1001 tình huống SV tình nguyện cũng… khóc

Thứ tư, 11/07/2012, 21:08
Có thêm nhiều niềm vui, kỷ niệm khi tham gia tiếp sức mùa thi năm nay nhưng không ít tình huống, sinh viên tình nguyện cũng... chảy nước mắt.
 
Phát khóc vì phụ huynh
 
Nguyễn Văn Huy, SV ngành Công nghệ Sinh học (ĐH Công nghiệp TP.HCM) tham gia tiếp sức mùa thi chia sẻ, tình huống oái oăm nhất trong đợt tiếp sức năm nay cậu gặp phải là một bác phụ huynh ở Bình Chánh (TPHCM) đưa con gái đi thi cần tìm nhà trọ.
 
Đầu tiên Huy dẫn họ đến chỗ trọ gần trường, giá thuê rẻ như yêu cầu thì người mẹ chê chật chội. Cậu lại dẫn họ tới phòng trọ thoáng, tiện nghi hơn, hai mẹ con đã rất ưng ý nhưng lúc sau lại lắc đầu: “Xa quá!” dù chỗ này cách trường chỉ hơn 1 cây số.
 
 
SVTN hướng dẫn phụ huynh tìm nhà trọ
SVTN hướng dẫn phụ huynh tìm nhà trọ.

“Rồi bác ấy hỏi có khách sạn không, dù ngân hàng nhà trọ của chương trình tiếp sức không liên kết với khách sạn nhưng mình vẫn dẫn bác đến. Đến nơi, vào hỏi giá xong, người mẹ lại kêu giá thuê đắt quá nên lại nhờ tìm nhà nghỉ. Nhà nghỉ bác cũng kêu xa nốt”, Huy nói.
 
Mặc dù Huy cố giải thích chỉ có hai ngày thi, nếu cứ đi tìm nhà thế này sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe, tâm lý của thí sinh nhưng phụ huynh này vẫn không chịu. Cuối cùng, Huy đành “chào thua” vì còn rất nhiều người chờ cậu dẫn đến phòng trọ.
 
“Cũng có phụ huynh mình dẫn đến mấy nơi, không ưng ý, quay sang quát: “Ai mượn tụi bây dẫn đi”. Cũng buồn bực mà vẫn cố để cười chứ SVTN mà nhăn nhó thì mất hình ảnh, hơn nữa các bác cũng nóng lòng vì con”, Huy tâm tư.
 
 
Hướng dẫn thí sinh trước khi vào phòng thi.
Hướng dẫn thí sinh trước khi vào phòng thi.

Huy kể thêm, một trong những công việc khó khăn của SVTN mùa thi là đến thuyết phục người dân cho thuê phòng. Đồng phục của SVTN nhìn xa khá giống với nhân viên tiếp thị nên nhiều lúc vừa gõ cửa đã bị chủ nhà “đuổi” thẳng tay mà không thèm nghe mình trình bày một lời. Thế nên có những nhà họ phải quay lại nhiều lần mới gặp được chủ. Khi đó chủ nhà mới cười, bảo biết đâu, cứ tưởng tiếp thị đến “quấy rối”.
 
Ăn mắng là chuyện thường
 
Trước và sau các giờ thi, hầu hết tại trường đều có cảnh SVTN đều “xếp hàng rào” để phân luồng, giảm tắc đường. Với công việc này, họ dễ gặp các sự cố như bị quẹt xe, bị người đi đường mắng…Nhiều người đi đường thông cảm, chấp hành theo sự phân luồng của SVTN, nhường đường cho thí sinh nhưng có nhiều người bị chặn lại thì lập tức sừng sổ vẫn đòi vào đường phân luồng bằng được.
 
“Mình chỉ là SV nên nhiều người không chấp nhận theo hướng dẫn, bảo mấy đứa tui bây có quyền gì mà cấm, có người sẵn sàng lao xe vào người mình để băng qua. Có khi còn nghe mắng “Tụi bây rảnh quá ha, ăn rồi không có việc gì ra đứng đây làm loạn à? Nhiều bạn nữ mới đi lần đầu, dễ tổn thương là bật khóc liền”, một SVTN tại trường ĐH KHXH&NV TPHCM kể.
 
 
Việc cản đường giảm ùn tắc cho thí sinh của SVTN rất dễ bị ăn mắng
Việc "cản đường" giảm ùn tắc cho thí sinh của SVTN rất dễ bị "ăn mắng"

Việc đứng giữa dòng xe đông đúc để phân luồng cũng không ít nguy hiểm với rất nhiều tình huống như bánh xe chèn lên chân, người đi đường mất lái tông thẳng vào người hay như bị gương ô tô quẹt vào mặt…
 
SVTN Đinh Thị Tú Anh, phân luồng trước điểm thi trường THCS Trường Sơn (Gò Vấp) cho hay, đợt tình nguyện năm ngoái, một bạn nữ trong đội bị gương ô tô táp vào mặt phải băng bó vết thương, còn bị quẹt xe nhè nhẹ thì chẳng ai tránh được.
 
“Mời đầu đứng ở đường phân luồng rất ngợp, cảm giác như xe lao vào mình vậy. Đôi lúc cũng sợ nhưng thấy thí sinh thoải mái vào phòng thi, không bị kẹt xe là mình cũng vui lây”, Tú Anh tâm tư.
 
Việc cản đường giảm ùn tắc cho thí sinh của SVTN rất dễ bị ăn mắng
Phụ huynh và thí sinh đi thi giảm được rất nhiều nỗi lo toan nhờ đội tiếp sức mùa
thi mọi lúc mọi nơi.

 
Nhiều bạn chia sẻ, tham gia tình nguyện mùa thi, họ được thấy lại hình ảnh của mình hồi đi thi. Khi đó, họ cũng nhìn các anh chị SVTN nhiệt tình đầy ngưỡng mộ, càng quyết tâm thi đỗ để sau này đi tình nguyện. Vì thế, lúc có thể lúc này đây hình ảnh SVTN như tiếp thêm lửa và động lực cho thí sinh.
 
“Có những phụ huynh trước khi ra về tìm đến đội tình nguyện để bắt tay, cảm ơn… làm bọn mình xúc động lắm!”, cụm phó đội SVTN ĐH Công nghiệp TPHCM Đào Hoàng Phước chia sẻ hạnh phúc đơn giản của mình cũng như của các bạn SVTN.
 
Theo Dantri

Các tin mới hơn

Các tin cũ hơn

Liên kết hữu ích