Người lớn múa lưỡi dạy trẻ con, “lưỡi thần kỳ” xuất hiện…
Thứ tư, 11/07/2012, 21:00
Trong khi các nhà báo mừng quýnh tưởng như bắt được vàng khi phát hiện ra khoa học công nghệ đã phát triển đến mức chế được cả lưỡi giả, mà được gắn mác thần kỳ hẳn hoi, thì các em học sinh há hốc mồm khi nhìn đáp án môn Văn.
Hôm nay, Bộ Giáo dục và Đào tạo chính thức công bố đáp án cho các đề thi văn khối C và D, từng gây rất nhiều hứng khởi cho các sĩ tử văn hay chữ tốt đang chọi như gà để kiếm một suất mài đũng quần trên giảng đường đại học. Không làm dư luận thất vọng, đáp án được công bố hoàn hòan xứng đáng với đề thi và khả dĩ đáp ứng được yêu cầu tuyển lựa những gương mặt sáng láng nhất.
Phải nói, những người ra đề, những giáo sư khả kính của chúng ta đã có ý thức đồng hành đi lên với sự phát triển hàng ngày hàng giờ của đất nước, mà trên lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật thì không gì bằng giới sâu bít (showbiz). Ta hãy thử nhìn sự tiến hóa không ngừng của những đề thi văn gây sốt gần đây thì đủ biết.
Các thí sinh tự do quay cóp trong phòng thi. (Ảnh cắt từ clip)
Trước hết, từ chỗ rụt rè e thẹn như gái nhà lành bàn chuyện trinh tiết có ba bảy đường, kỳ thi tốt nghiệp khiến thiên hạ choáng cả váng khi thẳng thừng đề cập đến thói dối trá. Tất nhiên, đề thi… dối trá điển hình nhất là ở Đồi Ngô, khi một cậu thí sinh mới lớn lơ ngơ láo ngáo bỗng nổi hứng thật thà quay trọn cả 12 clip về cảnh bát nháo ở trường thi.
Để rồi, qua miệng lưỡi có gang có thép của những người nắm quyền sinh quyền sát, thiên hạ mới vỡ ra rằng sự thật thà này chẳng liên quan tí ti nào đến đề thi tiền hô hậu ủng tính trung thực cả. Nói khác đi, sự thật thà nếu không trái ngược thì cũng khác xa sự trung thực.
Nếu quý vị không tin, hãy thử xem lại cách xử sự của ngành Giáo dục với mấy cái clip đó thì đủ biết. May mà các quan bộ thương tình đại xá, chứ nếu cứ khăng khăng làm việc theo đúng chân lý của các ngài rằng quay clip tố tiêu cực là làm việc dại dột, thì thí sinh nọ nếu không vi phạm qui chế cũng làm bài lạc đề. Tất nhiên, khi đó thì đành ngậm ngùi chờ đến kiếp sau để vượt được cái vũ môn tốt nghiệp THPT, nói gì đến hóa rồng hóa giun cao xa nữa.
Nhưng đến đề văn thi đại học, thì không chỉ gần 90 triệu dân Việt Nam mà chắc cả mấy tỷ người địa cầu đều phải đồng lọat thốt lên những lời thán phục. Thôi chết rồi, thế này thì các cường quốc văn minh biết bao giờ mới đuổi kịp Việt Nam, khi nền giáo dục ưu việt của chúng ta chỉ tạm he hé cánh cửa trường đại học cho các bậc thiên tài.
Này nhé, đề thi và đáp án môn văn khối C đã chỉ rõ rành rành thành tựu là tốt, còn ở thế đối trọng, thành tích là thứ không đáng để tâm, vì thành tích chỉ là những “kết quả được đánh giá tốt”, chứ không phải là tốt thực sự đâu nhé. Lập luận này thật đám dân thường chúng ta không sao tranh luận lại nổi, vì đọc đi đọc lại vẫn chẳng hiểu gì!
Cũng tương tự như ở trình ác liệt hơn, đề thi khối D còn khiến thiên hạ phải cứng lưỡi nếu manh nha ý định học đòi đám nhà báo dở hơi tìm cách trả lời, chỉ trừ cái khúc thịt trong mồm được gọi là lưỡi của người ra đề kiêm người ra đáp án.
Đề thi môn Văn khối D với câu hỏi viết nghị luận xã hội gây sốt.
Để hiểu rõ hơn thử thách nghiệt ngã mà đề thi này đặt ra cho các sĩ tử, ta hãy thử đặt mình vào cái ghế hiểm hóc trong phòng thi và phóng bút theo đúng tư cách một người chân chính chứ không phải một kẻ cơ hội xem sao.
Rất xứng đáng với lòng yêu nước và lịch sử 4.000 năm của dân tộc, ví dụ đầu tiên mà ta nghĩ đến nhất định là các bậc anh hùng dân tộc như Bà Trưng, Bà Triệu, Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Nguyễn Trãi, Quang Trung… Chà chà, bài thi có vẻ như sẽ được điểm cao, vì ngưỡng mộ những thần tượng này đúng là một nét đẹp văn hóa và đố ai mà cãi được điều này.
Nhưng, lại nhưng, khổ quá, hình như ví dụ này không thể đem ra mà chứng minh cho nhận định “mê muội thần tượng là một thảm họa” được, thậm chí cũng không thể đề tạm là “chỉ mang tính chất minh họa” như các nhà báo hay làm. Chết, chết, phủi phui cái mồm không các cụ vật chết bây giờ! Suy đi không được, thế thì ta thử suy ngược lại một phát xem sao.
Chà, hơi ít nhưng cũng chẳng thiếu gì ví dụ sinh động, chẳng hạn như cho đến ngày nay vẫn có không ít kẻ tôn sùng trùm phát xít Hitler. Phải rồi, ngưỡng mộ Hitler – chẳng cần phải đến mức mê muội – cũng đã đủ là một thảm họa rồi, nhưng đem ví dụ này để áp vào mệnh đề “ngưỡng mộ thần tượng là một nét đẹp văn hóa” thì ta lại thấy nó khù khoằm, tréo ngoe thế nào ấy. Hẳn sẽ là một thảm họa nếu ai đó bảo rằng ngưỡng mộ thần tượng Hitler là một nét đẹp văn hóa!
Lưỡi thần kỳ ?
Thế là, với tư cách một thí sinh lai kinh ứng thí, chúng ta đành ngậm ngùi để lại một nửa câu hỏi này, vì cứ giả nhời được vế này thì mất toi vế kia, tréo ngoe không thể tả được. Chẳng khác nào một thầy giáo thể dục yêu cầu các học sinh yêu quý và đầy tài năng của mình từ từ nhấc chân phải lên, rồi sau đó tiếp tục từ từ nhấc chân trái lên vậy.
Đấy, quý vị có đồng ý với những thí sinh khốn khổ là trừ các bậc thiên tài ra, không ai có thể làm nổi quá một nửa câu hỏi hóc búa này hay không? Mà nói gì đến bọn choai choai hỉ mũi chưa sạch ấy, đến cánh người lớn đầu hai thứ tóc như chúng ta đây còn chẳng trả lời nổi nữa là…
Thật ra, những câu hỏi tương tự - nghĩa là cứ trả lời được đằng này thì bó tay với đằng còn lại, thậm chí còn bó luôn cả hai đằng – có vô số trong thế giới nghiêm trang đạo mạo của người lớn. Nhìn ở cấp độ “vi mô”, nào quan hệ tiền lương với giá cả, nào giá điện giá xăng theo kinh tế thị trường với mục tiêu CPI vừa phải, nào một đằng đòi phát triển công nghiệp ô tô đằng kia đòi hạn chế ô tô cá nhân…, bố ai mà kể ra cho hết được.
Còn ở “vĩ mô”, chẳng phải mấy năm nay chúng ta đã loay hoay như gà mắc tóc khi tìm điểm cân bằng giữa tăng trưởng và lạm phát mà rút cuộc chả biết mặt mũi cái điểm ấy nó ra sao, để đến nỗi cứ sau một hồi lạm phát lồng như ngựa phi lại đến một hồi tăng trưởng ỳ ạch như rùa già đội cối đá.
Mà trách gì những người có trách nhiệm với quốc gia đại sự, chính những người nhớn rặt dân đen như chúng ta đây cũng chẳng gương mẫu hơn là bao.
Chắc các quý bà quý cô nào cũng từng đặt ra hình mẫu đấng phu quân tuyệt hảo với những phẩm chất không bao giờ đi liền với nhau như giàu có, thông minh, danh vọng, sức khỏe vật chết voi, đẹp trai như sĩ điều, lịch lãm, hào hoa nhưng lại… thủy chung tuyệt đối, hết sức tiết kiệm nhưng lại phải không biết tiếc tiền khi mua quà tặng giai nhân…
Con xin lạy các bố! (Ảnh minh hoạ)
Ngược lại, các bậc nam nhi đội đá vá trời ai mà không một lần mơ tưởng một tuyệt thế giai nhân hết sức quyến rũ trong phòng ngủ nhưng lại e ấp đoan trang với mọi thằng đàn ông khác, hệt như nhà mỹ thuật Típ Phờ Nờ thời Số đỏ hết sức tán dương các cô gái tân thời với những mốt hở vú hở lưng, nhưng lại tát vợ hộc máu mồm vì tội tập tành học theo trào lưu khiến phong hóa suy đồi ấy.
Nói dông nói dài, tóm lại, thế giới của người lớn về cơ bản gồm những thứ hổ lốn đại loại như thế nhưng chúng ta vẫn ngày ngày giáo huấn cho con trẻ và yêu cầu chúng làm những công việc mà ta đóng kịch để tỏ ra có thể xử lý êm xuôi còn mệt bở hơi tai.
Rõ ràng, trong công cuộc giáo huấn cao cả ấy, cái cục thịt trong mồm chúng ta có vai trò hết sức quan trọng, vì giả như chúng ta chỉ biết làm mà không biết nói, thì nhìn chúng ta làm, đứa trẻ con nào lại kém khôn đến mức nghe người nhớn nhỉ?
Trong bối cảnh u minh đó, một tin vui động trời được báo điện tử Kiến Thức tung ra rồi được một cơ số trang mạng khác lấy lại. Cũng không có gì khó hiểu, khi sản phẩm kỳ diệu mới được khám phá hứa hẹn một tương lai xán lạn vô cùng cho những cái lưỡi khốn khổ của người lớn.
Với tiêu đề “Coi chừng loại "lưỡi thần kỳ" bán ở tiệm bao cao su”, bài báo dẫn lời người bán hàng tiếp thị như sau: “Hàng này em bán chạy lắm… Loại này xài hoài không mòn, vệ sinh dễ dàng. Khi vệ sinh lưỡi thì lấy lõi chứa pin ra. Dùng được với các kích thước lưỡi khác nhau và với cả đàn ông và đàn bà, giá thì phải chăng chỉ 500.000đ/cái thôi mà...".
Ôi, những cái lưỡi người lớn sắp thất nghiệp rồi chăng?