạo là sẽ từ bỏ con đường kinh doanh để chuyển sang học Sân khấu Điện ảnh.
Ban đầu, gia đình phản đối kịch liệt, không đồng ý cho Ly theo học cũng như cắt hết các khoản tiền chu cấp. Nhưng với tính khí đã quyết là làm của mình, cuối cùng Ly cũng được bố mẹ đồng ý.
Thế là Ly bắt đầu đi mua hồ sơ để nộp cũng như tìm giáo viên để học thêm trước khi thi vào trường. Chia sẻ về chuyện vui trong quá trình luyện thi của mình, Ly nói: “Hôm trước, cô giáo yêu cầu buổi sau đi học phải diễn thật tốt cảnh đánh ghen nên mình có nhờ một người bạn sang nhà để giúp. Do tập hăng quá nên mình tát bạn ấy một cái rất mạnh. Bạn ấy giận quá, bỏ về luôn”.
Gặp nhiều tình tiết éo le là vậy, nhưng đa số các sĩ tử cho rằng, việc thi vào các trường nghệ thuật “sướng” hơn các ngành khác rất nhiều. Tuy thời gian phải luyện tập khá cao, nhưng bù lại các bạn luôn cảm thấy vui vẻ, lạc quan, yêu đời và mang một đam mê cháy bỏng mà không con số, công thức nào đo đếm được.